Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử: Đã chuẩn bị sẵn sàng cho Ngày Bầu cử

Thứ tư, ngày 12/05/2021

(BDO)

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ nhật ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, Ngày hội của toàn dân.

Hướng về sự kiện trọng đại này, cùng với các cơ quan tổ chức bầu cử, cả hệ thống chính trị và toàn dân đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, công khai, minh bạch, đạt kết quả tốt đẹp.

Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Tổng Thư ký-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường về các nội dung chuẩn bị cho Ngày bầu cử, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần (Chủ Nhật ngày 23/5/2021). Xin ông đánh giá về công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc bầu cử, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp?

Tổng Thư ký-Chủ nhiệm VPQH, Chánh Văn phòng HĐBCQG Bùi Văn Cường: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao. Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy công tác chuẩn bị bầu cử đã bám sát chỉ thị của Bộ Chính thị, đúng kế hoạch, trình tự theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Hội đồng Bầu cử quốc gia đánh giá cao Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử các cấp và các cơ quan từ trung ương tới cơ sở đã rất sát sao, phối hợp chặt chẽ, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép ,vừa nghiêm túc phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và tổ chức thật tốt cho cuộc bầu cử lần này.

Nhiều địa phương có những sáng kiến, sáng tạo trong công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, như: Công khai danh sách cử tri trên nền tảng mạng xã hội zalo; lập sổ phản ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia các tổ chức bầu cử; ban hành phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đảm bảo công bằng, dân chủ và điều chỉnh linh hoạt.

Trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc bầu cử.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những hạn chế, vướng mắc nhất định như: một số địa phương có số lượng người lao động đi và đến khá đông, khó khăn trong việc rà soát, lập danh sách cử tri. Số lượng các buổi bố trí cho ứng viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri vận động bầu cử rất khác nhau ở các địa phương, chưa phù hợp với tình hình bùng phát dịch COVID-19; chưa chú trọng sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông trong vận động bầu cử. Việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo một số nơi còn chậm. Công tác tuyên truyền hướng dẫn một số khẩu hiệu tuyên truyền, phát hành băng đĩa tuyên truyền về bầu cử bằng tiếng dân tộc còn gặp khó khăn.

- Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xin ông cho biết Hội đồng Bầu cử quốc gia đã triển khai những công việc gì để ứng phó, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra thành công, đúng theo kế hoạch?

Tổng Thư ký-Chủ nhiệm VPQH, Chánh Văn phòng HĐBCQG Bùi Văn Cường: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới cũng như ở trong nước đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, tích cực chuẩn bị công tác bầu cử còn phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng bị tác động, ảnh hưởng nhất định.

Để công tác bầu cử diễn ra thuận lợi, thành công tốt đẹp, giảm thiểu các ảnh hưởng, tác động từ nguy cơ dịch bệnh trong trường hợp có lây lan, bùng phát, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có một số văn bản lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan như: Văn bản số 660/HĐBCQG-VP ngày 06/5/2021 về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử; Văn bản số 234/HĐBCQG -TBVBPLTTTT của Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh; Văn bản số 214/VPHĐBCQG-TT ngày 8/5/2021 về việc rà soát, cập nhật danh sách cử tri, phát thẻ cử tri trong điều kiện phòng, chống dịch COVID- 19... Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Văn bản số 61/HD-MTTW-BTT ngày 4/5/2021 để Hướng dẫn về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, công tác chỉ đạo, tổ chức bầu cử kết hợp phòng, chống dịch COVID- 19 được tăng cường, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân từ việc tính toán các phương án tổ chức bầu cử đến tiếp xúc cử tri, hiệp thương và lập danh sách cử tri... đều gắn với phòng, chống COVID-19.

Hiện nay, để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện tạm dừng một số hoạt động, một số loại hình dịch vụ không thiết yếu, đồng thời nhiều trường đại học, cao đẳng đã chuyển sang học tập theo hình thức trực tuyến, dẫn đến có không ít người lao động và sinh viên, học viên trở về địa phương nơi mình sinh sống.

Qua phản ánh của một số địa phương, đã xảy ra tình trạng biến động danh sách cử tri đã được niêm yết, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát thẻ cử tri và việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có hướng dẫn cụ thể để Ủy ban bầu cử các cấp thực hiện.

