Chăm lo tốt đời sống người lao động sau dịch bệnh Covid-19 - Kỳ cuối
(BDO) Kỳ cuối: Hỗ trợ, tạo việc làm bền vững cho người lao động
Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sớm ổn định, mở rộng thị trường sản xuất, tiêu thụ. Để nâng cao đời sống người dân, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn xác định giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người lao động (NLĐ) là vấn đề quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Công nhân lao động đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh để giải quyết bảo hiểm thất nghiệp và được giới thiệu, tìm kiếm việc làm mới nhằm ổn định cuộc sống
Định hướng cho NLĐ học nghề
Những tháng gần đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (TT) mỗi ngày tiếp nhận trên 2.000 lượt người đến làm các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tư vấn giới thiệu việc làm, như: Nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), nhận quyết định hưởng TCTN, thông báo tình trạng tìm kiếm việc làm hàng tháng...
Thống kê tháng 6 tháng đầu năm 2020, số người nộp hồ sơ hưởng BHTN là 49.297 người, tăng 32,9% so với 6 tháng đầu năm 2019; trong đó lao động có quyết định hưởng TCTN là 44.549 người, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, dẫn đến số lượng người thất nghiệp tăng.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, TT nỗ lực tư vấn, định hướng cho NLĐ học nghề, tăng cường kết nối doanh nghiệp và NLĐ, giúp họ có cơ hội việc làm tốt hơn. Vì vậy, trong 6 tháng qua đã có 676 người có quyết định hỗ trợ học nghề. Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), TT đã kịp thời thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ hưởng chế độ BHTN. Công tác giải quyết chính sách BHTN được TT thực hiện khẩn trương, an toàn và bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Trong khi đó, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ hưởng BHTN đạt tỷ lệ 100%. NLĐ đến đăng ký hưởng TCTN đều được tư vấn về chính sách BHTN, tư vấn giới thiệu việc làm và được hỗ trợ học nghề miễn phí theo quy định. Bên cạnh TT bảo đảm chất lượng giảng dạy các nghề theo chức năng. Ngoài ra, TT còn liên hệ, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh giới thiệu nhiều cơ hội học nghề theo nhu cầu của NLĐ. Các ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo đa dạng phong phú hơn và nhận được sự hài lòng từ phía NLĐ. Đã có rất nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học đã tìm việc làm mới, ổn định cuộc sống bản thân và gia đình”.
Quá trình hỗ trợ NLĐ hưởng TCTN tìm kiếm việc làm, sàn việc làm online đã phát huy hiệu quả. TT kết hợp với các tỉnh, thành để tổ chức sàn việc làm online, mặt khác phối hợp với trung tâm lao động ngoài nước tổ chức sàn online thu hút lao động đã xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản về nước. Các thông tin tuyển dụng lao động, tuyển sinh học nghề và xuất khẩu lao động của các tỉnh sẽ được đưa lên hệ thống tra cứu, thông báo tuyển dụng, niêm yết và quảng bá trên website của các trung tâm. Hoạt động này nhằm mở rộng địa bàn, thu hút lao động cung ứng cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho NLĐ thất nghiệp tiếp cận thông tin về học nghề, lao động - việc làm cũng như cơ hội tuyển dụng phù hợp khả năng bản thân, góp phần điều tiết cân bằng cung - cầu lao động.
Đẩy mạnh giới thiệu việc làm
Ghi nhận của phóng viên, sau khoảng thời gian dịch bệnh, gần đây hoạt động giới thiệu việc làm đang sôi động lại tại các địa phương. Các doanh nghiệp bắt đầu có thông tin tuyển dụng nhiều hơn, tìm kiếm nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động tái sản xuất, kinh doanh nên NLĐ thất nghiệp có điều kiện quay trở lại tìm việc sớm hơn. Hiện tại các doanh nghiệp trên địa bàn đang tập trung tuyển dụng vào các ngành cần lao động có trình độ như các khối văn phòng, kỹ thuật, lao động có tay nghề. Các ngành nghề như: Điện - điện tử, cơ khí, kinh doanh, dịch vụ, công nhân may, gỗ bắt đầu có dấu hiệu tuyển dụng trở lại.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho 6.775 người, có 219 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 2.095 vị trí tuyển dụng. Con số này chứng minh rằng nhu cầu việc làm của NLĐ, doanh nghiệp đã được đáp ứng, gỡ nút thắt trong việc hỗ trợ lao động thất nghiệp. Với đà này, nền kinh tế khôi phục, phát triển trở lại sẽ giảm tải rất lớn số người thất nghiệp. Dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường lao động, việc làm sẽ có nhiều thay đổi. Doanh nghiệp tuyển dụng chủ yếu tập trung vào lao động có tay nghề để đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Để tạo việc làm bền vững cho NLĐ, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình việc làm và giảm nghèo tập trung công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của các chương trình, đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Cùng với đó, các xã, phường, thị trấn cũng đang tiến hành rà soát nhu cầu của lao động, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn.
Bà Lê Hồng Tươi, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX.Bến Cát, cho biết từ đầu năm đến nay, thị xã đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động vào các công ty, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ. Hiện các xã, phường của thị xã đang tiếp tục rà soát nhu cầu của NLĐ để mở các lớp tập huấn, dạy nghề phù hợp. Trong khi đó, tại TP.Thuận An đang thực hiện công tác khảo sát tình trạng lao động bị mất việc, có nhu cầu học nghề, để xây dựng chương trình đào tạo nghề theo nguyện vọng của NLĐ, tăng cường kết nối với doanh nghiệp để tổ chức tuyển sinh, tìm kiếm cơ hội việc làm.
“Sau dịch bệnh Covid-19, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, kịp thời triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống NLĐ. Đến nay, công tác giải quyết việc làm cho NLĐ đạt nhiều kết quả khả quan. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến sự thay đổi về mô hình sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp kèm theo đó là nhiều công việc mới phát sinh. Do đó, nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp ưu tiên chủ yếu vào các vị trí liên quan đến ứng dụng công nghệ cao, NLĐ phải có trình độ, tay nghề chuyên môn, ngoại ngữ tốt. Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, giới thiệu việc làm, nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH tập trung chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ quay lại thị trường lao động, giới thiệu, cung ứng lao động tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục thiếu hụt lao động, ổn định sản xuất, kinh doanh”. (Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội) |
QUANG TÁM - KIM HÀ