Chế biến nông, lâm, thủy sản ở Bình Dương: Tiềm năng chưa được khai thác
Mặc dù đã có những bước phát triển khá vượt trội so với những năm trước, nhưng lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản (NLTS) Bình Dương vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế của người sản xuất. Chính vì vậy, giá trị thương phẩm của nhiều loại nông sản ở Bình Dương vẫn chưa được nâng cao như mong muốn của nông dân.
Chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu
Hiện nay, hoạt động sản xuất của nông dân trong tỉnh diễn ra hết sức đa dạng, phong phú. Hầu như trên lĩnh vực nào của nông nghiệp, nông dân Bình Dương đều có tiềm năng lớn. Cơ chế chính sách tốt, cùng với sự năng động của người nông dân đã giúp cho nhiều hộ tại một số địa phương trong tỉnh tạo ra nguồn nông sản dồi dào và có giá trị cao.
Phân loại nông sản trước khi đưa vào bảo quản trong kho lạnh tại một trang trại ở huyện Tân Uyên
Trên lĩnh vực trồng trọt, những mặt hàng nông sản như cao su và trái cây chất lượng cao được xem là thế mạnh của nông dân Bình Dương. Trên lĩnh vực chăn nuôi, số lượng đàn heo, gà được phát triển nhanh tại các trang trại chăn nuôi tập trung. Xu hướng sản xuất tập trung với quy mô lớn đã giúp cho nông dân Bình Dương tạo ra nguồn hàng dồi dào, cung ứng kịp thời cho thị trường. Tuy nhiên, có thể nhận thấy hầu hết nông dân trên địa bàn tỉnh chỉ bán thô sản phẩm chứ chưa chú ý nhiều đến công đoạn chế biến, bảo quản sản phẩm nên chưa đạt được giá trị thương phẩm cao. Chính vì vậy sự thiệt thòi vẫn thuộc về phía nông dân.
2 năm trở lại đây, thực hiện chương trình của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tam nông, công nghiệp chế biến nông sản của Bình Dương đã được chú trọng phát triển với gần 80 cơ sở được đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại và bước đầu đã tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Tuy nhiên, nếu đem so sánh với các lĩnh vực sản xuất khác thì có thể thấy các hoạt động chế biến, bảo quản NLTS ở Bình Dương vẫn còn rất hạn chế. Cùng với nhu cầu thực tế tại vùng nông thôn, thời gian qua một số hoạt động chế biến, bảo quản NLTS đã được hình thành và phát triển ổn định như các hoạt động chế biến mủ cao su, chế biến, bảo quản rau củ tươi và nấm. Các cơ sở này được đầu tư khá quy mô nhưng thực tế cho thấy sự liên kết với nông dân còn yếu, chưa hỗ trợ nhiều cho sản xuất của nông dân. Các hoạt động thu mua của các cơ sở này vẫn phải dựa vào các thương lái thu mua nhỏ lẻ của nông dân chứ chưa trực tiếp đứng ra thu mua như trong các hoạt động thu mua mủ cao su, tiêu, điều... Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với đầu ra ổn định với giá cả phải chăng luôn là nhu cầu thường trực của nông dân.
Cần sát hơn với nông dân
Tại một số địa bàn, thực tế cho thấy nhu cầu sơ chế, bảo quản NLTS trong nông dân là rất nhiều nhưng do còn hạn chế về nguồn vốn cũng như chưa có sự liên kết trong sản xuất của nông dân, vì vậy chưa tạo ra nguồn hàng cần thiết cho các hoạt động chế biến NLTS, trong khi đó DN vẫn còn ngại đầu tư vào vùng nông thôn. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, một số nông dân đã tự đầu tư hệ thống sơ chế, bảo quản nông sản của mình.
Ông Lê Văn Xê, chủ một trang trại trồng cây ăn trái tại xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên là một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực sơ chế, bảo quản trái cây cho nông dân trong vùng. Với 2 sản phẩm chủ lực là bưởi da xanh và chanh không hạt, hoạt động sơ chế, bảo quản sản phẩm đã giúp cho ông nâng cao giá trị thương phẩm của 2 loại nông sản này. Bưởi da xanh sau khi thu hoạch được phân loại và đưa vào bảo quản trong kho lạnh ngay tại trang trại. Khi đem bán, trang trại của ông Xê dùng container lạnh để vận chuyển, nên sản phẩm có thể đi xa ra các tỉnh miền Bắc và đạt giá trị cao. Ông Xê cho biết: “Nhờ có khâu sơ chế, bảo quản mà sản phẩm của tôi và một số bà con nông dân trong khu vực tăng 30% giá trị, lợi nhuận tăng lên 10% so với trước đây. Trái cây được bọc màng, đóng túi bảo quản cũng giúp làm tăng sự tín nhiệm đối với người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, thực tế những người dám bỏ ra số tiền lớn để đầu tư hệ thống sơ chế, bảo quản như ông Xê là không nhiều, một phần vì sản phẩm của họ ít, mặt khác là bị ảnh hưởng bởi tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan. Ông Nguyễn Văn Khái, chủ một trang trại ở huyện Bến Cát và là người rất có tâm huyết với sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà, cho biết hoạt động chế biến NLTS chưa trở thành “bà đỡ” cho nông sản Bình Dương. Nông dân tỉnh nhà vẫn sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và không chuyên canh theo vùng; chưa có sự hướng dẫn cụ thể để nông dân sản xuất ra các sản phẩm sạch, an toàn, vì vậy chưa thể thu hút các DN chế biến nông sản. Chính điều này làm cho nông sản Bình Dương chưa thể đi xa.
Nguồn nông sản trên địa bàn tỉnh là rất dồi dào, nhưng hoạt động chế biến NLTS chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nông dân do sợi dây liên kết giữa DN và nông dân chưa thực sự rõ ràng. Để có thể nâng cao giá trị thương phẩm của nông sản trên thị trường, nông sản phải được sơ chế, bảo quản tốt. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được điều này thì DN và cơ quan hữu quan cần sát cánh nhiều hơn với nông dân.
CAO SƠN
Đến năm 2015 và định hướng tới 2020, ngành nghề nông thôn Bình Dương cũng đã được quy hoạch phát triển nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống và đạt giá trị kinh tế cao. Các quy hoạch này là điều kiện cần thiết cho ngành chế biến, bảo quản NLTS tại Bình Dương có thể phát triển. Trong đó, dự báo nhóm ngành chế biến có thể phát triển mạnh, gồm: Sản xuất bánh tráng; sơ chế, bảo quản rau quả; chế biến mủ cao su; chế biến lâm sản; sản xuất và chế biến nấm... Nhóm ngành nghề phát triển theo sự điều tiết của thị trường, gồm: Hạt điều, xay xát gạo, nấu rượu, làm bún, các loại bánh, tương, chao và giết mổ gia súc, gia cầm...