Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VIII: Nhiều vấn đề “nóng” đã được mổ xẻ tường tận

Thứ bảy, ngày 19/07/2014

Sáng qua (18-7), kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh tiếp tục phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) và Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo. Đây cũng là hai ngành nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu (ĐB) và cử tri liên quan đến các vấn đề bức xúc hiện nay…

Tháng 9 có xe buýt vào thành phố mới

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Ngọc Văn thuộc Tổ ĐB huyện Bắc Tân Uyên về việc khi nào tuyến xe buýt từ trung tâm TP.Thủ Dầu Một đến thành phố mới sẽ đi vào hoạt động? Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Rum cho biết, đề án tuyến xe buýt kết nối TP.Thủ Dầu Một và Thành phố mới Bình Dương được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty Becamex Tokyu thực hiện. Mục tiêu của đề án là xây dựng hệ thống giao thông công cộng đối với Thành phố mới Bình Dương bằng phương tiện mới theo công nghệ Nhật Bản, thân thiện với môi trường; từng bước chuyển đổi từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Dự kiến, tuyến xe buýt sẽ theo lộ trình: Becamex Center - Bến xe khách tỉnh-đường Cách Mạng Tháng 8- đường Phạm Ngọc Thạch - Thành phố mới Bình Dương. “Sở GTVT đang phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư, xây dựng thẩm định phương án kinh doanh, hỗ trợ kinh phí, trình UBND tỉnh trong tháng 7 và dự kiến đưa vào hoạt động vào đầu tháng 9-2014. Đến nay, công ty đã nhập xe, đào tạo đội ngũ lái xe và đang xây dựng các trạm dừng đỗ xe buýt dọc theo tuyến…”, ông Rum thông tin thêm.

Đang tập trung xử lý ùn tắc giao thông

ĐB Huỳnh Thị Tuyết Hạnh thuộc Tổ đại biểu TX.Thuận An chất vấn Giám đốc Sở GTVT về vấn đề ùn tắc giao thông cục bộ trong giờ cao điểm. ĐB Hạnh cho rằng, vấn đề này đã tồn tại từ lâu, gây bức xúc trong nhân dân nhưng chưa giải quyết. Ông Lê Văn Rum cho biết, hiện tượng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 13 tại Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore, Việt Hương, Sóng Thần 1, Sóng Thần 2... đã xảy ra, đặc biệt là vào các giờ cao điểm (sáng từ 6 giờ đến 8 giờ, chiều từ 16 giờ đến 18 giờ). Để giải quyết ùn tắc giao thông trên quốc lộ 13, Sở GTVT đã phối hợp cùng Ban ATGT tỉnh, UBND TX.Thuận An, các ngành hữu quan và Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Công nghiệp Becamex IDC khảo sát, phân luồng giao thông và báo cáo UBND tỉnh. Ngày 5-12- 2013, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu nhiều phương án tổ chức giao thông để trình UBND tỉnh quyết định. Ngày 10-7-2014, UBND tỉnh đã thống nhất giải pháp tổ chức giao thông trên QL.13 tại các điểm ùn tắc giao thông và giao Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Công nghiệp Becamex IDC triển khai trong tháng 8-2014 và hoàn thành trong tháng 11-2014.

Đường Huỳnh Văn Lũy, TP.TDM nhanh chóng xuống cấp do lượng xe lưu thông quá nhiều. Ảnh: Đ.HẬU

Về việc giải quyết ùn tắc giao thông tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, ông Rum nói: “Sở GTVT đã chủ trì khảo sát cùng với Ban ATGT TX.Thuận An, Dĩ An tham mưu và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cầu vượt dành cho người đi bộ tại các vị trí: Khu vực giao nhau giữa đường dân sinh dẫn vào Khu dân cư 434 với ĐT743B (khoảng Km1+750), khu vực nút giao giữa đường Độc Lập với đường số 2 - Khu công nghiệp Sóng Thần và đường bên hông siêu thị Sóng Thần. UBND TX.Dĩ An đã làm việc với Khu quản lý giao thông đô thị số 2, cùng thống nhất phương án phân luồng tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu tại khu vực cầu vượt Sóng Thần nhằm chống ùn tắc giao thông…”.

Tăng cường kiểm tra cơ sở đăng kiểm

 ĐB Nguyễn Thanh Nghĩa: “Đề nghị Sở GTVT cho biết bao giờ giải quyết xong “nút cổ chai” trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đoạn giao với đường ĐT743?”

 Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Rum: “Hiện ngành chức năng đang thực hiện giải tỏa các hộ dân trong khu vực và sẽ gấp rút thực hiện nút giao thông này…”.

