Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa VIII: Đi vào đúng trọng tâm những vấn đề “nóng” mà cử tri quan tâm
Hôm qua (9-12), kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa VIII bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. 4 “tư lệnh” ngành là ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường (TNMT); ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT); ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế và ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) đã đăng đàn, trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp. Nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến trách nhiệm quản lý của 4 sở này đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ cặn kẽ; phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã đi vào đúng trọng tâm.
(BDO) Các đại biểu trao đổi bên hành lang kỳ họp. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Không thể hợp thức hóa phân lô, bán nền
Mở đầu phiên chất vấn, hội trường “nóng” lên bởi hàng loạt câu hỏi đặt ra cho Giám đốc Sở TNMT. Trong đó, vấn đề đại biểu quan tâm nhiều nhất chính là sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý một số dự án phân lô, bán nền (PLBN) trái phép chưa được cấp sổ đỏ như thế nào. Bởi không được cấp sổ đỏ thì kéo theo hàng loạt hệ lụy vì không có hộ khẩu, con em không được đến trường... Đại biểu đặt vấn đề, ngành chức năng không thể cứ mãi chạy theo sau việc PLBN, mà phải có giải pháp căn cơ. Đại biểu Trần Thanh Liêm chất vấn: “Người mua dự án PLBN trái phép đa số là dân nghèo, lao động nhập cư nhưng đến nay, rất nhiều người chưa được cấp sổ. Với những trường hợp này thì hướng giải quyết ra sao?”. Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở TNMT trả lời: “Việc PLBN trái phép thuộc 2 trường hợp. Một là tự ý tách thửa, PLBN đất nông nghiệp, sau đó tiến hành xây dựng nhà ở trái phép. Nguyên nhân không cấp giấy chứng nhận là do sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Hai là tự ý PLBN đất ở chưa đúng quy định, tự cắt đất chừa đường, xây dựng nhà ở trái phép. Nguyên nhân không cấp giấy chứng nhận là do việc tách thửa đất ở chưa đúng quy định tại Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 22-10- 2014 về việc quy định diện tích tối thiểu đối với đất ở được phép tách thửa. Việc tự ý cắt đất chừa đường, làm đường chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp thuận. Các trường hợp này phải được UBND các huyện, thị, thành phố ra quyết định thu hồi theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Để giải quyết tình trạng PLBN chưa được cấp giấy chứng nhận do lịch sử để lại nhiều năm qua, về phía trách nhiệm của Sở TNMT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan, cụ thể chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố tiến hành thực hiện các bước theo quy trình”.
“Nóng” vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm Chất vấn Sở Y tế, vấn đề đại biểu quan tâm nhiều nhất là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Đại biểu Trần Thanh Liêm, Tổ đại biểu huyện Dầu Tiếng nêu vấn đề: “Qua số liệu hàng năm, số cơ sở vi phạm VSATTP hầu như không giảm. Đâu là giải pháp căn cơ để hạn chế thấp nhất tình trạng này?”. Ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận, hàng năm số cơ sở bị thanh, kiểm tra vi phạm VSATTP giảm không đáng kể. Trong đó, số cơ sở vi phạm chiếm tỷ lệ cao nhất là tuyến xã với gần 71%, tuyến huyện, thị, thành phố gần 27% và tuyến tỉnh trên 2,5%. Để giải quyết các tồn tại nêu trên, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về VSATTP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều nội dung và hình thức phong phú đến mọi tầng lớp người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh; thường xuyên cập nhật và cảnh báo ô nhiễm thực phẩm cho dân biết. |
Ông Danh khẳng định, giải quyết hậu quả PLBN không phải trách nhiệm chính của Sở TNMT mà liên quan đến nhiều ngành. Tuy nhiên, trên tinh thần trách nhiệm, sở đã phối hợp các ngành và tham mưu cho UBND tỉnh có hướng giải quyết. Trước mắt, trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra sẽ lựa chọn để ưu tiên xử lý. “Cái nào dễ làm trước, khó làm sau, không thể vì nóng vội mà làm đại trà. Tuy nhiên, không thể hợp thức hóa mãi việc PLBN. Do đó, thời gian tới, Sở TNMT sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan để có cách giải quyết chung. Sở cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết dứt điểm tình trạng này”.
Liên quan đến trách nhiệm của Sở TNMT, đại biểu Trần Thanh Liêm cũng chất vấn: “Tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy bên ngoài khu công nghiệp vẫn còn xảy ra. Một số doanh nghiệp vi phạm đã bị xử phạt nhưng chậm khắc phục gây bức xúc trong nhân dân. Vậy sở có kế hoạch, biện pháp gì để tăng cường hiệu lực quản lý trong thời gian tới?”. Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Phạm Danh cho biết hiện tại theo thống kê trên địa bàn tỉnh có 19.638 dự án đầu tư trong nước và 2.546 dự án đầu tư nước ngoài; có khoảng 5.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp (không tính các đơn vị thuộc loại hình kinh doanh, dịch vụ, xây dựng), có 1.394 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh, còn lại khoảng 3.500 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp huyện. Thực trạng phát triển công nghiệp trên đã làm phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về môi trường giữa cơ sở sản xuất công nghiệp và cộng đồng dân cư khó giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của tỉnh. Để giải quyết tình trạng này, sở phối hợp các ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng chú trọng sàng lọc, không thu hút các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hạn chế bố trí các cơ sở sản xuất nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phía nam để phòng ngừa ô nhiễm ngay từ khi thu hút đầu tư...
