“Chắp cánh” cho thơ
(BDO) Người “chắp cánh” cho thơ, lâu nay thường được biết đến là những giọng ngâm, giọng đọc truyền cảm. Thế nhưng một bộ phận luôn song hành cùng người diễn ngâm, lại chính là người đệm nhạc. Với niềm đam mê cháy bỏng cho thơ, âm nhạc, họ đã âm thầm điểm tô để thơ trở nên duyên dáng, lay động lòng người.
Người đệm nhạc cho thơ trong các Đêm thơ Nguyên tiêu, Ngày thơ Việt Nam, hay giao lưu đã được mọi người chú ý khi “thổi hồn” cho thơ. Thế nhưng, với đặc thù của cái nghề phụ họa, họ lặng lẽ, bình dị đứng bên trong cánh gà sân khấu, hay một vị trí khiêm tốn nào đó nơi hội trường để góp phần đưa câu thơ bay bổng. Từ những bài thơ độc đáo cho đến bài thơ mộc mạc, “cây nhà lá vườn”, các nghệ sĩ (NS) đều điểm tô bằng tiếng nhạc.
NS Hoàng Tám thổi sáo trong buổi họp mặt Ngày thơ Việt Nam tỉnh. Ảnh: T.LÝ
Đối với dòng chảy thơ Bình Dương, NS Hoàng Tám (tức Hoàng Minh Tám) được xem là bậc thầy trong việc đệm nhạc cho thơ. Ông là NS đa tài với nhiều món nghề hát dân ca, chèo, thổi sáo, ngâm thơ và sáng tác thơ. NS Hoàng Tám sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bắc Giang. Năm 14 tuổi, ông được bố cho đi học sáo, hát chèo để phục vụ bà con địa phương. Theo tiếng gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, cậu thanh niên Hoàng Minh Tám tình nguyện lên đường nhập ngũ. Suốt dọc chiến trường từ Bắc vào Nam, trong những lúc đêm trăng thanh, tiếng sáo của ông đã làm say đắm biết bao người. Hòa bình lập lại, sống trên mảnh đất Bình Dương, ông tích cực tham gia văn nghệ ở Câu lạc bộ (CLB) Hưu trí tỉnh. Những lần sinh hoạt thơ, mọi người đọc, ngâm “chay”, thôi thúc người NS phải đệm thêm tiếng nhạc. Tiếng sáo hòa quyện với lời thơ làm cho vần thơ thêm bay bổng. Từ năm 1995 đến nay, những đêm sinh hoạt thơ của CLB Thơ ca tỉnh, hay CLB thơ huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có tiếng sáo của ông.
Cũng như NS Hoàng Tám, NS Ngô Minh là một người yêu nhạc cụ dân tộc. Ông chơi được rất nhiều nhạc cụ, đàn tranh, đàn T’rưng, đàn đá… Không để tiếng đàn tranh của mình bị ngắt quãng, ông cùng ông NS Hoàng Tám lập tổ đệm nhạc cho thơ. Ông Ngô Minh chia sẻ, chỉ có đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, sáo mới hòa hợp được với thơ. Thơ có nhiều thể loại, giọng ngâm khác nhau nhưng đều mang đậm chất “quê hương”, do đó phải là nhạc cụ truyền thống mới kết hợp được.
Có thể nói, nhạc rất quan trọng để thơ được thể hiện hết cái tình, cái ý của nó. Ở các đêm thơ sinh hoạt tại chỗ hay những buổi giao lưu thơ giữa CLB với các đơn vị khác trong tỉnh, không thể thiếu nhạc. Tuy nhiên, những người cả đời cống hiến cho nghệ thuật trầm buồn vì Bình Dương chưa thành lập được đội nhạc phụ họa cho thơ. Do đó, họ rất mong các ngành chức năng xem xét, hỗ trợ để tập hợp những người chơi đàn tranh, sáo, bầu, kìm gặp nhau tạo thành đội để phục vụ khán giả. Vần thơ hòa quyện tiếng nhạc hay, thu hút sẽ lôi kéo nhiều người tham gia. Từ đó, phong trào thơ trong tỉnh sẽ phát triển mạnh, góp phần đưa văn nghệ Bình Dương bay cao, bay xa.
THIÊN LÝ