CH Séc: Nguy cơ khủng hoảng chính trị sau khi chính phủ từ chức
(BDO) Ngày 17-1, Chính phủ Cộng hòa Séc của Thủ tướng Andrej Babis đã từ chức chỉ sau 1 tháng làm việc. Trước đó, ngày 16-1, Quốc hội Séc đã tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Babis do những cáo buộc gian lận kinh tế của cá nhân ông. Từ đó đặt Cộng hòa Séc vào một tình huống nhạy cảm, có nguy cơ bất ổn định do khủng hoảng chính trị.
Sau khi từ chức, chính phủ của Thủ tướng Babis vẫn sẽ tiếp tục công việc tạm thời trong thời gian chờ các cuộc thương thảo thành lập chính phủ mới thay thế. Thời gian này có thể kéo dài vài tuần hoặc cũng có khi vài tháng, tùy tình hình thực tế đàm phán. “Chính phủ chấp thuận từ chức và tôi sẽ yêu cầu tổng thống bổ nhiệm lại để tôi có thể từ chức với tư cách cá nhân” - ông Babis nói.
Với quyết định từ chức, chính phủ của ông Babis chỉ mới nắm quyền được khoảng một tháng. Chính phủ này được hình thành vào đầu tháng 12-2017, sau khi ông Babis được Tổng thống Zeman bổ nhiệm thủ tướng để thành lập chính phủ. Trước đó, đảng ANO của ông Babis đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 10-2017, với 30% phiếu bầu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Babis đã không thành công trong việc thành lập một chính phủ liên minh với tỉ lệ đa số ghế trong Nghị viện, từ đó tạo ra tình huống chính phủ thiểu số không nhận được sự ủng hộ của phe đa số đối lập trong Nghị viện. Đây chính là điều kiện đủ dẫn đến cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 16-1 vừa qua.
Tổng thống Milos Zeman đang đối mặt khó khăn trong khi phải “cứu” đồng minh Babis.
Ông Babis xuất thân là một doanh nhân giàu có (là người giàu thứ nhì ở Séc) và được giới phân tích đánh giá là chính khách theo trường phái “chống lại các định kiến cũ”, tương tự như Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử, Babis đã đưa ra tôn chỉ vận động là chống tham nhũng và giới thiệu các giải pháp cải tổ kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bản thân Babis lại là nhân vật gây tranh cãi, với quan điểm chính trị thiếu tính nhất quán, đồng thời trong đó còn chứa đựng cả giọng điệu dân túy.
Tuy nhiên, tôn chỉ “chống tham nhũng” của Babis đã bị phá sản ngay sau khi chính phủ của ông đi vào hoạt động. Thượng tuần tháng 1-2018, một báo cáo thanh tra chống gian lận của đơn vị chống gian lận của EU (OLAF) bị rò rỉ trên báo chí đã gây chấn động Cộng hòa Séc. Báo cáo dày 48 trang được tờ báo chuyên đề tài chính Hospodárskê Noviny dịch sang tiếng Séc và đăng tải, trong đó đưa ra những sai phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra đối với hoạt động viện trợ.
Theo OLAF, đã có sự gian lận trong việc một công ty của ông Babis giành được khoản tài trợ trị giá 2 triệu euro khu phức hợp Capí Hnízdo (Tổ Cò) ở phía nam Prague. Theo báo cáo, Tập đoàn Agrofert của ông Babis đã thực hiện một vụ chuyển quyền sở hữu giả mạo khu phức hợp Capí Hnízdo cho một công ty có cổ đông không được tiết lộ danh tính vào tháng 12-2007 nhằm mục đích nhận tài trợ từ chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của EU. Nếu sở hữu Capí Hnízdo, Agrofert vượt định mức doanh nghiệp nhỏ và vừa, và sẽ không nhận được tài trợ.
Phát hiện của báo cáo OLAF đã gây nên làn sóng phản ứng trong các chính khách đối lập, và cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được tổ chức. Do không nắm đa số ghế tại Quốc hội, chính phủ của ông Babis dễ dàng bị bất tín nhiệm. Ngoài ra, Quốc hội Séc cũng đang dự tính bỏ phiếu tước quyền miễn trừ của ông Babis để cảnh sát tiến hành truy tố ông tội gian lận tài chính.
Thủ tướng Séc Andrej Babis phát biểu tại Quốc hội Séc.
Sự sụp đổ của chính phủ non trẻ đang tạo ra một tình huống “ngã rẽ” bất định ở Công hòa Séc. Có vẻ như tiến trình đàm phán thành lập chính phủ mới sẽ rất khó khăn, bởi các đảng phái đối lập đang tỏ thái độ không đồng tình với ông Babis do những việc ông gây ra trong quá khứ vừa được phơi bày trong một báo cáo gây chấn động của Liên minh châu Âu.
Sự khó khăn trong việc thành lập chính phủ liên hiệp ngay từ đầu là tiền đề cho nhận định rằng, rốt cuộc ông Babis có thể sẽ buộc phải liên minh với đảng cực hữu Tự do và Dân chủ trực tiếp (FDD), hoặc thậm chí có thể với cả đảng Cộng sản Séc. Trong đàm phán liên minh, một điều chắc chắn là mỗi bên tham gia đàm phán sẽ phải chấp nhận “cho đi một ít” để có thể “sống chung” với những người không cùng quan điểm trong liên minh.
Giới phân tích nhận định, cái khó là ở chỗ, Tổng thống Zeman và Thủ tướng Babis thà chịu chấp nhận chính phủ thiểu số chứ không dễ gì chấp nhận “cho đi” phần của mình.
Trước mắt, Babis vẫn nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Milos Zeman, vì cả hai là đồng minh của nhau. Tổng thống Zeman nói, ông sẽ cho Babis thêm một cơ hội để thành lập chính phủ. Tuy nhiên, lời hứa đó có thể trở nên vô nghĩa khi bản thân Tổng thống Zeman cũng đang trong tình trạng khó khăn về chính trị, với kết quả bầu cử tổng thống vòng 1 (diễn ra ngày 13-1) không đạt như mong đợi khiến ông không thể giành chiến thắng ngay mà phải bước vào vòng 2 quyết đấu với đối thủ chính trị đáng gờm là Jiri Drahos vào ngày 26-1 tới.
Drahos năm nay 68 tuổi, có tư tưởng tự do (liberal), là một cựu Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Séc. Ông đã tuyên bố sẽ không chấp nhận bổ nhiệm ông Babis làm Thủ tướng Séc lần nữa nếu ông giành chiến thắng, vì những bê bối tham nhũng, gian lận tài chính bị phanh phui. Vì vậy, có thể xem cuộc bầu cử Tổng thống Séc vòng 2 ngày 26-1 tới là thời điểm quyết định số phận của ông Babis.
Theo CAND