Chất vấn Bộ trưởng Bộ lao động - Thương binh và Xã hội và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Nhiều vấn đề được giải trình, làm rõ
Ngày 21-8, Đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh gồm các ông Huỳnh Ngọc Đáng, Phạm Trọng Nhân, Lê Thành Nhơn, Lê Hữu Phước, Mai Hữu Tín đã tham dự cuộc họp trực tuyến do Ủy ban Thường vụ QH tổ chức. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
77.000 lao động nước ngoài tại Việt Nam
Buổi sáng, các đại biểu QH đã chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền xoay quanh 2 nội dung trọng tâm đó là: Công tác dạy nghề và vấn đề lao động nước ngoài (LĐNN) làm việc tại Việt Nam.
Đại biểu QH Mai Hữu Tín chất vấn Thống đốc NHNN trong việc kiềm chế lạm phát
Vấn đề được cử tri và dư luận cả nước quan tâm hiện nay là việc quản lý LĐNN làm việc ở Việt Nam như thế nào? Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết theo báo cáo của các Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành, số lượng LĐNN làm việc tại Việt Nam hiện hơn 77.000 người (tại thời điểm tháng 7-2012). Số LĐNN này đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan... chiếm gần 60% tổng số LĐNN. Số lượng người mang quốc tịch châu Âu chiếm khoảng 28,5% và các nước khác chiếm 13,5%. “Một số địa phương chưa nắm chắc và đầy đủ số liệu về LĐNN đang làm việc. Các số liệu báo cáo cũng chủ yếu nắm được thông qua công tác kiểm tra và thực hiện cấp giấy phép lao động. Nhiều LĐNN vào Việt Nam lao động thông qua một số doanh nghiệp (DN) “nội” để xin thị thực nhập cảnh với mục đích thương mại (không nêu rõ xin vào lao động) nên được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài xét cấp thị thực 3 - 6 tháng. Hết thời hạn tạm trú nêu trên, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở các địa phương không gia hạn vì chưa xin giấy phép lao động thì họ đối phó bằng cách xuất cảnh, sau đó xin lại thị thực nhập cảnh vào Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải thích như thế và thông tin thêm, thời gian qua nhu cầu thực hiện các dự án hạ tầng ở nhiều địa phương do các nhà thầu nước ngoài trúng thầu nên đã đưa lao động vào Việt Nam. Ngoài ra, nhiều người nước ngoài đi du lịch nhưng vì nhiều lý do nên họ ở lại Việt Nam tìm việc làm. Số này khá lớn và đa số đều không được cấp phép lao động. Rõ ràng, thực tế các văn bản quy phạm pháp luật hiện còn kẽ hở nên các đối tượng này lợi dụng lách luật.
Trả lời câu hỏi hiện nay tình hình chủ DN nước ngoài bỏ trốn, quyền lợi của người lao động làm việc trong DN đó như thế nào, hướng giải quyết ra sao? Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết đây là vấn đề khá nan giải và bộ đang đề xuất các phương án xử lý. Bên cạnh đó sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật về việc tuyển dụng và quản lý LĐNN ngay từ khi chuẩn bị dự án và trong quá trình triển khai thực hiện dự án ở các địa phương. Khi thanh tra, kiểm tra phát hiện các trường hợp cố tình vi phạm thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
Trả lời chất vấn của đại biểu QH về việc đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện còn bất cập, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận hiện nay, công tác này ở nhiều địa phương còn khó khăn do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Bộ trưởng giải thích bộ tiếp tục thực hiện công tác đào tạo nghề theo hướng tăng cường đào tạo trình độ cao, để đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tập trung đào tạo kỹ năng, văn hóa cho người lao động. Bộ cũng sẽ nhân rộng các mô hình dạy nghề hiệu quả gắn với các làng nghề, vùng chuyên canh, tập trung triển khai ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới.
Nợ xấu chưa đến mức hốt hoảng?!
