Chế biến nông, lâm, thủy sản: Thiếu liên kết với người sản xuất

Thứ năm, ngày 06/10/2011

Trong tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp Bình Dương (BD), công nghiệp chế biến gắn với nguồn nguyên liệu sản xuất là định hướng quan trọng cho nông nghiệp phát triển bền vững. Thực tế hiện nay cho thấy hoạt động chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (NLTS) BD vẫn còn yếu, nông dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ các hoạt động này.

Thực trạng

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khá nhiều các cơ sở chế biến NLTS nhưng hoạt động chủ yếu ở mức độ nhỏ lẻ và dưới dạng thủ công. Theo kết quả điều tra năm 2010, toàn tỉnh có hơn 2.000 cơ sở chế biến, bảo quản NLTS; thu hút gần 7.000 lao động. Một số hoạt động chế biến chủ yếu gồm: nghề nấu rượu, làm bánh tráng, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế mủ cao su, chế biến hạt điều và chế biến các loại nông sản khác. Các ngành nghề chế biến này trong thời gian qua đã đáp ứng một phần nào nhu cầu tại chỗ của nhân dân trong vùng. Tuy nhiên không có nghề nào nổi tiếng đến mức trở thành thương hiệu riêng của mình ngoại trừ nghề làm bánh tráng. Do thực tế nguồn nguyên liệu giảm nên một số ngành nghề có xu thế giảm mạnh. Trong đó điển hình là các nghề xay xát, chế biến hạt điều và một số loại nông sản khác. Tuy nhiên cũng có một số nghề đã và đang được đầu tư nhằm phục hồi sự phát triển. Điển hình là nghề làm bánh tráng tại Bến Cát và Dầu Tiếng.

 

Nhiều cơ sở chế biến NLTS đã bị hạn chế hoạt động do thiếu nguồn nguyên liệu và công nghệ lạc hậu. Trong ảnh: Hoạt động sơ chế hạt điều

Do yêu cầu của sản xuất, các ngành nghề cũng đã và đang từng bước được cơ giới hóa là nghề xay xát, làm bánh tráng, làm bún, chế biến hạt điều, sơ chế mủ cao su... Các nghề khác như nấu rượu, giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến nông sản khác chủ yếu vẫn bằng phương pháp thủ công. Do công nghệ sản xuất chủ yếu là thủ công nên yêu cầu về mặt bằng cho các cơ sở sản xuất này là không lớn (khoảng 100 - 200m2 cho mỗi cơ sở). Giá trị sản lượng bình quân do 1 lao động tạo ra trong lĩnh vực chế biến NLTS là 50 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/người/ tháng. Chủng loại sản phẩm của nghề chế biến NLTS cũng rất đa dạng, phong phú. Một số sản phẩm chính như: rượu đế, gạo, hạt điều thô, cao su mủ khô, thịt gia súc, gia cầm, bánh tráng, các loại bún, bánh, đậu hũ, tương, chao, giò, chả, mắm... Ngoại trừ hạt điều thô xuất khẩu, cao su mủ khô làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, bánh tráng xuất khẩu thông qua các tổ chức ở huyện Củ Chi (TP.HCM), tỉnh Tây Ninh... đa số các sản phẩm còn lại đều được tiêu thụ ngay tại thị trường BD; thậm chí các loại sản phẩm có quy mô nhỏ chỉ được tiêu thụ trong phạm vi từng huyện, thị.

Liên kết còn yếu

 Trong thời gian qua một số hoạt động chế biến, bảo quản NLTS đã được hình thành và phát triển ổn định như các hoạt động chế biến mủ cao su, chế biến, bảo quản rau củ tươi và nấm. Nhu cầu chế biến, bảo quản trong sản xuất của nông dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều, trong đó tập trung ở các hoạt động sản xuất cây ăn trái, rau củ, nấm. Tuy nhiên thực tế cho thấy các hoạt động này hiện nay vẫn chưa thực sự liên kết với vùng nguyên liệu BD. Vì thế chưa đem lại lợi ích đích thực cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động này cũng chủ yếu dựa vào các thương lái để cung cấp nguyên liệu cho họ chứ không liên hệ trực tiếp với người dân.

Anh Nguyễn Văn Hùng (xã Phước Sang, huyện Phú Giáo) cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Tân Hiệp huyện Phú Giáo - một xã giáp ranh với Phước Sang có 3 cơ sở chế biến mủ cao su nhưng không thấy các cơ sở này mua trực tiếp mủ của người trồng cao su mà lại dựa vào các điểm thu mua mủ nhỏ lẻ. Tại một số vùng trồng cây ăn trái của BD do nông dân chưa được tham gia vào các hoạt động sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nên sản phẩm chưa đạt được giá trị cao, chưa xây dựng được thương hiệu.

Từ nay đến năm 2015 và định hướng tới 2020, ngành nghề nông thôn BD cũng đã được quy hoạch phát triển nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống và đạt giá trị kinh tế cao. Quy hoạch này là điều kiện cần thiết cho ngành chế biến, bảo quản NLTS tại BD có thể phát triển. Trong đó, dự báo nhóm ngành chế biến có thể phát triển mạnh gồm: sản xuất bánh tráng, sơ chế, bảo quản rau, quả, chế biến mủ cao su, chế biến lâm sản là cưa xẻ gỗ, sản xuất và chế biến nấm. Nhóm ngành nghề phát triển theo điều tiết của thị trường gồm: hạt điều, xay xát gạo, nấu rượu, làm bún, hủ tiếu, các loại bánh, tương, chao, giết mổ gia súc, gia cầm, giò chả, nem...

 

Ông Lê Văn Quý, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Uyên cho biết, hiện nay nông dân trên địa bàn huyện rất cần có các mô hình sơ chế, chế biến NLTS để hỗ trợ họ trong sản xuất. Tuy nhiên việc hình thành nên các cơ sở này là rất khó khăn do người dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo ra nguồn nguyên liệu tập trung, trong khi đó doanh nghiệp thì ngại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Giải pháp tốt nhất để thực hiện các hoạt động này là thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nhưng nhận thức của nông dân trong việc tham gia các tổ chức này còn hạn chế.

Với yêu cầu mới của thị trường tiêu thụ, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã chú ý hơn đến việc sơ chế, xây dựng thương hiệu để tăng thêm khả năng cạnh tranh sản phẩm. Tuy nhiên những cá nhân làm được điều này là không nhiều. Song, nếu chỉ dựa vào nội lực của nông dân không thì khó có thể thúc đẩy hoạt động này phát triển.

Ông Phan Văn Nam, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn Bình Dương: Rất khó trong việc bao quát quản lý các đơn vị chế biến

Hiện nay cũng rất khó trong việc bao quát quản lý các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến, bảo quản NLTS nhất là các đơn vị nằm trong các khu công nghiệp. Hầu hết các đơn vị này chưa liên kết với nông dân BD về tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do số lượng, chất lượng nông sản chưa phù hợp với yêu cầu của các đơn vị này. Hiện nay chi cục cũng đang thực hiện dự án: “Sơ chế bảo quản trái cây quy mô nông hộ” nhằm xây dựng mô hình nhà sơ chế đóng gói cam và bưởi quy mô nông hộ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị và tăng khả năng cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu.

ĐÀ BÌNH