“Chạy trường”
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, tiếng ve sầu ngân vang, hoa phượng đỏ thắm sân trường... Đã có một thời những lời ca, áng văn, câu thơ làm xúc động lòng người mỗi khi hè về, mùa hè của ngày xưa là mùa nghỉ ngơi của học sinh, được về quê mặc sức vui chơi, chạy nhảy, câu cá, bắt chim, mùa hè đọng lại trong lòng thời niên thiếu bao ký ức hoài niệm. Nay trong thời buổi kinh tế thị trường những hình ảnh, không khí hè ngày xưa phai nhạt dần, thay vào đó là sự tất bật lo toan nhất là của giới phụ huynh, có thể nói không sai chút nào, mùa hè không còn là của học sinh mà là mùa của phụ huynh, vì phải vừa chạy lo cho con học thêm, vừa chạy lo cho con có nơi học ưng ý... mùa “chạy trường” đã đến. Không nhớ lắm khi nào từ “chạy trường” rộ lên, nhưng có lẽ từ khi có “trường điểm, trường mẫu” gì đó, con trẻ ngay từ thời mẫu giáo đã được phụ huynh lo “chạy trường” và quyết liệt nhất là khi bắt đầu vào bậc phổ thông, những trường có chất lượng ổn định và khá, trường bán trú là mục tiêu săn đuổi của phụ huynh, nhiều bậc cha mẹ ít suy nghĩ hay đánh giá thực lực học tập của con em mình một cách nghiêm túc để định hướng một ngôi trường phù hợp mà chủ yếu là “chạy” bằng mọi cách để được vào các trường “có tiếng” một chút, họ suy nghĩ đơn giản là “dở ở nơi khá, còn hơn khá ở nơi dở”, mà thật vậy tôi đã chứng kiến trường hợp một học sinh luôn đứng top 5 trong lớp ở một trường ngoại ô khi chuyển vào học một trường khá ở trung tâm đã không thể nào theo kịp top cuối của lớp mới.
Hiện nay nhiều gia đình khá giả đã gửi con em mình theo học ở TP.HCM mặc dù học phí rất đắt đỏ còn cao hơn học đại học nhiều lần và cũng có nhiều phụ huynh ôm hận khi gửi phải những trường mang thương hiệu quốc tế nhưng dạy tốt mỗi một môn ngoại ngữ còn lại các môn khác thì hỏng bét mà bằng chứng là tỷ lệ thi đậu đại học chỉ đếm trên bàn tay...
Toàn cảnh bức tranh “chạy trường” toát lên một nét bi hài, hiện nay chạy trường đã cuốn theo “chạy hộ khẩu” cho học sinh, vì hộ khẩu là tiêu chuẩn cơ bản để phân luồng tuyến, các địa phương có trường điểm tự nhiên tăng xuất hộ khẩu đột biến, có một phụ huynh vì muốn cho con học trường điểm đã phải chuyển khẩu cho con nhưng bà vợ nhất mực nghi ngờ tại sao phải tách khẩu? Cũng có phụ huynh cầm hồ sơ chạy lòng vòng mãi không được trường khá nào, đến giờ cuối thì trường theo tuyến gần nhà cũng hết chỗ đành phải gửi về ngoại học thôi.
Chạy trường đã phát sinh nhiều hệ lụy, nhiều cán bộ giáo dục đã phải bị kỷ luật vì tiêu cực, tạo một hành vi và suy nghĩ xấu trong phụ huynh, dư luận đồn thổi trường này bao nhiêu, trường kia bao nhiêu... làm cho hình ảnh nhà giáo bị xúc phạm. Được biết hiện nay ngành giáo dục đang rất nghiêm khắc trong vấn đề này, đây là tín hiệu vui để lặp lại trật tự trong giáo dục. Tại sao lại có việc “chạy trường”, trước hết là do sự đầu tư cơ sở vật chất và chất lượng dạy - học ở các trường không đồng đều, Bình Dương là địa phương phát triển, nộp ngân sách cao nhưng đã bao năm qua cũng không hình thành nổi một mô hình trường chất lượng cỡ trường Nguyễn Khuyến khiến bao công sức và tiền của phụ huynh phải đầu tư nơi khác, ngay cả mô hình trường bán trú là nhu cầu thực tế và cấp bách nhưng việc đầu tư cũng ì ạch tạo sự bức xúc của nhiều phụ huynh.
Cũng không quá trách các bậc phụ huynh khi “chạy trường” vì ai mà không thương con, nếu như học ở đâu cũng tốt thì ai lại phải hao tâm tốn của làm gì. Trách nhiệm của chính quyền và ngành giáo dục là làm sao nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học. Bình Dương có nhiều điều kiện để phát triển sự nghiệp giáo dục hơn nhiều địa phương khác, hy vọng tương lai không xa việc “chạy trường” không còn và Bình Dương còn là nơi thu hút về giáo dục để các nơi khác tìm đến.
XÀ CỪ