Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ dưới 36 tháng tuổi: Chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Thứ sáu, ngày 03/04/2015

Hiện nay, nhu cầu gửi trẻ mầm non (MN), mẫu giáo của phụ huynh, trong đó có trẻ dưới 36 tháng tuổi rất cao, nhưng thực tế trường lớp chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là ở các địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư. Từ đó, cơ sở giáo dục MN ngoài công lập ra đời ngày càng nhiều, đáp ứng đáng kể nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.

(BDO)

Điều kiện chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở trường MN tư thục Trúc Xanh (TP.Thủ Dầu Một) được ngành đánh giá cao. Ảnh: H.THÁI

Nhiều trường khang trang

Trên địa bàn tỉnh hiện có 265 cơ sở MN công lập và ngoài công lập, trong số này chỉ có 189 trường có tổ chức nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi (công lập chỉ có 41 trường). Theo khảo sát, nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh ở độ tuổi này rất cao, với 83.708 trẻ, nhưng trường công lập chỉ đủ đáp ứng 20%, số còn lại trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng tại các trường tư thục và nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập. Sở dĩ trường công lập nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi còn hạn chế là do ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi để thực hiện phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi.

Trước nhu cầu của xã hội, mạng lưới MN ngoài công lập phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đã góp phần giảm được áp lực ở các trường công lập, đáp ứng nhu cầu gửi con lứa tuổi nhà trẻ của phụ huynh, nhất là con em công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư. Hiện toàn tỉnh có 148 trường tư thục, một số trường được chủ đầu tư khá hiện đại.

Trường MN tư thục Trúc Xanh, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một là một điển hình. Trường được xây dựng lầu trên khuôn viên khang trang, thoáng đãng, phòng học rộng rãi, có đồ chơi ngoài trời. Trường có 3 nhóm trẻ và 6 lớp với 356 cháu. Hoạt động nuôi dạy, chăm sóc được thực hiện theo quy định về chương trình giáo dục MN mới.

Tại TX.Dĩ An, trường MN Nắng Mai cũng có cơ sở bảo đảm các điều kiện hoạt động của một trường MN, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng cháu được bảo đảm. Đến tham quan trường làm chúng tôi khá ấn tượng là bếp ăn được xây dựng một chiều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), điều này thường chỉ có ở những cơ sở công lập. Ông Lê Minh Phúc, Phó phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TX.Dĩ An nói, trong thời gian qua, công tác xã hội hóa giáo dục MN ở địa bàn thị xã đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, mạng lưới trường MN phát triển đều khắp các phường, đóng góp vào sự phát triển quy mô mạng lưới trường lớp MN. Số cháu nhà trẻ theo học tại các cơ sở MN tư thục chiếm 93,26% so với số trẻ ra lớp trong toàn thị xã. Trong những năm qua, các nhà đầu tư từng bước tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục MN.

Ngán ngại nhóm trẻ gia đình

Bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng Giáo dục MN Sở GD-ĐT nhìn nhận, ngoài các trường MN công lập đạt chuẩn và một số trường tư thục được đầu tư, còn lại đa số cơ sở tư thục đều thuê mướn nhà ở tại các khu dân cư hoặc sử dụng nhà ở, nên điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ chưa phù hợp. Cụ thể, phòng học hạn chế về diện tích, thiếu ánh sáng, sân chơi, hiên chơi, ít đồ chơi cho trẻ hoạt động, nhà vệ sinh chưa phù hợp, bếp nấu ăn chưa đúng quy trình một chiều, đồ dùng vệ sinh cá nhân, đồ chơi rất ít…