Ông Bùi Văn Cường và đoàn công tác kiểm tra tại phường Xuân An (thành phố Phan Thiết). (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Công tác chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất và chuẩn bị các phương án bầu cử trong các tình huống khẩn cấp đã được dự lường. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã yêu cầu các tổ chức phụ trách bầu cử có biện pháp chỉ đạo, theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình biến động của cử tri trong danh sách cử tri trên địa bàn để có phương án chuẩn bị số lượng phù hợp các hòm phiếu phụ, thẻ cử tri, phiếu bầu dự phòng và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho công tác tổ chức bỏ phiếu trong Ngày bầu cử; bổ sung các con dấu “Đã bỏ phiếu” kèm theo hòm phiếu phụ, bảo đảm thuận tiện cho công tác bầu cử, sao cho các cử tri không thể đến được phòng bỏ phiếu vẫn thực hiện được quyền bầu cử của mình.

Yêu cầu các tổ chức phụ trách bầu cử phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp có hình thức thông tin, tuyên truyền rộng rãi để cử tri nắm được nội dung hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi nhất và bảo đảm để tất cả cử tri đều có thể thực hiện quyền bầu cử của mình.

- Theo quy trình, người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang có các hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Để việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban bầu cử các địa phương cần phải triển khai các công việc gì, thưa ông?

Tổng Thư ký-Chủ nhiệm VPQH, Chánh Văn phòng HĐBCQG Bùi Văn Cường: Theo Thông tri số 13/TT-MTTQ-BTT ngày 19/01/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội ít nhất là 10 cuộc, đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc; đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã ít nhất là 3 cuộc.

Tuy nhiên, trước diễn biến rất phức tạp của tình hình dịch COVID-19, ngày 04/5/2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có Công văn số 640/HĐBCQG-TBVBPLTTTT đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử cần thường xuyên cập nhật thông tin về yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, trao đổi, thống nhất với Ủy ban bầu cử cùng cấp quyết định tổ chức số lượng cuộc tiếp xúc cử tri phù hợp để vừa bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, vừa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Đặc biệt, đối với những địa phương có đường biên giới trên đất liền, những địa phương đã phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng và những địa bàn khác có nguy cơ cao về bùng phát dịch bệnh, số lượng cuộc tiếp xúc cử tri cần được cân nhắc tổ chức hợp lý và phải thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch. Ngày 04/5/2021, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Công văn số 61/HD-MTTQ-BTT Hướng dẫn tổ chức hội nghị cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Song song với việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, cần chú trọng hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử tại nơi ứng cử, Trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử để đăng tải chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử. Một số địa phương đã tổ chức tiếp xúc cử tri trực tuyến.

- Những công việc cần tập trung thực hiện trong khoảng thời gian từ nay đến Ngày Bầu cử là gì thưa ông?

Tổng Thư ký-Chủ nhiệm VPQH, Chánh Văn phòng HĐBCQG Bùi Văn Cường:  Đến thời điểm này, nhìn chung, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng cho công tác bầu cử diễn ra vào ngày 23/5/2021 sắp tới. Nhằm bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở địa phương tiếp tục lưu ý khẩn trương tổ chức triển khai các công việc thuộc trách nhiệm của mình.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của của tỉnh ủy, thành ủy và các hướng dẫn công tác bầu cử. Đặc biệt cần thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Công điện của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho các ứng cử viên, thành viên các tổ chức bầu cử; có phương án, kịch bản cụ thể trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp hiện nay.

Thứ hai, chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động để người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, thực hiện vận động bầu cử đảm bảo công bằng, an toàn, dân chủ, linh hoạt và đúng pháp luật theo tinh thần Công văn 640/HĐBCQG-VBPLTTTT của Hội đồng Bầu cử quốc gia về tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; Hướng dẫn số 61/HD-MTTW-BTT ngày 4/5/2021 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường tiếp xúc cử tri thông qua hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, nhất là tuần lễ sát ngày bầu cử; tăng cường tuyên truyền trực quan (pa nô, khẩu hiệu, băng rôn, cờ, phướn) tạo không khí phấn khởi, thể hiện được tinh thần, ý nghĩa của đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng, ngày hội của toàn dân, để người dân tích cực tham gia bầu cử, đạt tỷ lệ cao. Các Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri thuộc khu vực bỏ phiếu biết về ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng các hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương. Đồng thời, đấu tranh, phản bác mạnh mẽ, hiệu quả với các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

Thứ tư, tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và y tế, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm; các thời điểm sát ngày bầu cử; phòng, chống sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống thiên tai, cháy nổ. Tiếp tục hoàn thiện công tác bố trí, sắp xếp, trang hoàng ở các địa điểm bỏ phiếu, khu dân cư, khu vực công cộng. Đảm bảo các điều kiện chu đáo cho cử tri đi bầu cử (nước uống, chỗ ngồi, tránh mưa nắng) để ngày bầu cử thực sự vui tươi, dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công tốt đẹp. Các đơn vị được bầu cử sớm cần tổ chức chu đáo, đúng qui định và niêm phong phiếu bầu để kiểm phiếu cùng với bầu cử chung của cả nước. Công tác in sao tài liệu nhất là tiểu sử tóm tắt, ảnh chân dung của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, phiếu bầu... cần chuẩn bị chu đáo, cần thận, nhất định không để xảy ra sai sót.