ĐB Nguyễn Văn Vẹn, chất vấn trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở đăng kiểm do tư nhân đầu tư theo chủ trương xã hội hóa của Nhà nước, bên cạnh những mặt tích cực, cử tri băn khoăn về chất lượng đăng kiểm... “Đề nghị giám đốc sở cho biết thực trạng những hạn chế, bất cập nêu trên và giải pháp khắc phục.”, ĐB Vẹn hỏi. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Rum đã nêu những mặt tích cực của 2 trung tâm đăng kiểm theo mô hình xã hội hóa trên địa bàn tỉnh: “Từ khi thành lập đến nay, chưa có trường hợp tai nạn giao thông mà nguyên nhân được xác định do chất lượng công tác đăng kiểm tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh…”. Tuy nhiên, để bảo đảm công tác quản lý nhà nước, ngành giao thông đã tổ chức các đợt thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm chấn chỉnh và đưa ra kiến nghị trong hoạt động đăng kiểm. Qua kiểm tra, ngành chức năng đã xử phạt hành chính 4 đăng kiểm viên vi phạm, cảnh cáo Trung tâm 61.01S, đình chỉ hoạt động kiểm định Trung tâm 61.03D 3 tháng do không bảo đảm đúng quy định trong kiểm tra, kiểm soát quá trình và kết quả kiểm định, che giấu việc đã thu lệ phí, xóa dữ liệu kiểm định và báo cáo không đúng để đối phó với việc kiểm tra; xử phạt hành chính 1 đăng kiểm viên vi phạm tại Trung tâm 61.04D và kiến nghị trung tâm có kế hoạch thay thế 2 thiết bị đo độ khói đông cơ Diesel theo yêu cầu của Cục Đăng kiểm…

Về giải pháp ngăn ngừa tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm trong thời gian tới, ông Lê Văn Rum cho biết, sở sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh; đồng thời cung cấp đường dây nóng điện thoại của sở tại các trung tâm để tạo điều kiện cho chủ phương tiện và lái xe phản ánh những vấn đề liên quan đến công tác đăng kiểm. “Mặt khác phải có chế độ khen thưởng động viên về mặt tinh thần cho cá nhân, tập thể, đơn vị có nhiều thành tích trong công tác đăng kiểm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; tham mưu cơ quan có thẩm quyền kiên quyết đình chỉ hoạt động các trung tâm đăng kiểm vi phạm nghiêm trọng trong công tác chuyên môn nghiệp vụ; đình chỉ chức vụ để tiến hành điều tra đối với những trường hợp cán bộ, công chức có dấu hiệu tiếp tay, dung túng cho các trung tâm đăng kiểm vi phạm quy định hoặc để xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu…”, ông Rum nói.

Cũng trong nội dung trả lời chất vấn của mình, Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Rum đã giải đáp khá cặn kẽ các vấn đề mà ĐB và cử tri quan tâm như thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới, cấp đổi giấy phép lái xe, phân luồng giao thông và việc thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh…

Học thêm, dạy thêm-chuyện cũ đầy tính thời sự!

Trong phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Dương Thế Phương cho thấy, câu chuyện dạy thêm, học thêm, bảo đảm trường lớp, gia tăng học sinh (HS) cơ học… vẫn là những vấn đề cũ nhưng đầy tính thời sự.

Theo đánh giá của các ĐB, xuất phát từ thực tế tình hình cơ sở vật chất tại các trường tiểu học khu vực trọng điểm của các huyện, thị xã, thành phố không đáp ứng được nhu cầu cho HS học 2 buổi/ngày và bán trú, ông Phương cho rằng, có tình trạng này là do số HS tăng cơ học khoảng 20.000 HS mỗi năm, nhất là tại TX.Thuận An và TX.Dĩ An. “Với tốc độ tăng như trên bắt buộc các cơ sở giáo dục bán trú tại đây phải giảm xuống dạy một buổi. Từ thực tế đó, rất nhiều phụ huynh HS là công chức, viên chức và công nhân lao động đã đề nghị với các trường và các cơ quan quản lý giáo dục xin được gửi con em đến nhà giáo viên để được trông coi, chăm sóc và dạy dỗ sau buổi học ở trường. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 70 cá nhân, cơ sở giáo dục tổ chức dạy thêm, học thêm. Theo quy định 1 cơ sở không được dạy thêm quá 3 HS, tuy nhiên có nhiều nơi giáo viên đối phó quy định trên bằng cách mở thêm các điểm học khác…”, ông Phương nhìn nhận.

ĐB Trần Thị Liên, Tổ đại biểu TX.Thuận An, nêu vấn đề: “Dạy thêm, học thêm tại địa phương đã được quy định tại Quyết định số 54/2012/UBND của UBND tỉnh. Vậy vai trò thanh tra, kiểm tra của Sở GD&ĐT trong thời gian qua như thế nào?”. Trả lời chất vấn của ĐB Liên, ông Phương cho rằng, dạy thêm, học thêm là vấn đề nhạy cảm, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt nhưng sở đã quản lý khá chặt vấn đề này. Ngoài việc không đủ trường bán trú cho HS, còn có nguyên nhân là chương trình học hiện nay quá nặng, nếu không phụ đạo HS sẽ khó “tiêu hóa”. Bên cạnh đó, giáo viên cũng mong muốn đem kiến thức để giúp HS nâng cao năng lực học tập. “Nhằm bảo đảm thực hiện đúng Quyết định 54/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh, mặt khác để giải quyết nhu cầu thực tế phát sinh trong hoạt động dạy và học, Sở GD&ĐT đã thống nhất theo đề nghị của các địa phương về chủ trương cho phép giáo viên tiểu học dạy các lớp một buổi/ngày tổ chức bán trú và hướng dẫn HS ôn tập buổi còn lại”, “tư lệnh” ngành GD&ĐT cho hay.

