Chân lý chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa
Cùng với ngư dân ngày đêm bám biển, đội ngũ nhà nghiên cứu đến người dân ở các làng quê hiện nay đang tích cực sưu tầm, tìm kiếm những văn bản, tài liệu quý với đầy đủ cơ sở chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa.
Châu bản Hoàng Sa
Trong số những văn bản, tài liệu quý giá khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam phải kể đến hai tờ Châu bản có chữ ký của vua Bảo Đại (1926 - 1945) viết trên giấy cỡ 21,5 x 31cm. Đây là những chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa do nhà nghiên cứu Phan Thuận An tìm thấy trong tủ sách gia đình ở phủ Ngọc Sơn Công chúa (con vua Đồng Khánh, em vua Khải Định, cô ruột vua Bảo Đại) tọa lạc tại 31 Nguyễn Chí Thanh (TP Huế), vừa hiến tặng Bộ Ngoại giao.
Đại diện dân làng Mỹ Lợi xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiến tặng văn bản khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam cho cơ quan chức năng.
Hai tờ Châu bản này đều có bút tích Ngự phê của vua Bảo Đại, với nội dung liên quan đến việc ban thưởng cho các cá nhân, tổ chức có công trong việc gìn giữ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong đó, Châu bản thứ nhất đề ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (3-2-1939), truy tặng Huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Liuis Pontan, Chánh cai đội thượng hạng nhất đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa qua đời do bệnh nặng trong thời gian công tác tại Hoàng Sa.
Châu bản thứ 2 đề ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (15-2-1939) tặng Huy chương Long tinh cho đơn vị lính Khố xanh ở Trung Kỳ đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và lập đồn thủ ở đảo Hoàng Sa.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An khẳng định: “Hai văn bản này lập cách nhau hơn 10 ngày, chứng tỏ rằng vấn đề đảo Hoàng Sa đã được triều đình nhà Nguyễn quan tâm chặt chẽ. Người đề nghị cũng như người đồng ý tặng thưởng đều đánh giá cao việc đồn trú ở đảo Hoàng Sa. Hai tờ Châu bản thêm một lần nữa khẳng định trước khi diễn ra Thế chiến thứ 2 và quân đội Nhật tấn công, xâm chiếm vùng châu Á - Thái Bình Dương, đảo Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam. Và sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, Hoàng Sa vẫn trở lại thuộc chủ quyền của nước ta như cũ”.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, dẫn giải: "Tủ sách gia đình chúng tôi là sách và tài liệu lưu trữ 3 đời bằng nhiều thứ chữ: Hán, Nôm, Quốc ngữ, Pháp, Anh… từ đời ông nội vợ tôi là Trung quân đô thống, phò mã Nguyễn Hữu Tiến (chồng của Công chúa Ngọc Sơn) đến giờ. Tại sao ở nhà tôi lại có Châu bản? Có thể do chiến tranh, thay đổi thời cuộc hay sao đó mà cụ phò mã ông nội của vợ tôi có vai vế trong triều đình đã đưa về nhà cất giữ một tập Châu bản với khoảng 70 văn bản có chữ phê, chữ ký của vua Bảo Đại. Tình cờ, tôi tìm ra Châu bản vua phê duyệt thưởng huy chương Ngũ đẳng Long tinh cho Đội khố xanh có công phòng thủ Hoàng Sa. Ngoài ra, tập Châu bản này còn có nhiều tài liệu quý hiếm, chưa công bố. Trong đó còn có một tờ Châu bản liên quan đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa nữa, tôi sẽ công bố trong nay mai nhằm góp cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”
Hoàng Sa trong đình làng
Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, “đối thủ” của chúng ta có lẽ không bao giờ nghĩ tới, chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã được lưu giữ cách đây hơn 250 năm tại một đình làng ven biển miền Trung do các bô lão phát hiện.
Đó là đình làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Văn bản chữ Hán, viết trên giấy dó, do làng Mỹ Lợi cất giữ với nội dung, giải quyết vụ tranh kiện giữa phường Mỹ Toàn (làng Mỹ Lợi ngày nay) và phường An Bằng (làng An Bằng ngày nay) về chiếc ghe của đội Hoàng Sa do quan sở tại phê phó. Văn bản này là minh chứng về việc nhà nước thời Lê đã có biên chế đội Hoàng Sa chuyên trách tuần tiễu và trấn giữ quần đảo Hoàng Sa.
Ngoài ra, bộ hồ sơ mang tiêu đề “Ty khí tượng tại đảo Hoàng Sa 1955” được lưu giữ tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Thừa Thiên - Huế bao gồm 10 trang tài liệu (6 trang tiếng Pháp và 4 trang tiếng Việt). Đây là hồ sơ gốc của Ty Kiến thiết (chế độ cũ) liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa giai đoạn 1897 - 1960, trong đó có các văn bản được đánh máy, có đầy đủ chữ ký cũng như con dấu, các bút tích xử lý công việc với nội dung về việc sửa chữa Ty Khí tượng Hoàng Sa (cũng vừa được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức bàn giao cho Bộ Ngoại giao).
Cùng với việc bàn giao những tư liệu quan trọng về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho Bộ Ngoại giao, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức gắn tên đường Hoàng Sa tại thị trấn ven biển Thuận An. Tuyến đường dài 2km, điểm đầu nối với đường Nguyễn Văn Tuyết, điểm cuối giáp Trạm kiểm soát Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An. Đây là sự ghi ân và tôn vinh công lao cha ông và những người lính hùng binh Hoàng Sa đã xả thân theo lệnh vua ban để bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước.
Theo SGGP