Tại một cơ sở giữ trẻ ở phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, nhìn phía ngoài để bảng hiệu cơ sở trông bắt mắt, nhưng vào bên trong mới thấy cơ sở vật chất còn rất hạn chế. Chủ cơ sở tận dụng khu vực trống ở phía sau nhà, ngăn ra các bức vách cao khoảng trên 1m làm phòng học. Phòng học đơn sơ, tạm bợ, mái lợp tôn, đồ dùng, đồ chơi cho các cháu còn thiếu, chất lượng nuôi dạy không thể bảo đảm. Ở khu vực này, đa số trẻ là con công nhân lao động, thu phí thấp, nên nhà đầu tư không mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở, từ đó mới có những cơ sở tạm bợ như vậy. Và các cháu học tại đây phải chịu nhiều thiệt thòi trong chăm sóc, nuôi dạy so với những cháu được học ở trường công lập.

Ở những điểm giữ trẻ tại TP.Thủ Dầu Một và TX.Dĩ An, nhiều cơ sở tận dụng phòng sinh hoạt của gia đình để giữ cháu, người giữ trẻ cũng là các thành viên trong gia đình. Có những người chọn công việc giữ trẻ là mưu sinh, như trường hợp của chị L.D. P. ở phường Đông Hòa, TX.Dĩ An. Hiện chị nhận nuôi giữ 6 trẻ, nhỏ nhất là 1 tuổi. Điểm chung ở các cơ sở nuôi giữ trẻ gia đình là họ chỉ nhận giữ trẻ cả ngày nhưng không tổ chức cho trẻ ăn uống. Thông thường, buổi sáng cha mẹ gửi con kèm theo gửi sữa, cháo. Thức ăn không bảo đảm dinh dưỡng và ATVSTP.

Bà Phạm Thị Huệ Trang nhận xét, các nhóm trẻ độc lập đa số lấy công làm lời nên chủ yếu chỉ nhận giữ trẻ, nên người nuôi giữ trẻ còn hạn chế về số lượng, trình độ, cơ sở vật chất chưa quan tâm, đầu tư, chế độ dinh dưỡng cho trẻ chưa bảo đảm. Với phụ huynh, dù biết chất lượng nuôi dưỡng ở những nơi này còn hạn chế, nhưng họ vẫn phải gửi con, một phần vì giá rẻ, một phần để thuận tiện với công việc làm của họ.

Ông TRỊNH ĐỨC TÀI, Phó Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh: Tăng cường công tác phối hợp

Thời gian qua, nhờ thực hiện xã hội hóa giáo dục MN đã thu nhận trên 80% trẻ dưới 36 tháng tuổi đến lớp, góp phần đáng kể trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Tuy nhiên, công tác phối hợp của các ngành, các cấp trong thời gian qua có thực hiện nhưng chưa chặt chẽ. Thời gian tới, với sự tham mưu của ngành GD-ĐT, các huyện, thị, thành phố cần chỉ đạo thường xuyên hơn. Công tác ATVSTP cần có sự phối hợp của y tế để bảo đảm chất lượng bữa ăn cho trẻ. Ngoài ra, các công việc như: đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ MN, gỡ vướng về đất đai cho nhà đầu tư, phòng chống các loại dịch bệnh… cũng cần được ngành GD-ĐT và các ngành, các cấp quan tâm nhiều hơn.

Bà NGUYỄN HỒNG SÁNG, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Tiếp tục hỗ trợ MN ngoài công lập phát triển

Tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, dân số cơ học tăng nhanh và luôn biến động, làm cho công tác dự báo số liệu trẻ MN đến trường không chính xác, dẫn đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng trường MN, đặc biệt là xây dựng nhà trẻ tại các địa phương này chưa được quan tâm đúng mức. Các khu công nghiệp không có quỹ đất để xây dựng nhà trẻ, trong khi nhu cầu gửi trẻ là rất lớn. Ngành kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng hỗ trợ các nhóm trẻ độc lập, nhóm trẻ gia đình còn nhiều khó khăn. Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương quy hoạch xây dựng phát triển mạng lưới trường lớp MN phù hợp. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư xây dựng trường MN…

 

HỒNG THÁI