Chàng trai ngồi xe lăn dạy học, dạy nghị lực sống
(BDO) Dù phải ngồi xe lăn, chân tay teo nhỏ nhưng anh Kỳ vẫn tạo dựng ước mơ, làm việc và sống hạnh phúc như bao người.
Kênh "Kỳ 4 bánh mui trần" với hình ảnh chàng trai ngồi xe lăn điện miệt mài làm việc và sử dụng máy tính thành thạo, dạy học cho những người cùng hoàn cảnh khiến cư dân mạng ngưỡng mộ.
Với anh Kỳ, cuộc đời này rất đáng sống
Lan tỏa năng lượng sống
Chàng trai trong câu chuyện trên là anh Vũ Phong Kỳ (32 tuổi, ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Sáng sớm, tài xế xe ôm đến nhà đón anh đến trung tâm dạy học. Sau giờ học, anh về nhà làm tiếp công việc của những dự án nhận thêm bên ngoài.
Anh Kỳ cho biết năm 6 - 7 tuổi chân tay anh bị đau nhức, các khớp biến dạng. Sau nhiều lần xét nghiệm, anh được kết luận bị loãng xương. Căn bệnh khiến anh đi lại khó khăn, rất dễ ngã. Lên lớp 6, anh bị gãy chân lần thứ ba và kể từ đó phải ngồi xe lăn, không tự đi lại được. "Khi mới phát hiện ra bệnh, một người chú có nói sớm hay muộn tôi cũng phải ngồi xe lăn. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng tôi vẫn rất chán nản vì phải phụ thuộc vào người khác, đi đâu cũng cần có người hỗ trợ. Mất 1 - 2 năm đầu để tôi tập quen và cố gắng không nghĩ đến điều đó", anh nhớ lại
Chàng trai nghị lực này hiện là giáo viên tại trung tâm Nghị lực sống
Kỳ là con út trong gia đình có 4 anh em trai. Anh được các anh và bạn bè hỗ trợ đưa đi học. Năm 2014, anh khăn gói từ quê nhà Nam Định lên Trung tâm Nghị lực sống để học. Ngày con trai đi, dù nhiều lo lắng nhưng gia đình đều ủng hộ, động viên, hy vọng cuộc đời anh sang trang mới.
Sau vài tháng học chuyên ngành công nghệ thông tin ở trung tâm, anh trúng tuyển các công ty và làm nhân viên 5 năm. Năm 2019, anh quay về trung tâm giảng dạy và truyền tải năng lượng sống tích cực cho những người cùng hoàn cảnh. "Tôi muốn lan tỏa những điều tích cực với mọi người qua mạng xã hội. Những người yếu thế không có gì phải buồn cả. Tôi không để bức tranh về cuộc sống xám xịt len lỏi trong suy nghĩ", chàng trai bộc bạch.
Tích góp mua nhà
Anh Giang Văn Tân (21 tuổi), học viên của anh Kỳ, chia sẻ bản thân luôn phấn đấu theo tấm gương của thầy. "Thầy cũng là người trong cộng đồng khuyết tật như tôi nhưng luôn có góc nhìn mới về cuộc sống. Sự nỗ lực vươn lên của thầy khiến người bình thường còn phải nể phục", anh nói. Anh Kỳ chủ động sắp xếp công việc và xem những thử thách là động lực giúp bản thân trưởng thành hơn. Chàng trai cũng biết ơn những sự giúp đỡ, chăm sóc từ bạn bè và người xung quanh. "Những lần tôi bị ốm hay làm việc gì nặng cũng có người đi cùng hỗ trợ trong việc di chuyển. Tôi trân trọng những tình cảm đó và thấy may mắn khi được mọi người yêu quý", anh thổ lộ.
Cuối năm 2020, anh Kỳ dùng tiền tích góp của bản thân cùng với sự hỗ trợ một ít từ cha mẹ để mua một căn hộ rộng 75 m2 với giá 1,7 tỉ đồng. Vì tài chính chưa đủ, anh phải vay thêm người thân, bạn bè. Chàng trai đặt mục tiêu giữa năm 2024 sẽ trả hết số nợ này. Anh mua thêm nội thất, thiết kế lại để phù hợp với việc sinh hoạt của bản thân. Anh cho hay mình "không có thời gian để buồn".
Hằng ngày, anh tìm niềm vui từ công việc và từ những tâm sự với người xung quanh. Anh mong những người không may gặp biến cố sẽ vững tin đứng dậy vì tương lai còn nhiều điều tốt đẹp. "Hôm trước có một tài xế chở tôi đi và nói "em mà như anh, em tự tử lâu rồi". Tôi đáp lại "sao phải tự tử?". Bản thân còn nhiều may mắn vì vẫn còn cái đầu để làm việc và giúp đỡ gia đình. Với nhiều người có thể tôi hơi kém may mắn về bề ngoài nhưng cuộc sống này rất đáng sống. Tôi mong rằng những người có hoàn cảnh tương tự hãy tìm những niềm vui phù hợp với bản thân, tự thay đổi cuộc sống", người thầy nghị lực trải lòng.
Ông Vũ Minh Đĩnh (68 tuổi), cha anh Kỳ, nói trong xúc động: "Tôi không mong con giàu có gì, chỉ mong có sức khỏe. Thấy con được như vậy tôi rất mừng. Kỳ cũng là niềm tự hào của tôi".
Theo TNO