Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX: “Nóng” vấn đề an toàn thực phẩm và quản lý bến thủy nội địa
(BDO) Hôm qua (12-7), kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX đã bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề được các đại biểu (ĐB) và cử tri quan tâm liên quan đến ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, giao thông vận tải (GT-VT) đã được các “tư lệnh” ngành trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp...
Đại biểu Nguyễn Thanh Trung (tổ đại biểu TX.Thuận An) nêu câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở GT-VT. Ảnh: CAO SƠN
Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, lãnh đạo ngành y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn đã “đăng đàn” trả lời các chất vấn của các ĐB. Trong đó, nhiều ĐB đã đặt các câu hỏi liên quan đến vấn đề về an toàn thực phẩm (ATTP). ĐB Phan Hoàng Ân, Tổ ĐB HĐND huyện Bàu Bàng nêu vấn đề: Hiện nay, việc ATTP đang là vấn đề “nhức nhối” và khiến nhiều người dân lo lắng; công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm ATTP của các ngành chức năng trong thời gian qua của ngành đã thực hiện như thế nào? Nguyên nhân chính của những tồn tại hạn chế là gì?
Trả lời nội dung chất vấn này, ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế, cho biết công tác bảo đảm ATTP của tỉnh đã đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cơ bản kiểm soát được các nguy cơ mất ATTP; giảm thiểu được số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ bản kiểm soát được vấn đề mất ATTP đối với nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả. Tỷ lệ sản phẩm, thực phẩm bị ô nhiễm không đạt chất lượng giảm dần qua các năm; ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập về nhân lực, quy định thanh tra, kiểm tra, việc kiểm soát các nguồn nguyên liệu thực phẩm, đặc biệt là các nguyên liệu tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá… từ các tỉnh vào Bình Dương còn gặp nhiều khó khăn; sự xuất hiện của nhiều chợ tự phát, các xe bán rong, quầy sạp di động… gây khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc và chất lượng.
Ông Lục Duy Lạc cho rằng, đối với các bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp, do chưa có quy định về giá thành tối thiểu đối với một suất ăn của người lao động nên một số doanh nghiệp còn phục vụ người lao động suất ăn với giá thành thấp, không đủ chi phí để lựa chọn các nguồn nguyên liệu an toàn. “Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công quản lý; kiên quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng…”, ông Lục Duy Lạc khẳng định.
Cũng trả lời về vấn đề ATTP, ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết nhằm tăng cường kiểm tra việc sửdụng nguyên liệu chếbiến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, SởCông thương sẽphối hợp với Sở Y tếtăng cường công tác kiểm tra các bếp ăn tập thểđểphát hiện, ngăn chặn kịp thời vàxửlýnghiêm minh các hành vi sửdụng nguyên liệu chếbiến thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi nhãn... “Sở Công thương rất mong nhận được nhiều thông tin của người dân tốgiác các tổchức, cánhân hoạt động bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn tập thểcho công nhân làm căn cứphối hợp với SởY tếtổchức kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện vi phạm sẽxửlýnghiêm minh”, ông Dành nói.
ĐB VõVăn Đức, Tổ ĐB HĐND TX.Dĩ An đặt câu hỏi về vai trò của ngành nông nghiệp trong công tác quản lý nhà nước đối với các mặt hàng thực phẩm từ các tỉnh, thành đưa vào Bình Dương. Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ các địa phương khác nhập vào Bình Dương còn nhiều hạn chế, chủ yếu do nông sản tươi sống đa phần không có bao bì đóng gói, nhãn mác nên việc truy xuất rất khó khăn. Kinh doanh nông sản tươi sống phần lớn ở quy mô nhỏ, lẻ nên việc mua bán không có các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng… làm ảnh hưởng đến việc truy xuất. Ngành nông nghiệp sẽ chú trọng việc sản xuất an toàn, xây dựng, hình thành các chuỗi sản xuất an toàn; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất ý thức bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh…
Quản lý chặt bến thủy nội địa
Cũng trong ngày hôm qua, ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở GT-VT đã “đăng đàn” trả lời các vấn đề về quản lý bến thủy nội địa (BTNĐ), an toàn giao thông, tai nạn giao thông, tình trạng ngập úng. Trả lời câu hỏi của ĐB Hà Thanh, Tổ ĐB TX.Thuận An về hoạt động của các bến bãi tập kết cát tại huyện Dầu Tiếng khá phức tạp, người dân địa phương lo lắng về tình trạng các xe tải có tải trọng lớn lưu thông làm hư đường, gây ô nhiễm môi trường và gây tai nạn giao thông… Ông Trần Bá Luận cho biết, từ trước đến nay, Sở GT-VT đã cấp phép cho tổng cộng 19 BTNĐ tại khu vực lòng hồ Dầu Tiếng. Đến nay, hiện còn 15 giấy phép BTNĐ còn thời hạn hoạt động, thời hạn dài nhất là đến tháng 1-2019. Trong đó, có 3 BTNĐ được cấp phép nhưng chưa đi vào hoạt động. Diện tích đất mà 17 BTNĐ này xin cấp phép mở BTNĐ là hoàn toàn nằm ngoài vùng bán ngập của lòng hồ. Qua kiểm tra, rà soát vào tháng 1-2018, sở ra văn bản yêu cầu ngưng hoạt động đối với 2 BTNĐ. Đến tháng 6-2018 có 2 bến hết hạn giấy phép BTNĐ. ĐB Thanh đặt tiếp câu hỏi: “Hiện nay, có bến nào không phép mà vẫn hoạt động không?”. Ông Luận cho hay, qua kiểm tra, vào tháng 5-2018 đã phát hiện có 3 BTNĐ hoạt động không giấy phép. Thanh tra GT-VT đã buộc đình chỉ các bến này. Tuy nhiên, ông Luận cũng băn khoăn: “Không loại trừ khả năng hiện nay còn có bến nào đó lén lút hoạt động!”.