Dạy nghề cho lao động nông thôn chưa hiệu quả
Đại biểu Trần Thị Liên, Tổ đại biểu TX.Dĩ An chất vấn: “Qua giám sát cho thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) còn nhiều hạn chế, nhu cầu thật sự lại không có trong danh mục đào tạo nghề; đào tạo cho đủ chỉ tiêu chứ chưa chú trọng gắn với nhu cầu xã hội và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thời gian hỗ trợ đào tạo ngắn, học viên học xong vẫn chưa rành nghề; chưa kết nối đào tạo và giải quyết việc làm, chỉ tiêu đào tạo không đạt kế hoạch đề ra. Công tác đào tạo nghề ở các trường nghề thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế, tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, nghề đào tạo chưa phù hợp, nhiều trường hợp phải đào tạo lại… dẫn đến lãng phí trong đào tạo và việc đầu tư các thiết bị giảng dạy. Những hạn chế này tồn tại nhiều năm nhưng chưa được khắc phục có hiệu quả”.
Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết thực trạng công tác dạy nghề cho LĐNT hiện nay còn nhiều hạn chế. Chỉ tiêu đào tạo chưa đạt kế hoạch đề ra; chất lượng chưa cao, đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội; chưa kết nối đào tạo và giải quyết việc làm… Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của vấn đề trên, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tập trung một số biện pháp khắc phục. Cụ thể là nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch hàng năm. Sở sẽ có văn bản hướng dẫn Ban chỉ đạo cấp huyện khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế của từng địa phương để xác định danh mục nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội và nhu cầu học tập của người lao động. Danh mục nghề đào tạo luôn được cập nhật hàng năm theo yêu cầu thực tế của người học, không cứng nhắc; tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT; tiếp tục phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, triển khai đến các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về chủ trương, chính sách, cách thức thực hiện và lợi ích của việc đào tạo nghề cho LĐNT...”.
Theo ông Điệp, trên địa bàn tỉnh hiện có 46 cơ sở dạy nghề đang hoạt động. Trong năm 2015, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức tuyển sinh với tổng số tuyển mới là 26.084 học viên, trong đó: Cao đẳng nghề là 1.492 học viên, trung cấp nghề là 2.422 học viên, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 22.170 học viên. Tỷ lệ tuyển năm 2015 đạt 100,3% kế hoạch năm (26.084/25.000 học viên). Tuy nhiên, tình hình chung và trên thực tế, công tác tuyển sinh học nghề hiện nay là khó khăn, một số cơ sở tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, chất lượng đạt thấp, chưa phát huy hết hiệu quả về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Công tác dạy nghề chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội cần. Vì vậy, thời gian tới, sở sẽ tiến hành tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh theo hướng sắp xếp, bố trí lại cho phù hợp; hình thành quỹ thiết bị dạy nghề để phân bổ và sử dụng có hiệu quả trang thiết bị; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.
Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện
Đề cập đến công tác cai nghiện, đại biểu Nguyễn Xuân Ngàn, Tổ đại biểu huyện Bắc Tân Uyên nêu thực trạng công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hiệu quả chưa cao, thậm chí có nơi chưa thực hiện được. Đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đánh giá nguyên nhân và sở sẽ tham mưu nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế của tình trạng trên. Ông Hồ Quang Điệp cho rằng, trong năm 2015, theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, số người hiện đang cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là 406 người. Tuy nhiên, số người này chưa thực hiện theo đúng quy định, mà chủ yếu tự cai nghiện là chính, chưa có sự hỗ trợ cụ thể về cơ sở vật chất cũng như tư vấn hỗ trợ về y tế… nên còn nhiều hạn chế, từ đó việc tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là rất khó khăn và chưa thực hiện được. “Trong thời gian tới, sở sẽ tham mưu một số giải pháp nhằm tăng tỷ lệ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng như củng cố lại tổ công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, đầu tư về cơ sở vật chất cho các trạm y tế cấp xã. Ngành y tế cần có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ y tế ở các trung tâm, các trạm y tế để có đủ điều kiện cần thiết thực hiện công tác cai nghiện theo hướng dẫn chuyên ngành về công tác điều trị nghiện ma túy, thuốc điều trị; tăng cường công tác vận động cai nghiện tự nguyện và có chính sách hỗ trợ miễn, giảm kinh phí cho người cai tự nguyện; thành lập các cơ sở điều trị bằng thuốc thay thế methadone tại cộng đồng; tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại trung tâm”, ông Điệp cho hay.
