Chân dung Tổng Bí thư qua các thời kỳ - Bài cuối

Thứ ba, ngày 19/01/2016

(BDO) Bài cuối: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Luôn quan tâm công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh

Trên cương vị đứng đầu Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, trọng trách trên vai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức nặng nề, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân “thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng, đưa nước ta từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà trước mắt là phấn đấu tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14-4-1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Từ năm 1963 đến năm 1967, đồng chí là sinh viên Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tháng 12-1967, sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương, đồng chí được phân công về công tác tại Tạp chí Cộng sản, là cán bộ Phòng Tư liệu, rồi cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng. Đồng chí được kết nạp vào Đảng ngày 19-12-1967. Tháng 8-1973, đồng chí được cử đi nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - Chính trị, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Sau khi kết thúc khóa học, đồng chí tiếp tục công tác tại Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản. Từ tháng 9-1981 đến tháng 7-1983, đồng chí được cử đi thực tập sinh và bảo vệ luận án phó tiến sĩ Khoa Xây dựng Đảng, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô. Tháng 8-1983, đồng chí về nước, tiếp tục công tác tại Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản. Tháng 10- 1983, đồng chí được cử làm Phó Trưởng ban rồi Trưởng ban Xây dựng Đảng (9-1987). Từ năm 1985 đến năm 1991, đồng chí là Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy Tạp chí Cộng sản. Từ tháng 3-1989 đến tháng 8-1996, đồng chí là Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Năm 1992, đồng chí được phong học hàm phó giáo sư và 10 năm sau được phong học hàm giáo sư.

Tháng 1-1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, đồng chí được bầu vào BCH Trung ương, tiếp tục được các đại hội VIII, IX, X bầu làm Ủy viên BCH Trung ương Đảng. Từ tháng 8-1996 đến tháng 2-1998, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng ban Cán sự đại học, trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Tháng 12-1997, tại Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khóa VIII, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Tại các đại hội IX và X, đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Đồng chí là Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị từ tháng 8-1999 đến tháng 4-2001. Từ tháng 2-1998 đến tháng 1-2000, đồng chí được phân công phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của Đảng. Tháng 3-1998, đồng chí được cử làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng từ tháng 11- 2001 đến tháng 8-2006. Đồng chí là Trưởng ban soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Từ tháng 1-2000 đến tháng 6-2006, đồng chí liên tục là Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII. Từ tháng 6-2006 đến tháng 7-2011 là Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (1-2011), đồng chí được bầu vào BCH Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư của Đảng.

Trên cương vị đứng đầu BCH Trung ương Đảng, trọng trách trên vai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức nặng nề, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân “thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng, đưa nước ta từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà trước mắt là phấn đấu tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm mô hình Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương)

Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo. BCH Trung ương, Bộ Chính trị (khóa XI) đã có các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, BCH Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Ngày 16-1-2012, thay mặt BCH Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12- NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Đây là một nghị quyết rất quan trọng, được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi ban hành, nghị quyết đã được tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận với một tình cảm hồ hởi, vui mừng, đồng tình, nhất trí cao, cho rằng nghị quyết đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng các giải pháp để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. Mục tiêu của Nghị quyết là phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã tạo được sự chuyển biến quan trọng bước đầu về công tác xây dựng Đảng, đó là đã góp phần củng cố, nâng cao và thống nhất nhận thức tư tưởng trong Đảng về tình hình Đảng và công tác xây dựng Đảng hiện nay. Thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương một cách nghiêm túc ở các cấp, đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng; giúp cho các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng; thấy rõ và sâu sắc ý nghĩa quan trọng, sự cần thiết phải thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và nhận diện rõ hơn những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên xác định trách nhiệm của mình, nêu cao ý thức tự giác, gương mẫu trong việc thực hiện Nghị quyết.

Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 được kết hợp chặt chẽ với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đem lại một số kết quả cụ thể, thiết thực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường và đẩy mạnh hơn. BCH Trung ương đã quyết định thành lập lại Ban Nội chính Trung ương; kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban và tập trung chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Do vậy, nhiều văn bản chỉ đạo về đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được thể chế hóa bằng pháp luật; nhiều vụ việc tham nhũng lớn, nghiêm trọng và phức tạp kéo dài ở Trung ương và các địa phương đã sớm được điều tra, khởi tố, truy tố và xét xử công khai với những bản án nghiêm khắc dành cho các bị cáo, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng vào quyết tâm đấu tranh, đẩy lùi tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức; tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh và phức tạp, những chuyển biến tích cực về công tác xây dựng Đảng qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng - an ninh; bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Mặt khác, cũng qua chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã tích lũy thêm kinh nghiệm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới hiện nay.

Có được những kết quả nêu trên là do: Nghị quyết Trung ương 4 là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, bài bản, khoa học, cụ thể với quyết tâm chính trị cao và có một số đổi mới về nội dung, cách làm so với trước, đem lại hiệu quả cụ thể, thiết thực. Có sự tham gia tích cực của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các cấp; sự gương mẫu, nghiêm túc, tự giác trong kiểm điểm, tự phê bình, phê bình và sửa chữa khuyết điểm của tập thể, cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư là tấm gương để cấp dưới và cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.

P.V (tổng hợp)