Chăm lo tốt hơn đời sống lao động tự do
(BDO) Từ mô hình điểm của Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa và Nghiệp đoàn Vé số phường Mỹ Phước, TP.Bến Cát, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh rà soát số lao động tự do ở các ngành, nghề khác để thành lập thêm khoảng 10 nghiệp đoàn trong năm 2024 với số lượng khoảng 1.000 đoàn viên. Cán bộ công đoàn Bình Dương đang quyết tâm thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ rộng rãi người lao động với phương châm “Nơi đâu có người lao động (NLĐ), nơi đó có tổ chức công đoàn”.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh và địa phương trao hỗ trợ cho hoạt động Nghiệp đoàn Vé số phường Mỹ Phước
Chỗ dựa vững chắc cho NLĐ
Được LĐLĐ TP.Bến Cát thành lập năm 2016 với 14 thành viên ban đầu, đến nay, Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa đã có hơn 40 thành viên là những người hành nghề xe ôm ở các phường Mỹ Phước, Thới Hòa, Tân Định, An Điền... Ông Trần Văn Nhẫn, quê tỉnh Cà Mau, có thâm niên hành nghề xe ôm hơn 10 năm ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa, chia sẻ: “Về tổ chức thì nghiệp đoàn cũng giống công đoàn cơ sở tại các công ty. Chúng tôi được LĐLĐ TP.Bến Cát quan tâm, chăm lo, bảo vệ pháp luật. Vào dịp lễ, tết, các thành viên nghiệp đoàn được LĐLĐ tặng quà, thăm hỏi, động viên. Các hoạt động của nghiệp đoàn cũng được LĐLĐ thành phố theo dõi, định hướng để hoạt động đi vào nề nếp. Các đoàn viên nghiệp đoàn cũng đóng đoàn phí hàng tháng, nhưng chúng tôi được giữ lại mua sắm đồng phục và tổ chức một số hoạt động khác”.
Từ ngày được thành lập, thành viên trong nghiệp đoàn khi ra đường hành nghề được trang bị đồng phục, phân chia khu vực hoạt động nề nếp, không tranh giành địa bàn, hỗ trợ giúp nhau trong mọi việc. Họ cũng ý thức hơn trong giao tiếp, tạo được ấn tượng tốt với người dân địa phương, khách hàng. Bên cạnh đó, nghiệp đoàn còn thành lập Đội Xe ôm cứu nạn, giúp người gặp phải khó khăn khi đi đường như hư xe, say xỉn, cấp cứu người bị tai nạn. Theo các thành viên trong Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa, điều khiến họ yên tâm nhất từ khi vào nghiệp đoàn là được tổ chức Công đoàn TP.Bến Cát đứng ra trợ giúp pháp lý, định hướng nghề nghiệp, có nơi để sinh hoạt. Bên cạnh hỗ trợ của LĐLĐ thành phố, các tổ chức khác như Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thành phố, chính quyền các địa phương cũng quan tâm, chia sẻ...
Trong Tháng Công nhân 2024, LĐLĐ TP.Bến Cát tiếp tục ra mắt Nghiệp đoàn Vé số phường Mỹ Phước. Ngay ngày thành lập đã có hơn 70 người bán vé số tham gia vào nghiệp đoàn, được phát đồng phục, được các doanh nghiệp và địa phương tặng quà, thể hiện sự quan tâm bước đầu khá chu đáo. Chị Trịnh Thị Hà, Chủ tịch Nghiệp đoàn Vé số phường Mỹ Phước chia sẻ: “Trước đây thì mạnh ai nấy làm, nếu không may bị tai nạn, ốm đau trong quá trình mưu sinh cũng không biết dựa vào đâu. Hầu hết người bán vé số đều có cuộc sống khó khăn, sức khỏe không tốt, kiến thức cũng có phần hạn chế. Khi vào nghiệp đoàn, họ sẽ được địa phương, các cấp hỗ trợ nhiều mặt, tuyên truyền kiến thức pháp luật, kiến thức bảo vệ hạnh phúc gia đình”.
Chị Trương Thị Tuyến, quê tỉnh An Giang, thành viên Nghiệp đoàn Vé số phường Mỹ Phước chia sẻ: “Trước đây tôi là công nhân công ty may trong Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, cũng tham gia công đoàn nên tôi hiểu được lợi ích của đoàn viên công đoàn. Vậy nên khi được vận động tham gia nghiệp đoàn, tôi đã đăng ký tham gia ngay. Nghiệp đoàn chỉ mới được thành lập 1 tháng nay, nhưng tôi thấy suy nghĩ, hạnh động của tất cả các thành viên đã thay đổi. Các thành viên không tranh giành mối lái, địa bàn, sống chan hòa với nhau. Khi rảnh rỗi, các thành viên ngồi trò chuyện, chia sẻ cùng nhau, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn, không vi phạm pháp luật”.
Phát triển 1.000 thành viên nghiệp đoàn
Thực hiện Kế hoạch số 31/ KH-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cấp cơ sở năm 2024, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện trong các cấp công đoàn. Trong đó, đơn vị xác định rõ chỉ tiêu phát triển đoàn viên công đoàn năm 2024 của tỉnh thực tăng là 50.000 đoàn viên/tổng chỉ tiêu 1 triệu đoàn viên của Tổng LĐLĐ Việt Nam giao cho 63 tỉnh, thành, ngành trong cả nước; phấn đấu 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên đủ điều kiện thành lập được tổ chức công đoàn cơ sở và đặc biệt là phấn đấu mỗi LĐLĐ huyện, thành phố thành lập từ 1 đến 2 nghiệp đoàn cơ sở trở lên ở khu vực phi chính thức, kết nạp 1.000 đoàn viên là lao động ở khu vực này.
Qua đó, LĐLĐ tỉnh đặt ra chỉ tiêu năm 2024 toàn tỉnh sẽ có từ 10 nghiệp đoàn ở khu vực phi chính thức trở lên. Thời gian tới, một số nghiệp đoàn sẽ tiếp tục được thành lập, đó là Nghiệp đoàn Vé số trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, Thuận An; Nghiệp đoàn Thợ xây trên địa bàn TP.Bến Cát. Có thể nói, đây là bước đi tiên phong đầu tiên trong năm 2024 của các cấp công đoàn Bình Dương về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp, đặc biệt là khối LĐLĐ huyện, thành phố trong việc tổ chức phát triển nghiệp đoàn và đoàn viên là lao động khu vực phi chính thức.
Theo LĐLĐ tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2 triệu người trong độ tuổi lao động; trong đó còn rất nhiều những mảnh đời vất vả, phải mưu sinh từng ngày, thiếu thốn về vật chất, tinh thần, phần lớn họ là những người lao động ở khu vực phi chính thức, như: Bán vé số, thợ xây, xe ôm, giao hàng, hớt tóc, rửa xe... Chính vì thế, với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ công đoàn tỉnh đang quyết tâm thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ rộng rãi NLĐ, với phương châm “Nơi đâu có NLĐ, nơi đó có tổ chức công đoàn”.
“Nghiệp đoàn là một trong những loại hình công đoàn cơ sở đã được quy định trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam; tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam. Sau khi tham gia vào nghiệp đoàn, tổ chức công đoàn sẽ giúp các đoàn viên có thể tiếp cận các chiều an sinh xã hội, sẽ có những hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp, nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. (Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh) |
QUANG TÁM