Châu Á ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo nữ

Thứ năm, ngày 04/08/2011

Ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ vị trí lãnh đạo tại các quốc gia châu Á, nhưng điều này không phải là sự thể hiện bước tiến của chủ nghĩa nam nữ bình quyền ở châu lục này.

Từ chỗ chưa có danh tiếng trên chính trường Thái Lan, bà Yingluck vụt sáng trong quá trình vận động tranh cử, để rồi cùng đảng Pheu Thai giành chiến thắng vang dội trước đảng Dân chủ cầm quyền. Bà sẽ chỉ còn phải chờ cuộc bỏ phiếu của 500 nghị sĩ vào hôm 5-8 và sự phê chuẩn của hoàng gia Thái Lan, để chính thức trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước này.

Khi điều này xảy ra, nữ chính khách 44 tuổi sẽ tiếp quản chiếc ghế mà anh trai bà, ông Thaksin Shinawatra, và anh rể, ông Somchai Wongsawat, từng nắm giữ trước đây. Đó là sự tiếp nối truyền thống của nhà Shinawatra, một dòng tộc danh tiếng lẫy lững không chỉ trên thương trường mà cả chính trường Thái Lan.

Nhưng trường hợp của bà Yingluck không phải là cá biệt. Câu chuyện về những người phụ nữ tiếp nối truyền thống lãnh đạo đất nước của gia đình mình không phải là điều gì quá mới mẻ ở châu Á.

  Các bà Benazir Bhutto, Yingluck Shinawatra và Corazon Aquino.

Năm 1959, Thủ tướng Sri Lanka, ông Solomon Bandaranaike bị ám sát. Người có thể tiếp quản vị trí mà ông Bandaranaike để lại là ông C. P. de Silva, Chủ tịch Hạ viện đồng thời là Bộ trưởng Tài chính. Tuy nhiên, ông De Silva khi đó ốm nặng và đang được điều trị tại thủ đô London, nước Anh. Bộ trưởng Giáo dục Wijeyananda Dahanayake trở thành thủ tướng tạm quyền nhưng nhanh chóng phải rút lui sau đó.

Ngày 21-7-1960, trong vai trò là một thượng nghị sĩ, bà Sirimavo Bandaranaike trở thành thủ tướng của Sri Lanka thay cho chồng mình. Bà không chỉ là nữ thủ tướng đầu tiên của quốc gia Nam Á mà còn đồng thời là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới nắm giữ vai trò này. Đặc biệt hơn, con gái của bà là Chandrika Kumaratunga sau này trở thành Tổng thống thứ ba của Sri Lanka, trong khi con trai bà là Anura Bandaranaike trở thành Chủ tịch Hạ viện cũng như từng nắm giữ hàng loạt vị trí khác trong nội các.

Hơn hai thập kỷ sau, vào năm 1986, bà Corazon Aquino khiến tất cả phải chú ý khi trở thành Tổng thống thứ 11 của Philippines và là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ này. Giống với bà Bandaranaike, bà Aquino lên nắm quyền sau khi chồng bà, thượng nghị sĩ Benigno Aquino, Jr. bị ám sát hồi năm 1983. Đương kim Tổng thống Philippines, Benigno Aquino III là con trai của bà.

Tại Ấn Độ, bà Indira Gandhi kế thừa truyền thống lãnh đạo đất nước của gia đình từ người cha, ông Jawaharlal Nehru. Diễn biến tương tự cũng xảy ra với bà Benazir Bhutto ở Pakistan và bà Megawati Sukarnoputri ở Indonesia. Bà Aung San Suu Kyi ở Myanmar lẽ ra cũng có thể điền tên mình vào danh sách trên nếu chiến thắng của đảng mà bà lãnh đạo được công nhận trong cuộc bầu cử năm 1990.

Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng hiện tượng nữ giới lên nắm quyền ngày một nhiều tại các quốc gia ở châu Á phản ánh sự phổ biến của những gia đình nắm quyền điều hành đất nước, hơn là cho thấy những tiến bộ trong bình đẳng giới.

