Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: “Nóng” khiếu nại, tố cáo kéo dài
Sáng 22-8, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục phiên họp trực tuyến do Ủy ban Thường vụ QH tổ chức tại Bình Dương với phần chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại phiên họp trực tuyến
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Phong Tranh: “Sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty tăng cao. Xin ông cho biết nguyên nhân và biện pháp khắc phục? Ông Tranh giải thích, qua thanh tra các tập đoàn kinh tế vừa qua, phát hiện 5 vi phạm. 5 vi phạm này xuất phát từ 5 nguyên nhân. Thứ nhất là quản lý vốn và tài sản tại các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước có nhiều sơ hở yếu kém gây lãng phí và thất thoát vốn. Hiện nay, công nợ còn cao, nhất là công nợ khó đòi. Thứ hai một số tập đoàn đầu tư dàn trải và điều chỉnh tăng vốn một dự án, tăng vốn nhiều lần, thời gian đầu tư, suất đầu tư tăng cao, có những quyết định đầu tư sai thẩm quyền. Thứ ba là đầu tư ngoài ngành vượt tỷ lệ cho phép, đầu tư ngoài ngành suất lợi nhuận rất thấp so với đầu tư tài chính, hiệu quả đầu tư ngoài ngành không cao gây khả năng thất thoát vốn. Thứ tư là khâu hạch toán không đúng, dẫn đến kết quả sản xuất, kinh doanh và hiệu quả sai với thực tế. Thứ năm, công tác quản trị doanh nghiệp không tốt, dẫn đến chấp hành pháp luật không nghiêm và sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả.
Tuy nhiên, nóng vẫn là vấn đề khiếu nại, tố cáo (KN, TC) kéo dài. ĐB Phạm Văn Tấn (Nghệ An) chất vấn: “KN, TC tăng cao. Đề nghị cho biết nguyên nhân? Ông Tranh tiếp tục giải trình, KN tăng cao do giải quyết chưa đến nơi đến chốn, trong đó một phần do sự yếu kém, lơi lỏng của các cơ quan địa phương. Thời gian qua, có nhiều dự án đầu tư buộc phải thu hồi đất, đây cũng chính là lý do khiến KN về đất đai tăng cao, chiếm 70% tổng số vụ KN. Tháng 6-2012, tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ và một số bộ ngành như Bộ Công an, Tài nguyên và Môi trường lập ra 25 đoàn công tác rà soát tình hình KN tại 51 tỉnh, thành; thế nhưng số liệu về các vụ KN chưa chính xác. Đến nay, có 300 vụ KN đang được cơ quan chức năng xem xét. Số vụ còn lại đang tập hợp cũng tiếp tục xem xét. Do số liệu tập hợp chưa đầy đủ nên chưa thể trả lời được vụ KN nào kéo dài nhất, nhưng có vụ kéo dài 20 năm đến nay vẫn còn KN, chủ yếu là lĩnh vực đất đai.
ĐB Phạm Xuân Thưởng (Thái Bình) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết vì sao tỷ lệ thu hồi liên quan đến thanh tra kinh tế thấp và giải pháp để hạn chế tình trạng này? Ông Tranh thừa nhận tỷ lệ thu hồi theo kết luận thanh tra thời gian vừa qua đạt kết quả chưa cao. Thống kê từ 2007-2011, cho thấy tỷ lệ thu hồi sau kết luận thanh tra liên quan đến tiền bạc đạt 50%, đất đai đạt 20%. Nguyên nhân là do kết luận của một số vụ việc chưa có tính khả thi cao, chưa có chế tài quy định kết luận thanh tra.
ĐB Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH thì chất vấn, Luật KN, TC có hiệu lực từ ngày 1-7-2012 nhưng đến nay chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Trách nhiệm này thuộc về ai? Ông Tranh nói, trách nhiệm chậm ban hành nghị định thuộc về Thanh tra Chính phủ, bởi đây là cơ quan trực tiếp soạn thảo và trình Chính phủ ban hành. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã trình nghị định cho Chính phủ và không lâu nữa sẽ ban hành nghị định này.
ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết vì sao KN, TC vượt cấp của người dân tăng cao và giải pháp của Thanh tra Chính phủ? ĐB Anh cũng hỏi thêm về những sửa đổi trong Luật Phòng chống tham nhũng; vấn đề hơn 70% đơn của công dân KN về đất đai nhưng khi giải quyết thì gặp phải xung đột về Luật Hành chính, Luật KN và Luật Đất đai? Ông Tranh trả lời: Yếu kém của việc giải quyết KN, TC là do trách nhiệm của các ngành, các cấp chưa cao, tránh né, chậm trễ nên người dân giảm lòng tin. Ông Tranh nêu ra hướng giải quyết: “Thanh tra Chính phủ sẽ thành lập 25 tổ công tác để rà soát KN, TC của công dân, đề nghị các cấp, các ngành phải có trách nhiệm giải quyết KN cho người dân đúng thẩm quyền, đến nơi đến chốn, cơ quan chức năng thì tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu và chấp hành tốt Luật KN, TC để người dân thực hiện đúng trình tự đã quy định.
HÒA NHÂN