Chi cục kiểm lâm Bình Dương: Bảo vệ, phát triển, phòng chống cháy rừng hiệu quả

Thứ sáu, ngày 02/06/2023

(BDO) Trong 46 năm qua, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương (chi cục) không ngừng phát triển đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Chi cục đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, phòng chống cháy rừng.

 Chủ động phòng, chống cháy rừng

Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, chi cục đã tổ chức lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc quản lý chặt chẽ diện tích đất lâm nghiệp, đất giao khoán, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp. Mặt khác, chi cục quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng trồng, không để xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng; đồng thời tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Song song đó, chi cục xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra phương án phòng cháy chữa cháy rừng đối với các đơn vị chủ rừng; tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực tham gia bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng; triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan cho toàn thể cán bộ, công chức và người lao động; hướng dẫn chủ rừng lập và thực hiện phương án bảo vệ rừng, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ rừng; tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc bảo vệ rừng, khai thác, sử dụng rừng, lưu thông, vận chuyển, kinh doanh lâm sản, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Giai đoạn 2012-2022, chi cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử lý 472 vụ vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó vi phạm hành chính 468 vụ, hình sự 4 vụ; đã tịch thu 329m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, 1.038 cá thể động vật hoang dã, 3 phương tiện ô tô và 1 phương tiện xe máy; xử phạt với số tiền hơn 7 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Công tác quản lý động, thực vật cũng được chi cục kiểm soát chặt chẽ. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 64 tổ chức, hộ gia đình đang gây nuôi 80 loài với 4.958 cá thể động vật hoang dã; 20 cơ sở trồng cấy thực vật hoang dã thuộc phụ lục II nhóm IIA, với tổng diện tích 189,6 ha, gồm 2 loài với 83.333 cây (39.709 cây dó bầu, 43.624 cây gỗ sưa).

Chú trọng phát triển rừng

Song song với việc bảo vệ rừng, quản lý động, thực vật hoang dã, công tác phát triển rừng cũng được đơn vị quan tâm thực hiện. Lực lượng kiểm lâm từ tỉnh đến huyện đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng. Từ những năm 2008 trở đi xu hướng trồng cây gỗ lớn lâu năm, có giá trị kinh tế cao như sao, dầu được chú trọng hơn.

Cụ thể, chi cục đã tổ chức trồng gần 28 ha rừng dầu tại xã An Lập (huyện Dầu Tiếng), 64,24 ha cây dầu tại khu vực Gò Sọ thuộc Tiểu khu 23 (huyện Bắc Tân Uyên), góp phần từng bước phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo nguồn nguyên liệu cho các đơn vị sản xuất trong tỉnh. Tính đến nay, diện tích rừng trồng được chăm sóc và phát triển tốt đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ ở mức 57,5%. Ngoài ra, hàng năm chi cục phối hợp với các địa phương tổ chức phát động phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và trồng cây phân tán, trung bình mỗi năm tổ chức trồng bình quân 38,60 ha sao, dầu.

Ông Nguyễn Văn Ớ, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết là địa phương có diện tích rừng không lớn nhưng có trên 819 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản và có gần 70 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Được sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, Cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự hỗ trợ và phối hợp tốt giữa chi cục với các ngành, UBND các địa phương có rừng trong công tác tuyên truyền vận động, các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng hầu hết là nhỏ lẻ, chủ yếu vi phạm về thực hiện các quy định trong chế biến lâm sản, trong hoạt động gây nuôi. Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, không có điểm nóng về mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

Trật tự kỷ cương trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng được giữ vững, chi cục quản lý và giám sát chặt chẽ các hoạt động cưa xẻ, chế biến, xuất, nhập khẩu lâm sản trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh công tác vận động trồng cây gây rừng, trồng rừng phòng hộ và xúc tiến khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Ngoài ra, công tác kiểm tra được chi cục thực hiện thường xuyên, xử lý nhanh chóng và đúng pháp luật, đã phát huy tác dụng giáo dục và răn đe, từ đó hạn chế đáng kể mức độ thiệt hại tài nguyên rừng.

 Ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chi cục Kiểm lâm cần tiếp tục triển khai hoàn thiện, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành kiểm lâm, nhất là chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Cùng với đó, chi cục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng. Đồng thời, lực lượng kiểm lâm cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm có sự chuyển biến tích cực về quan điểm, nhận thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC