Chấm thi tốt nghiệp ở ĐBSCL: Chấp nhận kết quả của thí sinh
Chiều tối qua (23-6), trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: "Bộ GD-ĐT sẽ không chấm lại và chấp nhận kết quả sơ bộ mà các địa phương đã duyệt, đồng thời cũng tạm thời công nhận tốt nghiệp cho những em đủ điều kiện".
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định: “Việc sai phạm của 11 tỉnh đã được làm sáng tỏ. Sắp tới Bộ sẽ phối hợp với UBND các địa phương này để xem xét xử lý tuy nhiên cần có thời gian và quy trình
- Thưa Thứ trưởng, theo chúng tôi được biết thì các địa phương liên quan đến vụ việc chấm thi ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long đã báo cáo đầy đủ về Bộ GD-ĐT. Sau khi xem xét và xác minh, Bộ đã có kết luận vụ việc này như thế nào?
- Tôi xin nhắc lại, Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định chỉ có duy nhất một hướng dẫn chấm thi. Theo quy chế, khi thảo luận về hướng dẫn chấm có vấn đề gì băn khoăn hay thắc mắc thì cần phải hỏi lại Bộ chứ không được tự mình "sáng chế". Như chúng ta đã biết, năm nay Bộ điều chỉnh lại hướng dẫn chấm môn Văn cũng xuất phát từ việc các địa phương phản ánh lại những điểm chưa hợp lý. Xin nhấn mạnh rằng, quyền điều chỉnh hướng dẫn chấm thi là của Bộ chứ không phải là Sở GD-ĐT hay Hội đồng chấm thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: "Bộ GD-ĐT sẽ xử lý nghiêm đối với các địa phương vi phạm".
Còn về vụ việc ĐBSCL, Bộ GD-ĐT đánh giá như sau: Thảo luận là điều cần thiết và việc Bộ đồng ý cho các tỉnh ĐBSCL họp để trao đổi cách hiểu và vận dụng hướng dẫn chấm thi là có thật. Vấn đề này Bộ đã khẳng định ngay sau khi báo chí phản ánh.
Nhưng phải khẳng định các địa phương đã nêu một đường nhưng lại làm quá, làm quá đến mức độ ra một cái hướng dẫn mà theo đánh giá sơ bộ của những người có chuyên môn thì thấy rằng đã có biểu hiện hạ thấp yêu cầu về chấm thi. Như vậy rõ ràng các địa phương này đã vi phạm quy chế. Vì sao lại nói là vi phạm? Vì hướng dẫn của họ đã được đưa đến các Hội đồng chấm thi để vận dụng. Sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với UBND các địa phương này để xem xét xử lý tuy nhiên cần có thời gian và quy trình.
- Những người liên quan về việc sai phạm này sẽ được xử lý như thế nào? Thanh tra ủy quyền của Bộ ký vào văn bản hướng dẫn có được quy trách nhiệm hay không thưa Thứ trưởng?
- Việc xử lý sai phạm cần phải có quy trình. Chắc chắn sẽ có nhiều mức độ và đối tượng sai phạm khác nhau. Chẳng hạn như, có những người đứng ra tổ chức cho việc thảo luận, có những người tham gia thảo luận, có những người hướng dẫn cái này cái kia…Tôi cũng xin nhấn mạnh, do có sự phân cấp nên việc xử lý sai phạm của cán bộ giáo viên (bao gồm lãnh đạo sở, giám khảo chấm thi…) là do địa phương đó phụ trách. Về phía Bộ thì chắc chắn sẽ phối hợp với các địa phương để làm sáng tỏ tính chất, mức độ sai phạm này.
Thanh tra ủy quyền mà ký vào văn bản thống nhất thì cũng được coi là vi phạm. Như các bạn đã biết, gọi là thanh tra của Bộ nhưng thực tế đều là những người địa phương của 11 tỉnh này mà thôi.
Vẫn chấp nhận kết quả của học sinh
- Vậy kết quả của thí sinh có được công nhận hay Bộ GD-ĐT sẽ chấm lại để đánh giá đúng thực chất?
- Về góc độ học sinh thì các em không sai nên Bộ GD-ĐT sẽ không chấm lại và chấp nhận kết quả sơ bộ mà các địa phương đã duyệt, đồng thời cũng tạm thời công nhận tốt nghiệp cho những em đủ điều kiện.
Bộ không đặt ra vấn đề chấm lại là bởi vì khi đối chiều bảng hướng dẫn chấm thi của địa phương với của Bộ thì đã thấy sự sai phạm rồi. Bên cạnh đó văn bản hướng dẫn này đã được sử dụng tại một số Hội đồng chấm thi là có thật. Như vậy mức độ sai phạm là đã rõ nên việc chấm lại là không cần thiết.
Với việc quyết định không chấm lại dễ làm cho xã hội đánh giá Bộ GD-ĐT đã cố gắng giữ nguyên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp “đẹp”. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Thực ra có chấm lại thì mức độ giảm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ không nhiều. Ở đây Bộ nhìn nhận về quyền lợi và trách nhiệm của HS. Thứ nhất chúng ta phải khẳng định HS không chịu trách nhiệm về việc làm sai này. Thứ hai về tâm lý thi cử thì các em lại chuẩn bị bước vào kì thi ĐH, CĐ nên chúng ta không nên tạo ra sự hoang mang.
Còn với những người suy luận Bộ giữ nguyên kết quả để giữ nguyên tỷ lệ đỗ cho “đẹp” thì tôi cho rằng đó là những người không có thiện chí với HS, Bộ GD-ĐT và cả ngành giáo dục.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Dân Trí