Buổi chiều, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn của các đại biểu QH liên quan đến hoạt động tài chính, tiền tệ, trách nhiệm quản lý Nhà nước của NHNN trong lĩnh vực này. Rất nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực Ngân hàng tiền tệ, song hai lĩnh vực được đại biểu QH và dư luận cả nước quan tâm nhất hiện nay đó là tình hình nợ xấu và tiêu chí đánh giá nợ xấu của NHNN và các tổ chức định chế tài chính quốc tế có gì khác nhau, số liệu nào là chính xác và đáng tin cậy? Hay việc DN và ngân hàng thông đồng, lách luật khi cho vay vốn, liệu NHNN có biết và sẽ xử lý thế nào?
Trong phần trả lời chất vấn, Thống đốc NHNN đã trả lời khá chi tiết, cụ thể. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đối với vấn đề nợ xấu ở Việt Nam, hiện NHNN đưa ra con số 8%, trong khi một số tổ chức định chế tài chính nước ngoài công bố con số này xấp xỉ 13%. “Thực ra nhiều năm trước đây, vấn đề nợ xấu đã có nhưng thời gian gần đây, chúng ta mới công bố công khai. Việc đánh giá nợ xấu luôn hình thành 2 số liệu, một là do các Ngân hàng thương mại báo cáo và hai là do chính tổ chức NHNN đánh giá, công bố. Việc đánh giá nợ xấu vừa mang yếu tố định lượng, vừa mang yếu tố định tính nên khi công bố sẽ có những số liệu khác nhau. Mặc dù vậy, số liệu của NHNN là số liệu đáng tin cậy...”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình diễn giải.
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu QH quan tâm đó là giải pháp giải quyết, xử lý nợ xấu hiện nay như thế nào? Thống đốc cho biết, để có biện pháp xử lý nợ xấu, trước hết phải xác định nguyên nhân. Hiện có 5 nhóm nguyên nhân bao gồm kinh tế vĩ mô, các cơ chế, chính sách của NHNN, hoạt động thanh tra giám sát của NHNN, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và cuối cùng là trách nhiệm của các DN vay vốn. “Một khi đã xác định được nguyên nhân gây nợ xấu, chúng ta mới có thể đưa ra được những biện pháp xử lý khả thi. Tỷ lệ nợ xấu hiện đang tồn tại nhiều số liệu và đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên trong quá khứ như năm 1998, lúc châu Á đang khủng hoảng kinh tế thì nợ xấu của Thái Lan là 47%, Hàn Quốc 15%, Indonesia trên 50%, Malaysia 11,4%... và nợ xấu của Việt Nam hiện nay là đáng lo ngại nhưng chưa đến mức hốt hoảng?!...”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tham gia chất vấn Thống đốc một câu hỏi ngắn gọn nhưng rất rõ ràng, rằng với quyết tâm chính trị của Thống đốc và ngành ngân hàng thì liệu đến giữa năm 2013, nợ xấu có giảm không? Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ nói rằng, mức nợ xấu ở ngưỡng 3% là an toàn và việc nợ xấu trong thời gian tới có giảm hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố đặc biệt là tình hình kinh tế thế giới và trong nước. “Với tất cả các giải pháp được triển khai thì trong thời gian tới, tin rằng sẽ có bước cải thiện trong việc giảm nợ xấu và hướng đến mức an toàn.”, Thống đốc nói.
Về vấn đề có hay không việc các ngân hàng và DN bắt tay trong việc DN phải gửi lại ngân hàng 1/3 số tiền được vay dưới hình thức tiết kiệm lãi suất 9%/năm. Như vậy, họ phải trả lãi 18%/năm. Đây là hợp đồng dân sự và không vi phạm luật nhưng bản chất vẫn là lách luật. Thống đốc có biết việc này không và nếu có tình trạng đó thì xử lý thế nào? Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định “tình trạng trên nếu có thì không phải hiện tượng phổ biến vì ngân hàng cũng là một DN nên cũng muốn cho vay được nhiều cũng như bán hàng mình muốn bán nhiều vậy”.
Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Hữu Tín, Đoàn đại biểu QH tỉnh Bình Dương về vai trò của NHNN trong việc kiềm chế lạm phát cũng như cam kết của Thống đốc đến cuối nhiệm kỳ có khống chế mức lạm phát dưới 6% hay không? Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI thì đến cuối nhiệm kỳ phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 7% và lạm phát từ 5 - 7%. Tôi có trách nhiệm cùng với ngành ngân hàng thực hiện mục tiêu đó.
TRÍ DŨNG