Chấn chỉnh việc nuôi chó thả rông trong khu dân cư
(BDO) Nỗi lo vì… chó thả rông
Thời gian qua, nhiều người dân sinh sống tại hẻm 113, khu phố 8, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một bức xúc trước tình trạng nhiều nhà nuôi chó nhưng thả rông gây nguy hiểm cho hàng xóm. Anh Nguyễn Phong, người dân sinh sống tại địa phương cho biết, con hẻm này có nhiều nhà nuôi chó nhưng cứ thả ra đường mà không rọ mõm. Cứ thấy người chạy xe đi ngang là chó rượt theo, nhiều phụ nữ bị chó rượt và hoảng nên tông xe vào tường. Có lần con anh Phong đang đi thì bị chó chạy theo cắn. Anh có nói cho chủ biết nhưng họ tỏ ra rất thờ ơ và nói “Chó nhà nuôi nên không sao”. Vì lo cho sự an toàn của con, anh cho con đi tiêm ngừa phòng dại.
Thực tế thời gian qua cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc từ tình trạng chó thả rông cắn trẻ em bị thương nặng, có em bị chó cắn tử vong. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay cả nước có 52 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó địa phương nhiều nhất là tỉnh Bến Tre với 13 trường hợp; Kiên Giang 5 trường hợp; Nghệ An 5 trường hợp; Đắk Lắk 4 trường hợp, Gia Lai 4 trường hợp. Đáng chú ý là chỉ trong một tuần từ ngày 24-10 đến 30- 10, Nghệ An có 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại do chó cắn…
Phường Vĩnh Phú (TP.Thuận An) “xử lý mạnh tay” việc chó thả rông
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay theo thống kê đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh có 65.964 con, trong đó đã tiêm phòng được 64.997 con, đạt 98,5%. Tỉnh Bình Dương đã được Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cấp giấy chứng nhận vùng an toàn bệnh dại cho 4 huyện thị, thành phố, gồm: TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng. Tính đến ngày 30-9, toàn tỉnh có gần 7.000 trường hợp đến tiêm phòng ngừa bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Ông Cường nhấn mạnh, hiện nay việc chế tài xử phạt về vi phạm đã có trong quy định. Cụ thể như Nghị định 90/2017/NĐ- CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 3-1-2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; Chỉ thị 18/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý chó nuôi trên địa bàn tỉnh. Bộ NN-PTNT cũng ra Chỉ thị số 5277/CT-BNN-TY về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh dại ở động vật.
Theo ông Cường, để quản lý tốt việc chó nuôi không thả rông, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Cần phải tăng cường nhắc nhở, kiểm tra và xử phạt thật nghiêm các hộ gia đình thả rông chó ra đường, không thực hiện đăng ký và tiêm phòng đúng quy định. Ðồng thời thường xuyên tổ chức các đợt truy quét, bắt hết chó thả rông chạy ngoài đường, có như vậy mới bảo đảm được an toàn cho người đi đường cũng như hạn chế tai nạn giao thông xảy ra do chó gây nên. Ngoài ra, khi bị chó cắn phải rửa ngay vết thương bằng xà phòng dưới nước sạch và đến ngay cơ sở y tế để tiêm ngừa. Tuyệt đối không nên sử dụng các biện pháp dân gian có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cần xử lý mạnh tay
Trước thực trạng chó thả rông gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nhưng theo ghi nhận của P.V, nhiều địa phương chưa thực sự quyết tâm trong việc xử lý tình trạng này. Tại Bình Dương, địa phương “mạnh tay” trong việc xử lý chó thả rông là phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An, với những cách làm hay và được người dân đánh giá cao.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Châu, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú cho biết, ngay từ đầu năm, UBND phường đã ra thông báo về việc duy trì công tác quản lý việc nuôi chó, phòng ngừa bệnh dại trên địa bàn phường. Theo đó, UBND phường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng, chống bệnh dại nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng; triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại cho đàn vật nuôi, nhất là bệnh dại do chó gây ra, từ đó khuyến khích các hộ dân thực hiện tốt việc quản lý chó nuôi; hạn chế tối đa việc thả rông chó ra đường, nơi công cộng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người, không để chó phóng uế bừa bãi ảnh hưởng đến môi trường.
Bà Châu nhấn mạnh, để cách làm trên mang lại hiệu quả, công chức văn hóa xã hội của phường phối hợp với Trạm thú Y TP.Thuận An tổ chức lực lượng bắt chó thả rông, chó không tiêm phòng dại để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Chó thả rông sau khi bắt sẽ được tạm nuôi nhốt tại UBND phường Vĩnh Phú và sẽ thông báo trên loa đài cho chủ nuôi đến nhận, xử phạt theo quy định của pháp luật và thực hiện việc tiêm phòng dại cho chó. Nếu sau thời gian quy định (48 giờ) chó thả rông không có chủ đến nhận sẽ được hiến tặng cho khoa chăn nuôi thú y Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh để phục vụ cho việc dạy thực hành. Ngoài ra, phường cũng yêu cầu các hộ ký cam kết tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi theo đúng quy định; không thả rông chó ra đường, nơi công cộng. Nếu đưa chó ra đường, nơi công cộng phải có xích và rọ mõm và có người dắt, giữ chó, không để phóng uế bừa bãi.
QUỲNH ANH