Chăn nuôi an toàn sinh học, nâng cao chất lượng sản phẩm
(BDO) Ngành nông nghiệp khuyến cáo, người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học... nhằm giảm rủi ro, chủ động sản xuất, đón đầu thị trường.
Người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học… nhằm giảm rủi ro, bảo đảm an toàn đàn vật nuôi
Duy trì mức tăng trưởng
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, qua đó giữ vững được đà tăng trưởng, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng đàn heo 702.000 con, tăng hơn 13.600 con so với cùng kỳ; tổng đàn gia cầm hơn 13,8 triệu con, tăng 1.120.000 con so với cùng kỳ; tổng đàn trâu gần 5.000 con; tổng đàn bò 25.000 con, tăng 1,4% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của ngành chức năng, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều hộ chuyển hướng chăn nuôi an toàn sinh học phục vụ yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các trang trại chăn nuôi heo, gà, trâu bò đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp kỹ thuật công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao trong quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm.
Các mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại, khép kín, an toàn sinh học, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ được mở rộng, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Chăn nuôi gà hiện có 147 trang trại, trong đó có các công ty đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt, với tổng đàn hơn 8 triệu con. Chăn nuôi vịt thịt hiện có 56 trại, với số lượng 686.000 con. Chăn nuôi heo có 262 trang trại với tổng đàn gần 700.000 con. Ngoài ra, mô hình nông nghiệp đô thị cũng phát triển, với 2.870 hộ đầu tư với số lượng 15.631 con các loại.
Theo ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi Thú y huyện Phú Giáo, trong những năm qua, huyện đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trang trại tập trung, gắn với công tác xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hiện tại, dịch bệnh không phát sinh, giá cả ổn định, tạo sự an tâm cho người dân chăn nuôi phát triển đàn, nhờ vậy đàn vật nuôi trên địa bàn luôn phát triển ổn định.
Chú trọng phòng chống dịch bệnh
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết nhờ công tác chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi ngày càng nâng cao. Đồng thời, theo nhận định của ngành chức năng, giá thịt heo hơi xuất chuồng có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đối với các cơ sở chăn nuôi, các hộ yên tâm tái đàn, chuẩn bị nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Cơ quan chức năng sẽ tăng cường các chốt kiểm dịch động vật liên ngành để kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm từ động vật. |
Hiện các địa phương đang đẩy nhanh công tác tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, thời tiết chuyển sang mùa đông làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, lưu lượng vận chuyển gia súc, gia cầm dịp cuối năm thường lớn… gây nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Cùng với đó, do trên địa bàn tỉnh còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, người chăn nuôi nhỏ lẻ còn chưa chú trọng phòng chống dịch bệnh và thời tiết diễn biến bất thường, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cuối năm của người dân tăng cao tạo điều kiện cho mầm bệnh truyền nhiễm phát sinh...
Để hạn chế dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ông Trần Phú Cường đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc xin cho từ 80% tổng đàn trở lên. Cùng với đó, thực hiện tẩy uế môi trường, xử lý mầm bệnh ở các cơ sở chăn nuôi, thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức cho các hộ buôn bán, giết mổ ký cam kết mua bán động vật khỏe mạnh, có nguồn gốc. Khi có dịch, phải tiêu hủy động vật mắc bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chỉ đạo các xã tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh, kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán gia súc, gia cầm mắc bệnh.
THOẠI PHƯƠNG - KIM CHÂU