Chắt chiu tài nguyên khoáng sản
(BDO) Tài nguyên khoáng sản của tỉnh Bình Dương chủ yếu là đá, đất sét và cát. Chính vì thế, công tác khai thác khoáng sản của tỉnh nhà đã và đang được tính toán kỹ lưỡng, không để xảy ra tình trạng cạn kiệt tài nguyên và gây tác động nguy hại đến môi trường.
Một điểm khai thác đá trên địa bàn tỉnh Ảnh: PHÙNG HIẾU
Không tận thu cát
Nhu cầu sử dụng cát trong kỳ quy hoạch của tỉnh là khoảng 5,3 triệu m3. Hiện tại, sản lượng được cấp phép khai thác là 0,288 triệu m3/năm, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu xây dựng của tỉnh. Chính vì thế, giai đoạn 2016-2020, tỉnh phải điều chỉnh quy hoạch khai thác cát lên bình quân 1 triệu m3/năm để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong giai đoạn nước rút mà Bình Dương đang đẩy mạnh đô thị hóa.
Hiện tại, nguồn cát khai thác chủ yếu tập trung ở các huyện Bắc Tân Uyên và Dầu Tiếng với trữ lượng đã được phê duyệt vào khoảng 0,269 triệu m3. Qua thăm dò một số điểm mỏ mới có thể khai thác phục vụ nhu cầu xây dựng như điểm mỏ cát xây dựng suối nhánh Dầu Tiếng, diện tích 200 ha, trữ lượng khoảng 2 triệu m3; khu vực này có thể khai thác 50 ha với khối lượng là 0,5 triệu m3. Điểm mỏ cát xây dựng Bàu Sen chuyển một phần diện tích 27 ha từ dự trữ sang thăm dò khai thác; khu vực này UBND tỉnh sẽ không đấu giá quyền thăm dò, khai thác mà lựa chọn đơn vị có kinh nghiệm, năng lực khai khác đồng thời, có uy tín, trách nhiệm đối với môi trường...
Theo ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, đây là sự điều chỉnh cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới, khi khu vực khai thác cát ở chân núi Cậu (huyện Dầu Tiếng), có trữ lượng 1 triệu m3, sẽ đưa ra khỏi quy hoạch khai thác cát để phục vụ cho việc hình thành khu du lịch sinh thái chất lượng cao trong thời gian tới. Ông Liêm cũng cho biết thêm, việc khai thác phục vụ nhu cầu xây dựng trong giai đoạn tới là cần thiết, nhưng không vì thế mà Bình Dương lãng quên trách nhiệm dự trữ nguồn tài nguyên cát cho thế hệ sau này. Chính vì thế, công tác kiểm tra giám sát, bảo đảm đúng quy hoạch và trữ lượng khai thác là việc làm hết sức quan trọng, để tránh trường hợp khai thác vượt quy hoạch cho phép và phải tính toán kỹ lưỡng những tác động đến môi trường
Sẽ đóng cửa một số mỏ đá
Hiên nay, toàn tỉnh có 14 điểm khai thác, 5 điểm mỏ được cấp phép thăm dò đất sét. Tổng diện tích đã thăm dò là 419,85 ha; trữ lượng còn lại là 27,665 triệu m3. Qua công tác kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, khả năng khai thác chỉ được 50 -60% diện tích và trữ lượng do không thể thỏa thuận đền bù đất đai với các hộ dân. Các mỏ này sẽ huy động một phần diện tích vào khai thác trong kỳ quy hoạch, diện tích còn lại tiếp tục chuyển sang kỳ quy hoạch sau. Các mỏ đang hoạt động dự tính sẽ đáp ứng khoảng 4,5 triệu m3 trong kỳ quy hoạch. Dự kiến, tỉnh sẽ quy hoạch thăm dò, khai thác tại một số mỏ sét như Bà Trị, Vĩnh Tân, Tân Bình, Bố Lá… Tổng diện tích quy hoạch 269,54 ha, trữ lượng khoảng 30,769 triệu m3.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các mỏ sét ở Bình Dương có tiềm năng lớn, chất lượng khá tốt. Hiện nay, phần lớn sản lượng sét khai thác đều dùng để sản xuất gạch, ngói phục vụ xây dựng, một số ít phục vụ nhà máy gạch ceramic. Bên cạnh đó, tỉnh đang có chủ trương khuyến khích việc nghiên cứu sử dụng đất sét để sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn nên nguồn đất sét tiềm năng cần được sử dụng hiệu quả nhất.
Bình Dương hiện đang cấp phép khai thác đá với tổng diện tích 880,45 ha, trữ lượng gần 200 triệu m3. Giai đoạn 2016-2020, dự kiến tỉnh quy hoạch thăm dò diện tích mới là 208 ha, trữ lượng gần 265 triệu m3 tại các địa phương Tam Lập, An Bình (huyện Phú Giáo), Tân Mỹ, Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên)... Khu vực này dự kiến khai thác 16 triệu m3 đá trong kỳ quy hoạch. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng sẽ tiến hành đóng cửa mỏ đá Núi Nhỏ (phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An) vào năm 2017; đưa ra khỏi quy hoạch 20,14 ha mỏ đá tại xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên do chất lượng kém…
Ông Trần Thanh Liêm cho biết, quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản của tỉnh trong giai đoạn tới ưu tiên khu vực dự kiến phát triển công nghiệp, đô thị; cân đối thời gian, công suất khai thác phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp, đồng thời bảo đảm đi trước một bước để tránh lãng phí khoáng sản. Bên cạnh đó, tỉnh phải quy hoạch thăm dò những vùng mỏ mới ở những khu vực không bị áp lực bởi quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp để hoạt động khai thác được bình ổn, lâu dài; loại bỏ khỏi quy hoạch những vùng khoáng sản chất lượng kém, ảnh hưởng đến đô thị. Tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản đầu tư thêm máy móc, thiết bị cải tiến công nghệ chế biến, vận chuyển khoáng sản để đem lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ được môi trường,đất đai.
XUÂN VĨ