Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao: Hiệu quả ổn định, thân thiện môi trường

Thứ hai, ngày 16/06/2014

 Quy trình “Dùng cũi đậu nấu đậu”

Để vào tham quan bên trong khu vực chăn nuôi khách phải tuân thủ các điều kiện vệ sinh vô trùng của trang trại như phải tắm trước bằng xà bông, mặc đồng phục, đeo khẩu trang, ủng do trang trại trang bị và phải đi qua bồn khử khuẩn trước khi vào khu vực lạnh.

  Ông Nguyễn Văn Phúc (xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng) vận hành máy phát điện chạy bằng biogas thu hồi từ chất thải trong chăn nuôi Ảnh: P.S.NGUYỄN 

Bước qua cánh cổng kéo trong suốt bằng ni lông chúng tôi không khỏi bất ngờ vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa môi trường tự nhiên bên ngoài và bên trong chuồng chăn nuôi. Khoảng cách từ đầu đến cuối dãy chuồng khoảng 200m, chiều ngang trên 10m, sau cùng là hệ thống quạt hút công suất lớn tạo thành những làn gió mát lạnh thổi từ đầu đến cuối chuồng. Bên trong chuồng có nhiều ô, mỗi ô thả từ 150 -200 con heo với hệ thống máng ăn, nước uống hoàn toàn tự động nhằm bảo đảm vệ sinh và quan trọng hơn là không làm đổ tháo, lãng phí thức ăn, nước uống.

Ông Nguyễn Văn Phúc, chủ trại nuôi heo ở ấp Ông Thanh, xã Cây Trường, cho biết vào những ngày nắng nóng cả nhà ông thường kéo vào chuồng heo làm việc vì trong này rất mát, sạch sẽ và có điều kiện theo dõi sinh hoạt của đàn heo để hiểu biết thêm về đặc điểm sinh hoạt, sở thích, sức khỏe của chúng. Ông Phúc cho biết thêm, toàn bộ khu vực này do Công ty CP thiết kế phù hợp với không gian môi trường tại đây, bảo đảm các điều kiện không rò rỉ, khép kín. Tất cả nước rửa chuồng, chất thải được thu hồi vào hệ thống ống dẫn ra hầm biogas. Gas được thu hồi đưa về bồn thu cung cấp cho máy phát điện để vận hành hệ thống cấp nước, đèn chiếu sáng và cả hệ thống làm lạnh theo quy trình dân gian thường nói là “dùng cũi đậu nấu đậu làm tương” để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hiệu quả ổn định

Sau chu kỳ nuôi 5 tháng với phí gia công 300 đồng/kg heo hơi, sau khi trừ các chi phí, khấu hao chuồng trại, lãi trên vốn đầu tư của gia đình ông Nguyễn Văn Phúc còn khoảng 200 triệu đồng. “Trước đây gia đình chăn nuôi tự phát hiệu quả không cao vì thất thoát lớn, dễ xảy ra dịch bệnh, lại gây ô nhiễm môi trường. Bây giờ được tập huấn kỹ thuật, được trang bị kiến thức cơ bản, trong quá trình nuôi luôn có bác sĩ thú y, cán bộ kỹ thuật theo sát hướng dẫn nên rất an tâm. Vốn đầu tư cho một trại diện tích khoảng 2.000m2 là 2 tỷ đồng nhưng cho lãi từ 400 - 500 triệu đồng/năm. Tính ra hiệu quả rất cao so với 5 ha cao su gia đình đang thu hoạch hiện nay”, ông Phúc chia sẻ.

Hiện toàn xã Cây Trường có trên 30 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao hoạt động khá hiệu quả. Nhờ chủ trương xây dựng nông thôn mới bà con nông dân được tham gia học tập, lựa chọn các mô hình đầu tư phù hợp. Địa phương cũng rất ủng hộ, hỗ trợ bà con trong các khâu thủ tục vì xã được quy hoạch là vùng chăn nuôi tập trung. Điều quan trọng là các trại nuôi heo nằm cách xa khu dân cư, thường là trong rẫy cao su để vừa triệt tiêu mùi đặc trưng, tiếng ồn, vừa tận dụng nước từ hầm biogas để tưới cây trong mùa khô.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cây Trường Bùi Đức Trung, qua 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xã đã cử 28 cán bộ, công chức cùng 70 nông dân trong xã tham gia các lớp tập huấn do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, huyện tổ chức; đồng thời phối hợp tổ chức 23 lớp chuyển giao công nghệ với gần 990 người tham gia và mở 9 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ lao động ở xã đã qua đào tạo đạt trên 41%. Đặc biệt là các mô hình sản xuất mới ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã cho hiệu quả ổn định, phát huy được tiềm năng, thế mạnh sẵn có trong nông dân nên rất được bà con đồng tình hưởng ứng thực hiện, qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

 PHÙ SA NGUYỄN