Kết luận về phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến chất vấn, nội dung giải trình tương đối đầy đủ của các giám đốc sở, từ đó góp phần vào sự thành công của phiên chất vấn. Theo ông Phạm Văn Cành, chất lượng các câu hỏi, nội dung trả lời chất vấn cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Nội dung câu hỏi các đại biểu nêu lên trước và trong kỳ họp chính là những vấn đề bức xúc trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết HĐND trong năm 2015 như tình trạng phân lô bán nền; hệ thống đường giao thông xuống cấp; một số điểm ùn tắc giao thông, ngập úng cục bộ; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống dịch bệnh... Những nội dung trên chính là cơ sở để nhìn lại những vấn đề tồn tại, từ đó xác định rõ hơn những nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2016.
Ông HỒ QUANG ĐIỆP giải trình: “Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, hệ thống dạy nghề sẽ hợp nhất với hệ thống giáo dục chuyên nghiệp thành hệ giáo dục nghề nghiệp. Do đó, quy hoạch dạy nghề phải được quy hoạch trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp thống nhất trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Luật Dạy nghề và các hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành đã hết hiệu lực, trong khi Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa có hướng dẫn thực hiện nên sở chưa tham mưu quy hoạch được. Giai đoạn 2009-2020, sở đã tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2145/2010/QĐ-UBND ngày 7-5-2010 về việc Phê duyệt quy hoạch dạy nghề tỉnh Bình Dương giai đoạn 2009-2020. Tuy nhiên, quy hoạch này xét về tính pháp lý là chưa có cơ sở để triển khai thực hiện, vì chưa được thông qua HĐND tỉnh. Trong thời gian tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua quy hoạch dạy nghề mới, khi có hướng dẫn thực hiện của Luật Giáo dục nghề nghiệp”.
Đại biểu NGUYỄN NGỌC SƠN nêu vấn đề: “Nghị định số 70 ngày 21-8-2009 của Chính phủ nêu rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề quy định UBND tỉnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm về dạy nghề trình HĐND cấp tỉnh thông qua. Nghị định này đã có hiệu lực hơn 6 năm qua, vì sao chưa có quy hoạch nghề nào của Bình Dương được trình ra HĐND tỉnh?
Ông Lại Văn Hườn (cán bộ hưu trí khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm, TX.Thuận An):
Qua theo dõi truyền hình trực tiếp tôi nhận thấy kỳ họp thứ18, HĐND tỉnh khóa VIII đãdành nhiều thời gian cho việc thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn; tập trung thảo luận về những vấn đề cử tri quan tâm như: Nước sạch ởnông thôn, ô nhiễm môi trường, một sốdựán phân lô bán nền trái phép; vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, an toàn giao thông, lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, cản trở lối đi, gây tai nạn giao thông, vệ sinh môi trường ở các tuyến đường và ở một số khu nhà trọ….
Bà Lê Thị Xuân (khu phố 12, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một):
Tôi khá tâm đắc với nội dung trả lời của ông Phạm Danh về hậu quả của việc phân lô bán nền. Có thể nói đây là một vấn đề đang thu hút nhiều sự quan tâm của người dân trong tỉnh vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới tới quyền lợi của người mua. Ông Danh đã thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của người đứng đầu và đưa ra giải pháp trong thời gian tới. Tôi cho rằng, thời gian tới cần phải xử lý nghiêm những trường hợp phân lô bán nền trái phép trên địa bàn tỉnh
Bà Nguyễn Thị Bon (phường An Phú, TX.Thuận An):
Tai nạn giao thông và an toàn thực phẩm là 2 vấn đề “nóng” mà người dân rất quan tâm đến giải pháp của ngành chức năng. Những giải trình của ngành giao thông và y tế trong buổi trả lời chất vấn đã có biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, theo tôi, ngoài việc phối hợp tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, cần tăng cường tuần tra, kiểm soát thường xuyên và xử phạt các trường hợp vi phạm.
Bà Phan Thị Kim Hương (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một):
Sau khi theo dõi phiên chất vấn lãnh đạo 4 sở, ngành, tôi khá hài lòng với những câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn. Song, vấn đề mà tôi cũng như nhiều người dân vẫn còn ngày đêm lo đau đáu hiện nay đó là tình hình về an toàn vệ sinh thực phẩm. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nhu cầu về thực phẩm của người dân tăng cao sẽ tạo điều kiện cho những đối tượng bất lương tuồn thực phẩm bẩn vào chợ gây ảnh hưởng sức khỏe rất lớn. Vì thế, mong rằng từ đây đến những ngày cuối năm, cần có những chiến lược mạnh hơn, quản lý về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để người dân an tâm vui xuân, đón tết.
Bà Nguyễn Thị Hà (khu phố Mỹ Hiệp, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên):
Các đại biểu đã thể hiện rõ trách nhiệm, phản ánh những bức xúc của cử tri như vấn đề cung cấp nước sạch, tình trạng sản xuất chăn nuôi, phân lô bán nền, trách nhiệm của cán bộ ngành, thủ tục đất đai, thể hiện rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân. Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cũng đã nhìn nhận, đánh giá và đưa ra giải pháp để có chủ trương hành động trong thời gian tới. Qua kỳ họp, tôi cũng mong muốn các cấp chính quyền và ngành tài nguyên - môi trường phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm để giải quyết những nguyện vọng của bà con.
NHÓM P.V (thực hiện)
NHÓM P.V