Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa X: Làm rõ nhiều vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm

Thứ bảy, ngày 22/07/2023

(BDO) Sáng qua (21-7), kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa X bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh tập trung chất vấn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh (SXKD), công tác vận hành, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Hành chính công (TTHCC) tỉnh, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)... Nội dung chất vấn đã được các thành viên UBND tỉnh trả lời đầy đủ, tường tận, thể hiện tinh thần, trách nhiệm và cầu thị.


Đại biểu Nguyễn Hồng Nguyên nêu câu hỏi chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa X. Ảnh: ĐỖ TRỌNG

Nhiều giải pháp hỗ trợ DN

Trả lời chất vấn của ĐB.Huỳnh Trần Phi Long (Tổ ĐB TP.Thuận An) về các chính sách hỗ trợ lãi suất cho DN, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp phục hồi SXKD, ông Phạm Trọng Nhân, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, sở đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương thực hiện nghiêm Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, như cơ cấu nợ, giãn nợ, cho vay mới, tạo điều kiện cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng thông qua việc tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay; tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực SXKD; tăng cường hiệu quả cải cách TTHC; đưa ra sản phẩm tín dụng phù hợp hơn với nhu cầu của DN...

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản gửi các hiệp hội và DN trên địa bàn để nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc; đề xuất kiến nghị của DN, đặc biệt là về vấn đề vốn vay và lãi suất để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện; đối với các nội dung vượt thẩm quyền, UBND tỉnh sẽ kiến nghị với Chính phủ xem xét, giải quyết.

Liên quan đến hoạt động hỗ trợ DN, ĐB.Nguyễn Hồng Nguyên (Tổ ĐB TP.Tân Uyên) đề nghị ngành chức năng của tỉnh cho biết các giải pháp giúp DN có thêm đơn hàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tham gia trả lời chất vấn nội dung này, ông Nguyễn Thanh Toàn, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công thương, cho biết thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ các DN khắc phục khó khăn về SXKD. Trong đó, Tổ tháo gỡ khó khăn cho DN đã bám sát và giải quyết kịp thời những khó khăn của DN. Song song đó, tỉnh đã tổ chức hoạt động xúc tiến tìm kiếm thị trường mới như Nam Mỹ, Ấn Độ; đồng thời tiến hành liên kết với các sàn thương mại điện tử để các DN tiêu thụ hàng hóa ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tại kỳ họp, ĐB.Trần Thị Diễm Trinh (Tổ ĐB TP.Dĩ An) nêu câu hỏi chất vấn về kế hoạch điều chỉnh thiết kế, xây dựng, bố trí sắp xếp đổi mới hiện đại, đồng bộ tại TTHCC tỉnh.

Trả lời câu hỏi này, ông Võ Anh Tuấn cho biết thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, để nâng tầm, phục vụ tốt hơn việc giải quyết hồ sơ hành chính của người dân và DN, Văn phòng UBND tỉnh đã chỉ đạo TTHCC có báo cáo đề xuất về ý tưởng bố trí, sắp xếp lại khu vực một cửa; đồng thời tìm đơn vị tư vấn để thiết kế, bố trí lại TTHCC tỉnh. Đến nay, đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án thiết kế ban đầu. Văn phòng UBND tỉnh sẽ sớm tổ chức họp lấy ý kiến sở, ngành có liên quan để đơn vị tư vấn hoàn thiện thiết kế chi tiết trình Thường trực UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến thống nhất để tiến hành các bước tiếp theo; dự kiến đầu năm 2024 sẽ hoàn thành...

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Xung quanh công tác cải cách hành chính (CCHC), ĐB.Nguyễn Thanh Tâm (Tổ ĐB TP.Thuận An) đề nghị cho biết giải pháp nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ DN và người dân tại TTHCC. Trả lời nội dung này, ông Võ Anh Tuấn, Ủy viên UBND tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho biết Bình Dương là tỉnh công nghiệp, tốc độ đô thị hóa cao, hàng năm thu hút nguồn lao động dồi dào từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đến làm việc, do đó áp lực trong giải quyết hành chính cho người dân và DN là rất lớn. Tuy nhiên, số lượng công chức, viên chức (CCVC) của tỉnh rất thấp (đứng thứ 52/63 tỉnh, thành và thấp nhất so với các tỉnh phát triển công nghiệp trọng điểm phía Nam) so với nhu cầu thực tế trong thực hiện nhiệm vụ nói chung và giải quyết TTHC nói riêng.

Ông Tuấn cho biết, do khối lượng hồ sơ phát sinh nhiều, nhân sự ít nên có tình trạng CCVC không có thời gian tư vấn chi tiết cho người dân, DN về TTHC. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2022, 1 CCVC của tỉnh tiếp nhận 3.432 hồ sơ/ năm (cao gấp 2,1 lần so với mức tối thiểu 1.600 hồ sơ/người/năm theo Quyết định số 468/QĐ- TTg ngày 27-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ). Cụ thể, cấp tỉnh là 7.125 hồ sơ/người/năm (cao gấp 4,5 lần); cấp huyện là 4.149 hồ sơ/người/năm (cao gấp 2,6 lần); cấp xã là 2.903 hồ sơ/ người/năm (cao gấp 1,8 lần). Riêng 7 phường thuộc TP.Dĩ An, trung bình là 10.247 hồ sơ/ người/năm (cao gấp 6,4 lần). Số liệu thống kê cho thấy CCVC bộ phận “một cửa” tại tỉnh nói chung đang phải làm việc gấp đôi so với mức tối thiểu chung của cả nước; tại TTHCC tỉnh nói riêng gấp 4,5 lần nên áp lực đối với CCVC là rất lớn.

Để bảo đảm việc hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn cho người dân, DN tại TTHCC tỉnh kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả, một số giải pháp đang được Văn phòng UBND tỉnh thực hiện. Đó là tiếp tục kiện toàn, bổ sung đội ngũ tình nguyện viên; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn về văn hóa công sở, giao tiếp ứng xử; cập nhật các quy định mới, trang bị các kỹ năng cần thiết để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ tình nguyện viên. Bên cạnh đó là thực hiện đa dạng kênh tư vấn, hướng dẫn về TTHC, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến; biên soạn và cấp phát các tờ rơi thông tin, hướng dẫn miễn phí tại TTHCC tỉnh. Đặc biệt là tiến hành trang bị các hệ thống máy kiosk thông minh có thể hướng dẫn người dân, DN thực hiện TTHC trực tiếp tại máy; hướng dẫn nộp TTHC trực tuyến, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả 24/7… mà không cần sự thực hiện của CCVC.

Cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư

Trả lời chất vấn của ĐB.Trần Thành Trọng (Tổ ĐB TP.Thuận An) về tác động của việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng trong thời gian tới, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Trọng Nhân cho biết:

Về mặt tích cực, việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Bên cạnh mặt tích cực, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm phát sinh một số bất đồng, tranh chấp với một số đối tác; từ đó phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài. Do chính sách ưu đãi thuế là một trong những công cụ hữu hiệu để thu hút vốn đầu tư FDI, vì vậy việc áp dụng chính sách thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút nguồn vốn FDI tại Bình Dương, đặc biệt là các DN vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới. Đây là những DN đóng góp phát triển ngành công nghiệp tại Bình Dương.

Khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn là thế mạnh trong việc thu hút vốn đầu tư FDI, trong giai đoạn tiếp theo tỉnh cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Đ.H

TRÍ DŨNG