Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX: Bàn giải pháp xây dựng, chỉnh trang đô thị

Thứ sáu, ngày 12/08/2016

Hôm qua (11-8), cũng trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp lần thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX, mở đầu phần chất vấn và trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng đã thẳng thắn trình bày và trả lời những nội dung mà cử tri và đại biểu quan tâm, đặc biệt là về nhiệm vụ phát triển đô thị nhằm đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

(BDO)

 Tập trung phát triển nhà ở xã hội

Đại biểu Nguyễn Thanh Trung, Tổ đại biểu TX.Thuận An nêu vấn đề: “Nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn tỉnh lớn nhưng vì sao tiến độ xây dựng NƠXH thực hiện chậm; sản phẩm NƠXH chỉ để bán, không có loại nhà cho thuê?”. Trả lời thẳng vào vấn đề, ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sau 5 năm triển khai Chương trình Phát triển NƠXH, tỉnh đã thu hút 82 dự án với tổng diện tích khoảng 3,9 triệu m² sàn nhà ở, đáp ứng cho 240.000 người, tổng vốn đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng. Tính đến nay, có tổng cộng 25 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng diện tích 491.262m² sàn nhà ở, đáp ứng cho khoảng 40.000 người. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp có đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động với tổng diện tích 270.000m² sàn, đáp ứng cho 47.000 người.

 

 Đại biểu Trịnh Đức Tài, Tổ đại biểu TX.Dĩ An: “Làm thế nào để tạo điều kiện cho các chủ nhà trọ sửa chữa, nâng cấp các nhà trọ không bảo đảm chất lượng?”

Như vậy, giai đoạn 2011- 2015, tổng diện tích sàn NƠXH của tỉnh đạt trên 761.000m², đáp ứng cho khoảng 87.000 người. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện nay có trên 3 triệu m² sàn nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, tương đương khoảng 180.000 căn, đáp ứng cho 540.000 người là công nhân lao động, sinh viên và người thu nhập thấp thuê. Về nguyên nhân tiến độ xây dựng NƠXH chậm, ông Nguyễn Thành Tài lý giải: “Về trình tự thực hiện một dự án NƠXH, ngoài việc tuân thủ các bước như đối với đầu tư một dự án nhà ở thương mại, để nhận được ưu đãi của Nhà nước, chủ đầu tư các dự án NƠXH còn cần phải thực hiện thêm các thủ tục thẩm định giá thuê, giá thuê mua, giá bán trước khi công bố, xét duyệt đối tượng mua nhà và gửi danh sách các đối tượng được giải quyết mua, thuê, thuê mua về Sở Xây dựng. Việc vay vốn của các ngân hàng thương mại để đầu tư xây dựng dự án NƠXH gặp nhiều khó khăn, do đa số các chủ đầu tư không đáp ứng đủ các tiêu chí của các ngân hàng nên các DN còn chưa mặn mà trong việc vay vốn để thực hiện các dự án NƠXH…”.

Cũng theo ông Tài, việc đầu tư xây dựng NƠXH để cho thuê hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động, do các chủ đầu tư chưa mặn mà đầu tư xây dựng loại hình NƠXH để cho thuê vì thời gian thu hồi vốn dài mà lợi nhuận không cao. Loại hình này chủ yếu do nguồn vốn ngân sách Nhà nước phải đảm nhận. Hiện nay tỉnh cũng quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà trọ để cho thuê và đã có những chính sách hỗ trợ cho người lao động (tiền điện, nước, đăng ký tạm trú…) để người lao động yên tâm công tác.