Về công tác phối hợp giữa ba địa phương Bình Dương, Tây Ninh và Bình Phước, ông Luận cho biết, trước tình trạng khai thác cát diễn biến phức tạp khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã chủ động phối hợp với tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh trao đổi, thống nhất những giải pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác cát khu vực lòng hồ Dầu Tiếng theo đúng quy định của pháp luật. Các sở, ngành, huyện, cơ quan hữu quan của 3 tỉnh đã xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp và thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát và các BTNĐ khu vực lòng hồ Dầu Tiếng như: Phối hợp kiểm tra và trục xuất các tàu hút cát không gắn với giấy phép khai thác khoáng sản ra khỏi hồ Dầu Tiếng; lập đoàn kiểm tra, rà soát các BTNĐ hiện hữu, xem xét, xử lý kể cả đình chỉ hoạt động đối với những BTNĐ vi phạm; tăng cường kiểm tra việc vận chuyển cát lưu thông trên các tuyến đường… “Về lâu dài, sở cùng với các sở, ngành hữu quan của tỉnh tham mưu UBND tỉnh tiếp tục phối hợp với Tây Ninh và Bình Phước thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát và BTNĐ khu vực lòng hồ Dầu Tiếng”, ông Luận nói.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thanh Trung, tổ ĐB TX.Thuận An về các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ông Luận cho biết: “Trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các địa phương, các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người dân trên địa bàn về Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường sắt, Luật Giao thông đường thủy… để nâng cao ý thức chấp hành khi tham gia giao thông. Cùng với đó là tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan rà soát, điều chỉnh lại việc tổ chức phân luồng giao thông tại các khu vực đầu mối giao thông trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tiễn; đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công trình giao thông trọng điểm”.
Tại phiên chất vấn, một số ĐB cũng đặt vấn đề về việc nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến ngành GT-VT được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng khó giải quyết, nhất là tình trạng ngập úng cục bộ, kẹt xe… Trả lời vấn đề này, ông Luận thừa nhận: “Đây là các vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới. Sở sẽ quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp và tham mưu UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt hơn để bảo đảm giảm tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tình trạng tai nạn giao thông, ngập úng… trong thời gian tới...”.
ÔNG NGUYỄN VĂN HÀ (KHU PHỐ MỸ HIỆP, PHƯỜNG THÁI HÒA, TX.TÂN UYÊN): Sở Y tế đã nhìn rõ nguyên nhân và đề ra biện pháp thiết thực hơn để bảo đảm ATTP
ATTP hiện nay là vấn đề “nóng” mà người dân rất quan tâm và lo ngại vì thực phẩm bẩn tràn lan, nguy hại đến sức khỏe. Trong buổi chất vấn, lãnh đạo ngành đã nhìn nhận rõ nguyên nhân, hạn chế và đề ra biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Tôi mong rằng, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra thực tiễn hơn nữa, xử phạt nghiêm việc sản xuất, bán các thực phẩm độc hại và thực hiện tốt các biện pháp đã đề ra để hạn chế dần thực phẩm bẩn, mang lại sự an tâm cho người dân.
CHỊ NGUYỄN THỊ THẢO (CÔNG NHÂN TẠI PHƯỜNG AN PHÚ, TX.THUẬN AN): Xử lý nghiêm tình trạng buôn bán hàng kém chất lượng và thực phẩm độc hại
Anh chị em công nhân lao động chúng tôi rất quan tâm đến tình trạng hàng gian, hàng giả và thực phẩm không an toàn được bày bán ở các chợ công nhân. Việc buôn bán các loại hàng kém chất lượng và thực phẩm bẩn ở các chợ công nhân diễn ra rất nhiều. Trong buổi chất vấn, lãnh đạo ngành công thương đã có giải pháp tăng cường tuyên truyền trong đối tượng là công nhân và tăng cường xử lý, kiểm tra các bếp ăn tập thể… Tôi rất đồng tình với các giải pháp này và mong rằng, sau kỳ họp, các ngành chức năng cần nâng cao trách nhiệm hơn trong việc xử lý việc buôn bán hàng kém chất lượng và thực phẩm độc hại để người dân yên tâm tiêu dùng.
ÔNG TRẦN VĂN ĐỨC (PHƯỜNG TÂN PHƯỚC KHÁNH, TX.TÂN UYÊN): Cần có thêm nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông
Lưu lượng xe cộ và người tham gia giao thông tại Bình Dương mỗi ngày mỗi tăng, kéo theo tình hình giao thông đường bộ rất phức tạp. Tình trạng ngập nước cục bộ cũng khiến người dân đi lại không thuận lợi và gây nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Qua giải trình của lãnh đạo ngành giao thông, người dân cũng đã biết được nhiều công trình đang được thực hiện để bảo đảm điều kiện giao thông tốt hơn cho người dân. Tại phiên chất vấn, người đứng đầu ngành GT-VT cũng đã có những giải pháp khá cụ thể nhưng tôi cho rằng, để bảo đảm an toàn giao thông, vẫn cần có những giải pháp mang tính động bộ hơn...
KIM VÂN (thực hiện)