Châu Trâm Anh: Thổi hồn cho tác phẩm nghệ thuật

Thứ sáu, ngày 24/04/2015

Sinh ra trong một gia đình thuần nông và được cha mình nhắc chỉ duy nhất một câu “hãy học những gì mình thích để có cái nghề nuôi thân”, thầy giáo thì khuyên “đề tài là những gì gần gũi với mình nhất”. Từ 2 câu nói ấy mà Châu Trâm Anh chọn điêu khắc và đề tài gia đình là sợi chỉ xuyên suốt trong học tập và sáng tác của mình. Và điêu khắc đã mang lại cho anh những thành công lớn ở tuổi còn rất trẻ so với nghề.

(BDO)

Sau 4 năm miệt mài nghiên cứu, rèn luyện cùng các thầy tại trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương, Trâm Anh tiếp tục thi đậu vào trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Tại đây, các giải thưởng lớn nhỏ đã đến với anh trong quá trình vừa học, vừa hành cùng các đàn anh của mình. Giải thưởng đầu tay vào năm 2006, Trâm Anh dành tặng tình cảm của mình cho quê hương Bình Dương khi miêu tả vẻ đẹp của cô công nhân phơi gốm trong nắng ban mai tại cuộc thi triển lãm truyền thống điêu khắc của trường.

Tiếp theo sau đó, từ năm 2007-2009, bằng tình yêu nghề nghiệp và sự lao động một cách nghiêm túc với nghề, các tác phẩm như: “Rừng vàng biển bạc”, “Tiếp nối”, “Khai hội”… cũng mang vinh dự về cho anh. Đến năm 2010 tác phẩm ưng ý, với tên gọi “Biển” đã đoạt giải A toàn quốc do Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng (ảnh). Để có được tác phẩm, Trâm Anh đã cùng ăn, cùng ở và lao động thật thụ như một ngư dân trên biển cả để làm sao có thể thổi được hết cái hồn của biển vào trong tác phẩm của mình.

Những năm sau đó, các giải thưởng liên tục đến với Trâm Anh. Bạn bè thường hay trêu anh là người đi “Săn giải thưởng” nhưng anh nghĩ có cọ xát, có ra biển lớn mới tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu từ bạn bè, đồng nghiệp để tác phẩm thêm sinh động, có chiều sâu và đặc biệt có hồn.

Cũng vào năm 2010, tại đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, Trâm Anh cùng học trò của mình dám đương đầu với một thử thách lớn mà ít ai dám nhận, chỉ trong 20 ngày hoàn thành cặp rồng thời Lý, mỗi con 20m để chào mừng. Bằng sự tâm huyết, nhiệt tình và những thủ thuật riêng, thầy trò đã hoàn thành xuất sắc tác phẩm với lời khen ngợi từ đồng nghiệp, đây là hạnh phúc lớn trong nghề của thầy lẫn trò.

Để truyền lửa lại cho các em có cùng đam mê, Trâm Anh lại là một thầy giáo cần mẫn, yêu thương học trò, xem các em là anh em trong gia đình để truyền nghề. “Tình yêu nghề của Trâm Anh đã tác động rất lớn đến đam mê sáng tạo của các em tại khoa điêu khắc của trường. Từ đó sẽ là nền tảng để các em phát triển nghề nghiệp và giữ gìn bản sắc của điêu khắc Bình Dương”, thầy Phạm Văn Ngàn, Hiệu phó trường Trung cấp Văn hóa - Mỹ thuật Bình Dương nhận xét.

SONG ANH