Paul Chambers, nhà nghiên cứu thuộc đại học Payap ở Chiang Mai, phía bắc Thái Lan, cho rằng những phụ nữ châu Á truyền thống thường không được chọn để trở thành những nhà lãnh đạo chính trị, phản án tư tưởng gia trưởng thường thấy ở châu lục này.

Tuy nhiên, những đảng phái chính trị mới chân ướt chân ráo tham gia vào chính trường, thường được nắm giữ bởi các gia đình giàu có, lại hay tạo ra những cơ hội cho phụ nữ như một phương cách hiệu quả.

"Tính di truyền rất quan trọng bởi các lãnh đạo đảng thích đặt niềm tin vào những người họ hàng thân thuộc để duy trì sự lãnh đạo trong gia đình của mình. Khi những nam lãnh đạo đảng không có những người thân là nam giới có đủ khả năng kế thừa, họ sẽ chọn những người con gái", AFP dẫn lời ông Chambers.

Trong khi đó, Bridget Welsh, giáo sư ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Quản lý Singapore, nhấn mạnh rằng những người như ông Asif Ali Zardari, đương kim thủ tướng Pakistan và là chồng của bà Benazir Bhutto, cũng lên nắm quyền theo cách tương tự.

Các gia đình nắm quyền điều hành quốc gia có thể được thấy khắp nơi trên thế giới, nhưng điều này đặc biệt trở nên nổi bật ở châu Á, nơi những nhà lãnh đạo là nữ giới có thể nắm được quyền lực theo những cách khác nhau.

Tại Thái Lan, giới phân tích cho rằng bằng Yingluck nhận được sự ủng hộ của các cử tri vì sự khác biệt mà bà đem lại từ giới tính, sự trẻ trung và vẻ ngoài ưa nhìn. Tuy nhiên, giáo sư Welsh cho rằng nữ chính khách 44 tuổi sẽ sớm phải thể hiện được khả năng chèo lái đất nước, đồng thời cho biết thêm rằng một khi được trao cơ hội nắm quyền, những nữ lãnh đạo ở châu Á luôn để lại những di sản đặc biệt.

Bà Yingluck là một nữ doanh nhân được tôn trọng, trước khi lên nắm quyền ở một quốc gia có tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí quản lý cấp cao lớn nhất trên thế giới, theo một nghiên cứu trong năm nay của công ty tư vấn Grant Thornton.

Nhưng chiến thắng của bà Yingluck, theo khẩu hiệu "Thaksin nghĩ, Pheu Thai hành động", được nhìn nhận là một thắng lợi của anh trai bà hơn là một bước tiến của chủ nghĩa nam nữ bình quyền tại Thái Lan. Các nữ đại biểu chính trị bị tụt phía sau ở quốc gia này khi chỉ giành được 13% số ghế tại hạ viện Thái Lan trong cuộc bầu cử năm 2007, theo các số liệu của Liên minh Nghị viện (IPU). Cũng theo IPU, con số trung bình của tỷ lệ nữ giới nắm quyền trên thế giới là 19,5%, của châu Á là 18,3% và của châu Đại Dương là 12,4%.

Vẻ ngoài quyến rũ là một thế mạnh của các nữ chính trị gia, giống như việc truyền thông Ấn Độ cảm thấy nghẹt thở trước vẻ đẹp của nữ Ngoại trưởng Pakistan, Hina Rabbani Khar, khi bà có chuyến thăm mới đây tới nước láng giềng hôm 22-7. Nhưng chính nữ ngoại trưởng xinh đẹp này cũng có một người bác từng nắm giữ vị trí quan trọng ở tỉnh Punjab của Pakistan.

Bởi vậy, một lần nữa phải khẳng định rằng việc ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo nữ tại các nước châu Á không đồng nghĩa với việc nữ quyền tại lục địa này đang có những thay đổi lớn.

Theo VNE