Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Khóa VIII:Nhiều vấn đề “nóng” đã được giải đáp thỏa đáng
Cũng trong ngày làm việc thứ nhất tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII đã tiến hành chất vấn đối với các lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa - thông tin và du lịch. Theo ghi nhận của phóng viên, các đại biểu đã chất vấn nhiều vấn đề “nóng“ mà cử tri trong tỉnh quan tâm.
Nông nghiệp công nghệ cao phát huy hiệu quả
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Tấn, Tổ đại biểu HĐND huyện Dầu Tiếng lên tiếng về tình hình giá mủ cao su giảm, đã xuất hiện tình trạng chặt bỏ cây cao su chuyển đổi qua trồng cây có múi nhưng không theo vùng quy hoạch của ngành nông nghiệp. Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp có dự báo, định hướng, điều chỉnh quy hoạch hay cảnh báo cụ thể gì cho nông dân? Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận: “Trong thời gian gần đây, tình hình tự phát chuyển đổi cơ cấu sang trồng cây ăn quả có múi đã diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân chính là do giá mủ cao su xuống thấp, bên cạnh đó sự ưa chuộng loại trái cây này của người tiêu dùng ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ phát triển mạnh và giá luôn ổn định nên mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất”. Theo ông Bình, ngành nông nghiệp luôn bám sát quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp đã được UBND tỉnh và hiện sở đang tổ chức rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch. Ngành luôn xác định cao su là cây chủ lực của tỉnh do cây cao su có mức đầu tư ban đầu thấp, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Bình Dương. Ông Bình khuyến cáo: “Đối với các hộ nông dân đang tự chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có múi, cần lưu ý đến điều kiện thích hợp của thổ nhưỡng, phải xác định tính bền vững lâu dài của cây trồng không nên chạy theo lợi ích trước mắt mà chuyển đổi đồng loạt; phải đa dạng hóa cây trồng, không trồng độc canh một loại, tránh tình trạng thất thu khi cung vượt cầu”.
(BDO) Đại biểu Đoàn Ngọc Như Tâm, Tổ đại biểu HĐND TP.Thủ Dầu Một cho rằng, trò chơi game bắn cá gây nhiều hậu quả xấu cho xã hội cần phải ngăn chặn
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Bình cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã quy hoạch và triển khai xây dựng 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích là 979,71 ha. Đến nay, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động. Về hiệu quả sản xuất, các khu nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao đã triển khai khảo nghiệm rất nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao và đã có sản phẩm cung ứng cho thị trường. Bước đầu, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra sự liên kết và những lợi ích mang lại cho nhân dân địa phương như trở thành địa điểm để thực nghiệm những mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao, để cho người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Siết chặt loại hình giải trí bắn cá ăn tiền
Trả lời về việc chấn chỉnh những tồn tại trong việc đặt tên đường theo quy định, ông Lê Hữu Phước, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, trong những năm qua, sở và Thường trực Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Tuy nhiên, thời gian vừa qua cũng còn một số địa phương thực hiện việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng chưa đúng quy định, quy trình thủ tục chậm. Về phía cơ quan quản lý còn thiếu quy định tiêu chí và ngân hàng danh mục tên… Trong thời gian tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đúng các quy định về việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng.
Đại biểu Đoàn Ngọc Như Tâm, Tổ đại biểu HĐND TP.Thủ Dầu Một cho rằng, hiện nay, các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh đang ồ ạt mở kinh doanh loại hình giải trí trò chơi bắn cá. Tính chất lợi dụng trò chơi này để cờ bạc ăn tiền rất cao, gây nhiều hậu quả xấu cho xã hội. Ông Lê Hữu Phước cho rằng, thời gian gần đây trò chơi điện tử bắn cá có biểu hiện biến tướng và ẩn chứa hành vi cờ bạc khi người chơi và chủ cơ sở quy đổi điểm, thẻ để lấy tiền. Trước tình hình trên, để thực hiện công tác quản lý Nhà nước, về phía sở đã phổ biến nội dung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho cán bộ công chức ngành văn hóa, thể thao và du lịch, các thành viên đội kiểm tra liên ngành của các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn về các quy định của pháp luật trong hoạt động dịch vụ trò chơi điện tử; đồng thời chỉ đạo thanh tra chuyên ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước.
Vấn đề phát triển du lịch địa phương cũng được nhiều đại biểu quan tâm và gửi câu hỏi chất vấn về việc tiềm lực du lịch chưa khai thác đúng mức. Ông Lê Hữu Phước cho biết, nhằm phát huy giá trị các di tích, thời gian qua, sở đã tiến hành triển khai một số đề án, giải pháp và bước đầu đã phát huy hiệu quả. Do đặc điểm các di tích lịch sử truyền thống hầu hết đều ở xa khu dân cư, đường sá đi lại không thuận tiện nên gặp khó khăn trong việc thu hút khách tham quan. Để phát huy hiệu quả các di tích trên sau khi hoàn thành việc trùng tu đưa vào hoạt động, sở đã xây dựng kế hoạch “Phát huy hiệu quả của các di tích trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020”.
Hôm nay (17-7), theo chương trình, kỳ họp lần thứ 16 HĐND tỉnh sẽ tiếp tục tiến hành phiên chất vấn. Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ giải trình các ý kiến đóng góp của các tổ đại biểu HĐND tỉnh và trình bày các giải pháp trọng tâm để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm 2015. Cũng trong ngày làm việc hôm nay, HĐND tỉnh sẽ thông qua các nghị quyết quan trọng của kỳ họp.
H.VĂN - C.SƠN