Chạy đua nước rút cho bầu cử giữa kỳ ở Mỹ

Thứ ba, ngày 02/11/2010

Các ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang bước vào những phút chạy đua cuối cùng cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ năm nay, được cho sẽ chứng kiến một cuộc soán ngôi ngoạn mục của đảng Cộng hòa trước đảng Dân chủ của đương kim tổng thống.

Cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 2-11 (giờ Mỹ) sẽ bầu 435 ghế Hạ viện, 37 trong số 100 ghế Thượng viện và thống đốc của 37 trong số 50 bang. Đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama được cho là gần như chắc chắn sẽ mất đa số ở Hạ viện và đang nỗ lực để giữ đa số ở Thượng viện.

 

 Tổng thống Mỹ Barack Obama và phó tổng thống Joe Biden trong cuộc vận động tại Đại học Cleveland, bang Ohio, hôm 31-10. 

Hiện đảng Cộng hòa cần giành thêm 39 ghế để kiểm soát Hạ viện, con số mà theo các trưng cầu dân ý thì đảng này sẽ dễ dàng giành được. Trong khi đó, để kiểm soát được Thượng viện, đảng Cộng hòa cần thêm 10 ghế, trong khi Dân chủ hy vọng có thể giữ Thượng viện bằng chêng lệch ít nhất một hay hai ghế.

 

Nỗ lực vận động tranh cử

 

Tổng thống Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã có các chuyến đi vận động trên cả nước Mỹ. Hôm qua, ông chủ Nhà Trắng trả lời một buổi phỏng vấn với Ryan Seacrest, dẫn chương trình American Idol. Trước đó, ông cũng đã xuất hiện trên Daily Show, chương trình châm biếm tin tức nổi tiếng của Mỹ. Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên lên chương trình này khi đang tại nhiệm.

 

Ngoài ra Tổng thống Obama cũng đã ghi âm các bài phỏng vấn cho các đài phát thanh ở các thành phố Milwaukee, Cincinnati, Philadelphia, Honolulu và Miami.

 

Trong các bài phát biểu khi vận động, đương kim tổng thống Mỹ thường nhắc lại khẩu hiệu "Chúng ta có thể", "Tin vào thay đổi" từng đem lại chiến thắng cho ông năm 2008. "Nếu tất cả những ai đã chiến đấu cho sự thay đổi năm 2008 đi bỏ phiếu năm 2010, chúng ta (đảng Dân chủ) sẽ chiến thắng cuộc bầu cử này", đài VOA dẫn lời Tổng thống Obama phát biểu.

 

Một ngày trước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đã có chuyến đi vận động cho đảng Dân chủ ở New York, Pennsylvania và West Virginia.

 

Theo Los Angles Times, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này là một trong những chiến dịch tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ với chi phí cho chiến dịch vận động của cả hai đảng là khoảng 4 tỷ USD.

 

Phong trào Trà đảng (Tea Party) - Nhân tố thứ ba

 

Sự ủng hộ đối với đảng Cộng hòa hiện lên cao và sự suy giảm niềm tin đối với đảng Dân chủ trong các cuộc trưng cầu dân ý, do sự bất mãn của cử tri đối với tỷ lệ thất nghiệp khoảng 10%, sự hồi phục kinh tế chậm chạp và tình trạng bong bóng bất động sản khiến nhiều người Mỹ mất nhà.

 

Bên cạnh đó, đảng Cộng hòa còn được sự hậu thuẫn của phong trào Trà đảng, theo đường lối dân túy. Trà đảng chỉ mới nổi lên năm 2009 từ các cuộc biểu tình chống các chính sách cải tổ kinh tế và chính sách chăm sóc y tế của chính phủ, tuy nhiên phong trào được đánh giá có khả năng tác động không nhỏ đến kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay.

 

Sarah Palin, cựu ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2008 và cựu thống đốc bang Alaska, tuyên bố trên truyền hình rằng cuộc bầu cử diễn ra hôm nay sẽ là "một cơn địa chấn về chính trị".

 

BBC nhận định kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hôm nay sẽ thay đổi cán cân quyền lực ở Washington và ảnh hưởng sâu sắc đến nền chính trị Mỹ. Trong thời gian qua, đảng Dân chủ chiếm ưu thế áp đảo trên chính trường Mỹ với tổng thống ở Nhà Trắng, đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện. Nếu đảng Cộng hòa giành lại ưu thế ở Hạ viện, việc được tiên đoán đã gần như chắc chắn, thì Tổng thống Obama và đảng của ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thông qua các chính sách.

Theo VNE