“Chắp cánh” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thứ ba, ngày 14/11/2023

(BDO)  Nếu như vào thời điểm này các năm trước, doanh nghiệp (DN) đang tăng tốc để hoàn thành các đơn hàng theo kế hoạch, nhưng hiện tại nhiều yếu tố bất lợi như lạm phát, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, nhu cầu thị trường sụt giảm… đang tác động mạnh lên cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh. Giữa nhiều khó khăn bủa vây từ đầu năm đến nay, bên cạnh số DN thành lập mới và số vốn đăng ký tăng, số DN ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường cũng là con số cần lưu tâm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng năm 2023, tỉnh đã thu hút 5.399 DN đăng ký mới với số vốn đăng ký là 71.443 tỷ đồng, nâng tổng số DN trong nước trên địa bàn tỉnh lên 64.631 DN, tổng vốn 702.000 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, có 541 DN giải thể với số vốn giải thể trên 4.200 tỷ đồng. Các chỉ số cho thấy tình hình bất ổn về kinh tế của thế giới vẫn còn ảnh hưởng tới việc phục hồi của DN.

Các DN khẳng định đã chủ động, linh hoạt, ứng phó tốt trong điều kiện sản xuất, kinh doanh không mấy khả quan; tích cực kiểm soát nguồn nguyên vật liệu, mở rộng tìm kiếm thêm khách hàng, bảo đảm thanh khoản, qua đó giữ chân được người lao động, đón cơ hội với những đơn hàng mới, tuy nhiên tình hình vẫn chưa khả quan. Nhìn chung, các DN giải thể là những DN trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài.

Mong muốn lớn nhất hiện nay của hầu hết các DN là Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có những giải pháp đột phá để tiếp tục hỗ trợ DN sớm đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Đặc biệt DN khu vực tư nhân trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có khả năng bị thu hẹp do áp lực về dòng tiền ngắn hạn, lãi vay và thị trường xuất khẩu…

Dự báo, tình hình sản xuất, kinh doanh của khối DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Để hạn chế số lượng DN rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bình Dương đẩy mạnh các chương trình, chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, hỗ trợ DN thích ứng với tình hình mới, ổn định sản xuất, kinh doanh nhanh chóng phục hồi, tạo tiền đề bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Xây dựng thương hiệu là việc khó nhưng giữ được thương hiệu càng khó hơn. Đặc biệt, trong thời kỳ chuyển đổi số, cạnh tranh ngày càng quyết liệt, các DN tư nhân trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ càng cần theo kịp công nghệ để không bị bỏ lại phía sau. Tin rằng, nhanh chân trong chuyển đổi số, tận dụng được thương mại điện tử, sẽ mở ra thêm cơ hội cho DN vừa và nhỏ được tiếp cận thị trường rộng lớn với sản phẩm tốt, phù hợp, đồng thời len vào các thị trường khó tính.

NGỌC THANH