Chế tài xử phạt đối với những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
(BDO) Hiện nay, vấn đề môi trường đang rất được quan tâm bởi những ảnh hưởng của nó đối với đời sống, sản xuất, sự tồn tại và phát triển của con người. Thực tế cho thấy tình hình tội phạm về môi trường sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, ngày càng trầm trọng. Vậy hành vi gây ô nhiễm môi trường bị xử phạt như thế nào?
Lực lượng chức năng đang ghi nhận hiện trường một vụ đổ trộm chất thải tại huyện Phú Giáo. Ảnh: NGUYỄN HẬU
Đối tượng vi phạm gây ô nhiễm môi trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nghị định số 45/2022/NĐ- CP được ban hành ngày 7-7- 2022 quy định một số mức phạt đối với hành vi vi phạm lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo.
b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm:
+ Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy phép môi trường, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
+ Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật.
+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn đối với cơ sở hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công được Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Ngoài các hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định; buộc phá dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường…
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Bên cạnh về các mức xử phạt vi phạm hành chính, thì với mức độ vi phạm nặng hơn, hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ môi trường cũng sẽ bị xử lý hình sự theo các tội phạm tương ứng. Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội “Gây ô nhiễm môi trường” như sau:
Đối với cá nhân
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
“Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
- Xả thải ra môi trường từ 500m3 trên ngày đến dưới 5.000m3 trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300m3 trên ngày đến dưới 500m3 trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
“Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 3.000kg đến dưới 5.000kg chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 10.000kg đến dưới 50.000kg chất thải nguy hại khác.
- Xả thải ra môi trường từ 5.000m3 trên ngày đến dưới 10.000m3 trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 500m3 trên ngày đến dưới 5.000m3 trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
“Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật 5.000kg trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc 50.000kg trở lên chất thải nguy hại khác.
- Xả thải ra môi trường 10.000m3 trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc 5.000m3 trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên.
- Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với pháp nhân thương mại
Với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị áp dụng các khung hình phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng.
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 12.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm.
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều này, thì bị phạt tiền từ 12.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm.
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điều 79 của bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm.
Như vậy, đối với tội gây ô nhiễm môi trường thì mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm.
HỘI LUẬT GIA TỈNH BÌNH DƯƠNG