Chế cafe từ bột đậu nành và thuốc ký ninh
Tẩm hóa chất vào bột đậu nành để chế biến cafe, thêm bột bắp, bỏ ký ninh tăng độ đắng... là những cách để giới kinh doanh cho ra sản phẩm cafe dỏm thơm ngon như thật.
Kiểm tra cơ sở rang xay cafe Thông Phát, đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM vào đầu tháng 7, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM chỉ thấy hàng trăm bao đậu nành, bắp nằm rải rác trong khuôn viên công ty. Nơi này được cho là đã mua đậu nành về tẩm hóa chất làm thành cafe đem bán cho nhiều nơi.
Làm cafe dỏm tại một cơ sở sản xuất. Tại Thông Phát, cơ quan chức năng còn tìm thấy nhiều loại hóa chất khác như đường cấm, bột màu trắng không rõ nguồn gốc, chất tạo độ đặc quánh, nhiều can nhựa đựng dung dịch không nhãn mác... "Chúng tôi đã lấy mẫu để xét nghiệm và đang chờ kết quả", ông Phạm Kim Bình, quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết.
Mới đây, ngày 17-7, Công an quận 12, TP.HCM phát hiện và tạm giữ xe ôtô đang vận chuyển 450 kg đậu nành và 50 kg bắp đã tẩm hóa chất thành cafe. Lái xe khai số hàng trên của cơ sở cafe Xuân Hoành, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 vận chuyển ra bến xe gửi xe đò, để giao cho công ty ở TP Quảng Ngãi. Tiến hành khám xét cơ sở cà phên này, công an lập biên bản 8,5 tấn đậu nành chưa rang, 1 tấn đậu nành đã rang xong và được tẩm hóa chất, 950kg bắp chưa rang, 900kg vỏ cafe dùng làm thức ăn chăn nuôi; 150 kg cafe loại 1, 410kg cafe loại 2 đã được đóng gói, 12 hóa chất các loại dùng để chế biến cafe. Ngoài ra, tổ công tác lập biên bản ghi nhận tại cơ sở chế biến cafe Xuân Hoành có 2 máy rang đậu nành công suất 120kg mỗi mẻ, 2 máy xay và 2 máy đóng gói thành phẩm...
Công an quận 12 cho biết, sắp tới sẽ phối hợp với các ban ngành đoàn thể như vệ sinh an toàn thực phẩm thành lập đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất và pha chế cafe trên địa bàn quận để phát hiện và xử lý các vi phạm.
Theo giới sản xuất và kinh doanh bí kíp cho hóa chất tạo mùi, tạo hương hay thêm bột bắp, đậu nành... để tạo ra cafe dỏm đã tồn tại từ lâu. "Một ly cafe vỉa hè bán 5.000-6.000 đồng, lấy đâu ra lời nếu mua cafe nguyên chất", một nhà sản xuất cafe có thương hiệu nói.
Anh Hùng Công, người trồng cafe, chuyên cung cấp hàng cho các cơ sở rang xay ở tỉnh Lâm Đồng cho biết "cafe phải nguyên chất". Nếu có bất cứ thành phần nào khác bột bắp, đậu nành... thì đều là hàng dỏm. "Tuy nhiên, rất nhiều quán cafe, và đặc biệt là hàng vỉa hè... đều sử dụng cafe dỏm để kiếm lời", anh Hùng nói.
Để tăng vị cafe, người bán còn có thể dùng một giọt hóa chất "tinh cafe" được bày bán công khai ở các chợ. “Chỉ cần cho vào mỗi ly một giọt thôi là hương vị khác hẳn. Bán cafe không dùng cái này thì khách không thích đâu, cứ mua về thử dùng mà xem”, bà Trang, chủ tiệm hóa chất phụ gia ở chợ Kim Biên, TP.HCM đon đả giới thiệu khi vị khách muốn mua hương liệu cafe về pha bán quán.
Ghi nhận của VnExpress.net, ở chợ này bán tràn lan các loại tinh cafe (thực chất là hóa chất phụ gia) với nhiều hương khác nhau như cafe chồn, cafe Đức… có giá 20.000 - 35.000 đồng cho 100 ml.
Tinh cafe màu đen, dạng lỏng, được trữ trong những chiếc can lớn không nhãn mác. Khi nào có người mua, nhân viên mới chiết sang bình nhỏ hơn theo số lượng mà khách yêu cầu. Sau khi lấy cho khách 100 ml tinh cafe giá 20.000 đồng, bà Trang dặn kỹ là không nên dùng nhiều vì không tốt cho sức khỏe, mỗi ly cafe chỉ nên cho vào một giọt hương liệu này là đủ rồi.
Một ly cafe pha phin bình thường và dùng đến nước thứ ba, chỉ cần cho một giọt tinh vào là dậy mùi thơm phức như hàng nguyên chất, vị cũng đắng hơn.
Giới kinh doanh cafe cho rằng trong các loại hóa chất dùng pha cafe dỏm thì chất tạo bọt là nguy hiểm nhất và không nên dùng, một số nơi có pha ký ninh vào để tạo vị đắng. Những người kinh doanh cafe thương hiệu cho hay với bất kỳ hóa chất nào, dùng nhiều hay không biết cách sẽ tạo ra độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
"Ký ninh là thuốc chữa sốt rét, tôi không biết có độc không nhưng nếu dùng quá nhiều chắc chắn sẽ có hại, một số tỉnh miền Trung cafe thường có bỏ thêm loại này vào nhưng vấn đề là họ thích vị đắng như vậy", ông Ngô Tấn Giác, chủ thương hiệu cafe Thu Hà nói.
Cafe trộn bắp và đậu nành, nếu rang cháy sẽ dễ tạo ra độc tố, ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ nhiệm HTX Minh An, tình Đăk Nông, chủ nhiều thương hiệu cafe phân tích.
"Cafe trên thị trường rất dễ dàng nhận biết hàng dỏm hay thật. Cafe vốn màu đen, loại dỏm dùng hóa chất nên khi cho đá vào sẽ nhạt màu; còn hàng xịn vẫn giữ được màu đen. Cafe rang xay nguyên chất phải tầm 100.000 đồng một kg, trong khi đó với hàng quán cóc bán 5.000-6.000 đồng một ly thì lấy đâu ra cafe tốt", ông Toàn nói.
"Quan trọng là người dân họ vẫn thích loại dễ uống và rẻ, chính điều này tạo điều kiện cho những người làm cafe chui. Đơn cử như thị trường miền Tây của tôi hầu như 'thua' hẳn cafe dỏm", ông Giác cho biết.
Theo chủ thương hiệu Thu Hà, cần nhìn nhận khách quan, không nhiều người Việt Nam biết thưởng thức cafe nguyên chất, nếu uống lần đầu dễ bị say do có nhiều cafein, vì vậy một số nơi trộn thêm bắp, đậu nành chỉ để giảm lượng cafein để dễ tiêu thụ, phù hợp thị trường.
Theo VNE