Chào mừng kỷ niệm 19 năm Ngày tái lập tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (1.1.1997 - 1.1.2016): Nghĩa tình gắn bó keo sơn

Thứ năm, ngày 31/12/2015

Sau 19 năm chia tách, Bình Dương và Bình Phước đã vượt qua những khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đạt được điều đó chính là nhờ mối thâm tình gắn bó keo sơn như anh em một nhà qua các thế hệ lãnh đạo và nhân dân 2 tỉnh.

(BDO)

Tình cảm thâm giao đã giúp lãnh đạo, nhân dân 2 tỉnh Bình Dương - Bình Phước luôn sẵn sàng nắm tay nhau nhìn về một hướng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong ảnh: Khởi công xây dựng Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước Ảnh: P.V

Rộng đường phát triển kinh tế

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật với các tỉnh liên vùng và cả nước, Bình Dương đã tận dụng và khai thác triệt để các lợi thế này để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Nếu như sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), cơ cấu kinh tế của Bình Dương là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng 43,7% - 29% - 27,3% thì đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch lớn và đúng hướng với tỷ trọng công nghiệp là 60% - dịch vụ 37,3% và nông nghiệp chỉ còn 2,7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 1997 đạt 6 triệu đồng thì đến nay đã đạt trên 95 triệu đồng/người.

Nói về tình gắn bó keo sơn 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước cho biết: “Từ khi tách tỉnh đến nay, Bình Dương và Bình Phước đã có những bước phát triển nhanh chóng; trong đó Bình Dương có nhiều điều kiện thuận lợi nên phát triển mạnh mẽ hơn và hiện đang trong tốp đầu những địa phương phát triển của cả nước, trong khi Bình Phước tuy có khó khăn hơn nhưng đã nỗ lực vượt qua và hiện đang ở tốp giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Bình Phước có tiềm năng về đất đai, về tài nguyên, về con người, hy vọng trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Tôi mong muốn hai tỉnh tiếp tục đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển để phát huy truyền thống đoàn kết, đồng cam cộng khổ của các thế hệ cách mạng từ trong chiến tranh đến xuyên suốt thời kỳ hòa bình lập lại”.

Trong quá trình công nghiệp hóa, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá, mà hạt nhân là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) gắn với đô thị hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nếu năm 1997, Bình Dương có 6 KCN tập trung thì đến nay toàn tỉnh đã có 28 KCN với tổng diện tích trên 10.000 ha, trong đó có 26 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 65%.

Các cụm công nghiệp được tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện có 6/8 cụm công nghiệp hoạt động với diện tích gần 600 ha và tỷ lệ lấp đầy là 45%.

Việc hình thành các KCN và cụm công nghiệp với hạ tầng bảo đảm phần quan trọng vào kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã thu hút 21.051 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn 157.000 tỷ đồng và 2.573 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 23,3 tỷ USD.

Bình Dương là một trong 5 địa phương của cả nước thu hút được trên 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đã chọn Bình Dương để hoạt động như Tập đoàn AEON, Tập đoàn Dai Nippon Printing, Tập đoàn Tokyu, Tập đoàn Maruzen Foods Corportion…

Không hề kém cạnh, sau khi tái lập, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Bình Phước vẫn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Sau 19 năm xây dựng và phát triển, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Bình Phước đã có nhiều đổi thay nhanh chóng. Cụ thể là kinh tế phát triển mạnh, đời sống người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng...

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình thế giới có nhiều biến động, phức tạp, tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, song kinh tế - xã hội của Bình Phước vẫn tiếp tục có bước phát triển ổn định.

Cùng nắm tay nhau nhìn về một hướng

Anh Ngô Văn Hòa, một chuyên gia trong lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh Bình Phước chở chúng tôi đi trên quốc lộ 13 rộng thênh thang nối liền 2 tỉnh thuộc Sông Bé năm xưa, vui mừng cho biết: “Với mối tình hảo hữu thâm giao, Bình Dương đã hỗ trợ Bình Phước hết mình trên mặt trận phát triển kinh tế trong suốt những năm qua.

Nếu Bình Dương không nhiệt tình và quyết liệt, có lẽ con đường chúng ta đang đi và cả quốc lộ 14 từ ngã tư Sở Sao của Bình Dương đến huyện Đồng Phú của Bình Phước làm sao mà được bài bản, đồng bộ và làm mát lòng nhà đầu tư từ cái nhìn đầu tiên như thế”.

Anh Hòa chia sẻ thêm, từ khi Bình Dương tiến hành nâng cấp 2 tuyến đường huyết mạch quan trọng kể trên, cơ hội thu hút đầu tư của Bình Phước đã rộng mở. Từ đây, Bình Phước mới có cơ sở vững chắc để đưa ra Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó đề cao quyết tâm trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

Hiện nay, Bình Phước đã và đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đó là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh…

Ngày 14-9-2015, Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước đã được khởi công xây dựng tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đây là dự án nằm trong nội dung hợp tác phát triển của hai tỉnh Bình Dương - Bình Phước giai đoạn 2014- 2020. Dự án được triển khai với sự giúp đỡ chí tình của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, sự phối hợp chặt chẽ của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) sẽ tạo bước đột phá về cải thiện đô thị, công nghiệp và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh Bình Phước.

Rõ ràng, những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của hai tỉnh trong thời gian qua là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân 2 tỉnh trong những năm qua. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương không những nỗ lực hết mình để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn luôn mong muốn cùng chia sẻ kinh nghiệm với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước anh em trong điều kiện có thể. Điều đó đã thể hiện nghĩa tình đối với địa phương đã một thời cùng chung vai đấu cật trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng quê hương Sông Bé sau ngày giải phóng.

 

KHÁNH VINH