Cha mẹ phải là người dạy con học văn hóa giao thông
Năm 2010, Tháng An toàn giao thông (ATGT) có chủ đề “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng”. Trong khi các cơ quan chức năng, nhà trường, đoàn thể... đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là thanh, thiếu nhi nâng cao ý thức chấp hành ATGT, thì không ít người làm cha mẹ lại “quên” mình cũng là tấm gương để giáo dục con cái về vấn đề trên
Đứng giữa đường... đón con
Nhiều cha mẹ ngán ngẫm, lo lắng vì con cái suốt ngày tụ tập cùng bạn bè đua xe trái phép; hay tóc xanh, tóc đỏ, không đội mũ bảo hiểm (MBH), chở ba, chở bốn, lạng lách... gây tai nạn giao thông. Thế nhưng những hình ảnh phản cảm này có một phần lỗi rất lớn từ chính cha mẹ trong việc dạy con cái chấp hành ATGT từ khi còn nhỏ.
Cha mẹ phải giáo dục cho trẻ ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ ngay từ khi còn nhỏ
Chiều tan tầm, trước cổng trường mẫu giáo Hoa Phượng (TX.TDM) lộn xộn cảnh phụ huynh chen chút đậu xe chờ đón con. Nguyên nhân là do, chưa đến giờ tan trường (theo quy định 16 giờ 30), nhà trường không mở cổng vì sợ ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu nên phụ huynh phải đứng chờ ngoài cổng trường. Người nào đi sớm thì đứng sát cổng, người nào đi trễ thì đứng phía sau; cứ thế, người này nối đuôi người kia... những người đi trễ hơn thì đứng ra tận giữa đường. Lý giải cho việc này, một phụ huynh cho biết: “Tôi đi trễ không còn chỗ đứng, thấy người ta đứng tôi cũng đứng đại. Mình đi đón trễ, bỏ con buồn tội nghiệp”. Vì sợ đón con trễ mà nhiều phụ huynh đã vô tình vi phạm ATGT. Cô Nguyễn Thị Ngọc Mai, Hiệu trưởng trường cho biết: “Để giáo dục cho các em ý thức trong việc chấp hành ATGT, nhà trường đã lồng ghép chủ đề này vào trong chương trình học của các em, với các chủ đề nhánh như: con đi học bằng gì, ai đón con đến trường, con đi như thế nào... Thế nhưng vừa ra khỏi trường thì hình ảnh không đẹp về ATGT đã đập ngay vào mắt các cháu, làm ảnh hưởng không tốt đến hành vi của trẻ”. Được biết để bảo đảm an ninh trật tự cũng như ATGT, nhà trường phải hợp đồng với Đội Quy tắc của phường Phú Lợi bố trí lực lượng hướng dẫn người dân đậu xe đúng nơi quy định khi đưa, đón con. Lực lượng này làm việc từ 6 giờ 30 - 7 giờ 30 và 16 giờ 30 - 17 giờ 30 hàng ngày. Cô Mai cho biết thêm, để phụ huynh chấp hành tốt quy định, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phổ biến giờ đưa đón con và nơi đậu xe nhưng nhiều phụ huynh vẫn vi phạm. Khi có lực lượng của Đội quy tắc làm việc thì có trật tự, ngược lại thì mạnh ai nấy đứng.
Và hình ảnh này không chỉ xảy ra ở trường mẫu giáo Hoa Mai mà ở nhiều trường khác, thậm chí cả bậc THCS, làm mất đi hình ảnh đẹp của nhà trường, đồng thời phụ huynh góp phần làm cho các em tiếp xúc với tình trạng vi phạm ATGT ngay từ khi còn nhỏ.
Mũ bảo hiểm cho trẻ em... khi có khi không
Chủ đề của Tháng ATGT năm nay là “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng”, cho thấy thanh, thiếu nhi là đối tượng được quan tâm nhiều nhất. Theo đó, các khẩu hiệu “Ðội MBH cho trẻ em”, “Phải đội MBH cho trẻ em khi đi mô tô, xe gắn máy”... cũng được treo trên nhiều tuyến đường. Thế nhưng, thực tế hiện nay tỷ lệ cha mẹ đội MBH cho con còn rất hạn chế. Hình ảnh này xảy ra rất nhiều ở các trường học mỗi khi tan tầm, nhất là ở vùng nông thôn. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều cách lý giải, biện hộ. Vợ chồng chị N.H.L chở con đi dạo phố. Trong khi cha mẹ thì mỗi người một cái MBH, còn con thì phây phây... đầu trần. Chị L. giải thích: “Nó nhỏ Công an có bắt đâu mà lo, ban đêm đi đầu trần cho mát”.
Tháng ATGT chỉ là “điểm nhấn” giúp người dân nâng cao ý thức về bảo đảm trật tự ATGT, còn việc chấp hành đúng ATGT phải được coi là thường xuyên, liên tục. Người dân mà cụ thể là người làm cha, làm mẹ phải hình thành thói quen tôn trọng Luật Giao thông đường bộ cho con ngay từ khi còn nhỏ. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng các em lớn lên lạng lách, đua xe gây tai nạn giao thông, ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và xã hội.
THU THẢO