Chi cục bảo vệ môi trường: Nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường

Thứ năm, ngày 03/01/2013
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật; tham mưu ban hành văn bản; kiểm tra, thẩm định bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các doanh nghiệp (DN); xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…, Chi cục BVMT thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã góp phần khá lớn vào việc cải thiện chất lượng môi trường ở Bình Dương.

Từ dự án quan trắc nước thải tự động…

Bà Nguyễn Trình Cao Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT, cho biết để tăng cường công tác phòng ngừa ô nhiễm, giám sát nguồn thải, từ khi vận hành chính thức hệ thống quan trắc nước thải tự động giai đoạn của Dự án Quan trắc nước thải tự động, đã có tác động tích cực đối với công tác quản lý môi trường. Cụ thể như giúp cơ quan quản lý giám sát được 21 khu công nghiệp (KCN) và các nguồn thải lớn với tổng lưu lượng 89.000m3/ngày, chiếm tỷ lệ 55,6% tổng lượng nước thải công nghiệp trên toàn địa bàn.   Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường sẽ góp phần bảo đảm cho mục tiêu phát triển bền vững

Quan trọng hơn, chủ đầu tư các KCN và các chủ nguồn thải lớn đã chú trọng hơn công tác vận hành hệ thống xử lý nước thải, tình trạng xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, giảm đáng kể so với thời gian trước đây; góp phần làm giảm thiểu và phòng tránh các sự cố môi trường từ các nguồn thải lớn gây ra. Chính từ lợi ích này, tỉnh đang mở rộng thực hiện giai đoạn 2, quan trắc thêm 31 nguồn thải lớn còn lại nhằm bảo đảm năm 2013 sẽ giám sát được 52 nguồn thải lớn, kiểm soát liên tục và tự động hơn 70% tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn.

... Đến kiểm soát ô nhiễm

Trao đổi với chúng tôi, bà Sơn cho biết thêm, đối với công tác thanh, kiểm tra các nguồn thải nằm ngoài các KCN, năm qua, chi cục cũng đã tiến hành kiểm tra đối với 98 DN; đồng thời phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất 40 DN trên địa bàn và tiến hành kiểm tra các DN xả nước thải vào rạch Chòm Sao, suối Siệp, suối Bưng Cù theo phản ánh của cử tri; phối hợp với các phòng ban, đơn vị kiểm tra công tác BVMT của Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé và Công ty TNHH GHP International Việt Nam để giải quyết nguyên nhân gây ô nhiễm nước ngầm trong khu vực. Qua đó, xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho 39 DN, trong đó có 27 DN được cấp giấy xác nhận; cấp mới 410 và cấp lại 124 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; ban hành văn bản đề nghị bổ sung, chỉnh sửa và hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 467 DN và 450 báo cáo quản lý chất thải nguy hại...

“ Toàn tỉnh hiện có 26/28 KCN đi vào hoạt động (KCN Thới Hòa và An Tây đang trong thời kỳ xây dựng cơ bản), trong đó có 25/26 KCN đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung; chỉ có KCN Mai Trung có 3 DN đang hoạt động với tổng lượng nước thải 30m3/ ngày chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tỷ lệ đấu nối nước thải của các cơ sở sản xuất nằm trong KCN đa số đạt 100%.”

Ngoài ra, đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ năm 2008 đến năm 2010, chi cục đã tham mưu sở trình UBND tỉnh công bố danh sách 102 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến cuối năm 2010 đã có 93 cơ sở hoàn thành khắc phục ô nhiễm đạt tỷ lệ 91,2%, còn 9 cơ sở chưa hoàn thành khắc phục ô nhiễm. Trong năm 2011, công bố thêm danh sách 31 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kết quả đến nay đã có 127/133 cơ sở hoàn thành khắc phục ô nhiễm, chiếm tỷ lệ 95,5%), còn 6 cơ sở chưa hoàn thành khắc phục ô nhiễm (chiếm tỷ lệ 4,5%), gồm Công ty TNHH Nông sản Đài Việt, Công ty TNHH Nông súc Trực Điền, Công ty TNHH Hà Hải, Công ty TNHH Cao su Minh Tân, DNTN Hồng Thanh, Cơ sở chế biến bột mì Hùng Mạnh. Nguyên nhân các cơ sở trên chưa hoàn thành khắc phục ô nhiễm là do ngành nghề đặc thù chế biến mủ cao su, chăn nuôi, chế biến củ mì có nồng độ ô nhiễm cao, tuy đã đầu tư xử lý nhưng vẫn chưa đạt quy chuẩn xả thải.

Vẫn còn những việc cần phải làm

Tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường để phát triển bền vững, theo bà Sơn, năm 2013, chi cục sẽ ưu tiên tập trung xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm và thanh kiểm tra việc BVMT của các DN và KCN; duy trì thực hiện các chương trình quan trắc môi trường, xây dựng báo cáo chuyên đề, tổng hợp số liệu nhằm đánh giá tổng thể chất lượng môi trường ở địa phương; hoàn thiện và mở rộng hệ thống giám sát nước thải tự động của các KCN và một số DN có lưu lượng thải lớn; xây dựng các phương án phòng chống sự cố môi trường về tràn dầu, tràn đổ chất thải; kiện toàn mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý môi trường cho DN và các hội đoàn thể; triển khai nhân rộng mô hình tự quản môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn; đẩy mạnh công tác thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc ký quỹ BVMT.

NGỌC THẢO