Cũng theo ông Phương, đối với việc tổ chức bán trú và hướng dẫn ôn tập cho HS buổi còn lại, sở cũng đã yêu cầu bảo đảm cơ sở vật chất, an toàn vệ sinh thực phẩm và thủ tục quản lý việc dạy và học. Giải pháp để quản lý tốt vấn đề này trong thời gian tới là tất cả các Phòng GD&ĐT phải thành lập Ban quản lý dạy thêm, học thêm; tăng cường phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện các quy định của Bộ GD&ĐT cũng như của UBND tỉnh; việc tổ chức dạy thêm, học thêm tại các cơ sở phải tuân thủ theo các quy định…

“Sở GD-ĐT có bảo đảm thực hiện tiêu chí trường chuẩn quốc gia hay không?”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chất vấn

Nan giải trường chuẩn, mầm non

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT, hiện nay tỉnh có 508 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 348 cơ sở chưa được cấp phép là các cơ cơ sở ngoài công lập với khoảng 8.000 trẻ theo học và 149 cơ sở có dưới 10 trẻ. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở giáo dục mầm non và việc cấp phép hay không cấp phép cho các cơ sở này đang gây ra nhiều khó khăn cho các địa phương. Bên cạnh đó, thực tế còn xuất hiện nhiều nhóm trẻ gia đình không bảo đảm các yêu cầu về môi trường, dinh dưỡng, độ an toàn; các cơ sở này chủ yếu là nuôi dưỡng chứ không giáo dục.

Trước vấn đề trên, ĐB Lai Xuân Thành, Tổ đại biểu TX.Thuận An chất vấn: “Mặc dù các cơ sở chưa được cấp phép đã ký cam kết với chính quyền địa phương và được các trường mầm non công lập hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, tuy nhiên chất lượng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ còn hạn chế. Đâu là giải pháp để quản lý và nâng cao chất lượng các cơ sở này?”. Ông Dương Thế Phương cho rằng: “Hiện nay khi số lượng HS tăng cơ học cao, nhất là con em công nhân lao động ngày càng nhiều, vẫn phải chấp nhận một số cơ sở mầm non hoạt động chưa được cấp phép! Việc quản lý của các địa phương về vấn đề này là khá chặt chẽ nhưng vẫn còn bộc lộ hạn chế…”. Ông Phương cũng nêu giải pháp: “Nên chăng cấp phép cho các cơ sở này nếu hội đủ các yếu tố về môi trường, an toàn cho trẻ theo thời hạn nhất định để dễ dàng quản lý và hướng dẫn bài bản hơn. Xã hội hóa trong giáo dục mầm non cũng cần được nới rộng, nếu không trong vòng 5 năm nữa, việc bảo đảm trường lớp cho việc dạy và học sẽ rất khó khăn…”.

Chất vấn về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia trong năm 2015 sẽ đạt từ 60 - 65%, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn, Tổ ĐB TP.Thủ Dầu Một đặt câu hỏi: “Hiện nay tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh là 51,6%, trong năm 2015, nếu muốn đạt mức 60 - 65% phải tăng thêm 10%, tức phải đạt thêm 50 trường nữa, như vậy sở có bảo đảm đạt được chỉ tiêu này không?”. Ông Dương Thế Phương đã thẳng thắn nhận định: “Sẽ rất khó để đạt được theo các tiêu chí đã đặt ra. Nếu đặt tiêu chí cơ sở vật chất, Bình Dương sẽ đạt rất nhiều trường chuẩn quốc gia nhưng tỉnh không chạy theo phong trào mà chú trọng vào tiêu chuẩn chất lượng đào tạo của một cấp học để đánh giá. Tỉnh đã có 172 trường đạt chuẩn quốc gia, tương ứng với chất lượng giáo dục hiện nay. Trong thực tế, số lượng HS tăng nhanh không những đặt ra yêu cầu về trường lớp mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học…” . Ông Dương Thế Phương cũng thẳng thắn: “Sở GD&ĐT xin nhận thiếu sót trước HĐND tỉnh và các ĐB về vấn đề này. Đồng thời, đề nghị phương án tính theo con số đầu kỳ, không tính theo lũy tiến, nghĩa là từ 60 - 62% trong năm 2015 cho tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Chúng tôi cố gắng không dừng lại ở con số này mà sẽ phấn đấu tăng thêm…”.

Nhóm P.V CHÍNH TRỊ