Tỷ lệ đô thị hóa

của tỉnh đã đạt 76,9%

Đại biểu Đoàn Ngọc Như Tâm, Tổ đại biểu TP.Thủ Dầu Một chất vấn: “Giải pháp nào để chỉnh trang đô thị, hướng đến mục tiêu đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020?”. Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đã đạt 76,9%, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 73,2%, các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng đều có quy hoạch chi tiết. Tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị Bình Dương, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An. Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương được quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối liên hoàn với khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Kết cấu hạ tầng giao thông được xây dựng theo hướng đồng bộ, kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, đồng thời bảo đảm kết nối giao thông liên vùng. Tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị so với đất xây dựng khu vực nội thị cuối năm 2015 đạt 22%. Hệ thống cấp điện trong đô thị được chỉnh trang, cải tạo bảo đảm nhu cầu sử dụng. Hạ tầng cấp thoát nước được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của các khu đô thị và khu công nghiệp. Hạ tầng viễn thông ngày càng được nâng cấp theo hướng hiện đại. Cây xanh đô thị được đầu tư theo chủng loại cây đặc thù, tạo nét riêng cho đô thị Bình Dương…

 

 Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng : “Trước mắt tỉnh đang xem xét kiến nghị Chính phủ cho phép tháo gỡ một số khó khăn để hộ gia đình, cá nhân được đầu tư loại hình nhà ở để cho thuê. Hiện nay, việc xuất hiện các mô hình nhà trọ đã giải quyết được tình thế trước mắt về tình trạng thiếu nhà ở…”.

Trước các ý kiến chất vấn về tình trạng phân lô, bán nền, ông Tài cho biết, để giải quyết vấn đề phân lô bán nền không hợp pháp, các khu dân cư tự phát với điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không bảo đảm, cảnh quan đô thị kém, ngành xây dựng có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn UBND các huyện, thị, thành phố liên quan đến hạ tầng kỹ thuật và tham mưu UBND tỉnh liên quan đến khu vực được phép bán nền trong các khu dân cư. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan thường xuyên kiểm tra việc phân lô bán nền trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra xử lý tình trạng tự mở đường đi để phân lô, bán nền tại Quyết định số 586/QĐ- UBND ngày 16-3-2016 nhằm sớm khắc phục những vấn đề tồn tại của một đô thị đang trên đà phát triển.

Cũng theo ông Tài, với mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tập trung đầu tư xây dựng đô thị mới tại phường Hòa Phú, Phú Tân thuộc Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương và nâng cấp, chỉnh trang TP.Thủ Dầu Một và các đô thị Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên theo hướng văn minh, sạch đẹp nhằm nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Từ đó, xác định danh mục các công trình trọng điểm và thí điểm mang tính đột phá trong lĩnh vực phát triển đô thị. Điển hình là các dự án TOD dọc 2 trục đường chính là đại lộ Bình Dương và Mỹ Phước - Tân Vạn nhằm phát triển đô thị, tổ chức quy hoạch lại khu vực trụ sở cơ quan cũ để chuyển đổi công năng phục vụ công tác mời gọi đầu tư…

“Hiện nay Sở Xây dựng đang tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2016-2020 và các Chương trình phát triển đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên. Qua đó sẽ xác định được những dự án trọng điểm cần tập trung đầu tư xây dựng để bảo đảm lộ trình nâng cấp đô thị đã được đề ra. Cụ thể, Thủ Dầu Một là đô thị loại I, Bến Cát và Tân Uyên là đô thị lại III vào năm 2017, Dĩ An và Thuận An là đô thị loại II vào năm 2018... để trước năm 2020, tỉnh đạt đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Tài cho hay.

 “Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, thực trạng đô thị Bình Dương vẫn còn nhiều bất cập như việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới gắn với nâng cấp chỉnh trang đô thị chưa tương xứng với sự phát triển của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, xây dựng còn chưa chặt chẽ. Việc hình thành các khu dân cư tự phát với cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ đã ảnh hưởng đến việc lập quy hoạch cũng như phát triển đô thị. Việc mở rộng đô thị nhanh chóng khiến cho một số chỉ tiêu khác của đô thị có xu hướng bị giảm so với tiêu chuẩn đô thị loại I. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa thật sự hoàn chỉnh và đồng bộ, tình hình ngập úng cục bộ chậm được khắc phục. Tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm bắt đầu xảy ra. Các loại dây cáp điện, cáp viễn thông chậm được ngầm hóa gây mất mỹ quan và thiếu an toàn”.

(Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng)

 NHÓM P.V CHÍNH TRỊ