Chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng
(BDO) - Bác sĩ Diệu Hương, khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:
Tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra. Khi trẻ bị mắc bệnh TCM cần cho trẻ nhập viện ngay để được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Trẻ mắc bệnh TCM thường rất biếng ăn, không ăn uống được do các vết loét bên trong niêm mạc miệng gây đau đớn. Ngoài ra, trẻ còn bị sốt cao, nôn ói nên rất mệt mỏi và khó chịu, quấy khóc. Vì vậy, người chăm sóc trẻ nên cho trẻ ăn những thực phẩm kích thích sự ngon miệng. Thức ăn nên được xay thật nhỏ, mềm, nấu loãng và cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để dễ hấp thu.
Cho trẻ sử dụng các loại rau, quả có tính mát, giàu vitamin như rau dền đỏ, rau mồng tơi; nước ép cam, quýt, bưởi; uống bổ sung vitamin và khoáng chất theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với trẻ còn bú mẹ thì vẫn cho bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì mỗi lần trẻ bú không được nhiều như lúc còn khỏe...
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh TCM. Khi trẻ mắc bệnh bác sĩ chỉ điều trị hỗ trợ và tăng cường sức khỏe bằng chế độ ăn, uống hợp lý. Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, người chăm sóc trẻ cần lưu ý: Rửa tay thường xuyên, nhất là trước trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của người bệnh phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
CẨM LÝ (ghi)