Những tấm panô lớn tuyên truyền cho ngày bầu cử tại trung tâm huyện đảo Lý Sơn. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thứ năm, nắm chắc tình hình nhân dân, những nơi có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử. Thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung, cũng như công tác bầu cử nói riêng. Khẩn trương hoàn thành việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử (chậm nhất là ngày 13/5/2021); sau khi kết thúc thời hạn, cơ quan phụ trách bầu cử thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết về việc ngưng giải quyết, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thứ sáu, phân công rõ ràng nhiệm vụ, chú trọng tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác bầu cử thật sâu sát, cụ thể, kỹ lưỡng cho các tổ chức bầu cử. Các Tổ bầu cử có trách nhiệm quán triệt, phân công các thành viên trong Tổ thực hiện nghiêm túc các công việc thực hiện trước, trong và sau ngày bầu cử theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ và sách “Hỏi-đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” do Hội đồng Bầu cử quốc gia phát hành. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc hướng dẫn cử tri thực hiện đúng nguyên tắc và trình tự, cách thức bỏ phiếu; quản lý chặt chẽ số phiếu bầu cử thực hiện nghiêm túc việc kiểm kê, kiểm tra, phân loại phiếu bầu.

Trước mắt, thực hiện tốt Văn bản số 214/VPHĐBCQG-TT ngày 8/5/2021 của Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia thông báo ý kiến của Hội đồng Bầu cử quốc gia về việc rà soát, cập nhật danh sách cử tri, phát thẻ cử tri trong điều kiện phòng, chống dịch COVID- 19. Theo đó, yêu cầu Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Tổ bầu cử phối hợp chặt chẽ với cán bộ ở thôn, tổ dân phố khẩn trương thực hiện việc rà soát danh sách cử tri trong quá trình phát thẻ cử tri cho cử tri trên địa bàn để có phương án chuẩn bị hòm phiếu phụ.

Trường hợp đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu (07 giờ ngày 23/5/2021) mà Tổ bầu cử vẫn không thể liên hệ được với cử tri để phát thẻ cử tri do cử tri có tên trong danh sách không có mặt tại nơi đã đăng ký thường trú hoặc tạm trú thì Tổ bầu cử thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã để xóa tên người đó trong danh sách cử tri.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận được đề nghị của cử tri có trách nhiệm thu lại thẻ cử tri mà cử tri đã được cấp trước đó, bổ sung danh sách cử tri và cấp thẻ cử tri mới để cử tri tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu phù hợp trên địa bàn, đồng thời thông báo ngay đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã phát thẻ cử tri cũ để cập nhật vào danh sách cử tri thông tin về việc cử tri bỏ phiếu ở nơi khác.

Đối với trường hợp cử tri đã có tên trong danh sách cử tri nhưng chưa nhận được thẻ cử tri mà nay lại có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu tại địa phương khác nhưng do điều kiện phòng, chống dịch bệnh nên không thể quay về khu vực bỏ phiếu mà mình đã có tên trong danh sách cử tri để xin cấp giấy chứng nhận để tham gia bỏ phiếu ở nơi khác thì cũng có thể đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu để đề nghị được bổ sung vào danh sách cử tri và thực hiện bỏ phiếu trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân cấp xã tạo điều kiện thuận lợi để cử tri được bổ sung tên vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu phù hợp trên địa bàn và thông báo ngay đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cử tri đã có tên trong danh sách cử tri trước đó để cập nhật thông tin về việc cử tri bỏ phiếu ở nơi khác.

Các tổ chức phụ trách bầu cử có biện pháp chỉ đạo, theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình biến động của cử tri trong danh sách cử tri trên địa bàn để có phương án chuẩn bị số lượng thẻ cử tri, phiếu bầu dự phòng phù hợp và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho công tác tổ chức bỏ phiếu trong ngày bầu cử; phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp có hình thức thông tin, tuyên truyền rộng rãi để cử tri nắm được nội dung hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi nhất và bảo đảm để tất cả cử tri đều có thể thực hiện quyền bầu cử của mình.

Cuối cùng là tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về cuộc bầu cử ở mỗi cấp hành chính theo đúng quy định.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Theo TTXVN