Cấy ốc tai điện tử, “hồi sinh” trẻ câm điếc
(BDO)
Các bác sĩ thăm bé N.K.N. sau ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử
Cứ 1.000 trẻ sinh ra có 1-3 trẻ bị điếc bẩm sinh
Bé N.C.A., con của chị Mai Thùy D. (ngụ TP.Dĩ An) đã 13 tháng tuổi nhưng vẫn không biết nói, biết cười. Bé C.A. ăn ngoan, ngủ ngoan, phát triển đúng tiêu chuẩn “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi” nhưng không thể tương tác với âm thanh và mọi người xung quanh. Đặc biệt ở các mốc phát triển âm thanh, bé không đáp ứng với bất kỳ âm thanh, tiếng động nào.
Nghi ngờ con bất thường, chị D. đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng khám, kiểm tra. Để đánh giá sức nghe chính xác của bé C.A., bác sĩ tiến hành kiểm tra bằng máy đo thính lực. Kết quả khám, đo thính lực cho thấy bé C.A. bị điếc sâu cả hai tai.
Nhận kết quả, chị Mai Thùy D. bị sốc. “Vợ chồng tôi thực sự bị sốc. Tôi nghĩ con mình chậm nói mà không nghĩ con mình bị điếc vì nhà tôi chưa từng có ai bị điếc. Tôi rất hoang mang, các bác sĩ cũng tư vấn gia đình cấy ốc tai điện tử cho bé”, chị D. nói.
Gần đây là trường hợp của bé N.K.N., 30 tháng tuổi, nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương với chẩn đoán “câm điếc bẩm sinh” và những vấn đề về viêm tai. Sau nhiều lần hội chẩn trao đổi tìm giải pháp tốt nhất phù hợp với tình trạng sức khỏe bé N.K.N., các bác sĩ chỉ định thực hiện phẫu thuật cấy ốc tai điện tử. Ca phẫu thuật được thực hiện dưới sự phối hợp và trợ giúp của PGS-TS-BS. Cao Minh Thành, Giám đốc Trung tâm Tai Mũi Họng - Phẫu thuật cấy ốc tai Bệnh viện Đại học Y Hà nội, cùng ê-kíp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Đây là ca cấy ốc tai điện tử đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương dành cho bé 30 tháng tuổi bị mất thính lực bẩm sinh. Sự thành công của ca phẫu thuật không chỉ đem lại niềm vui cho gia đình người bệnh mà đánh dấu bước tiến lớn trong sự phát triển, tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có từ 1-3 trẻ bị điếc bẩm sinh. Điếc bẩm sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt xã hội, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, đặc biệt là ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của các bé.
“Cơ chế của việc hình thành tiếng nói là sự lặp lại những gì trẻ đã được nghe. Đối với một đứa trẻ dù thanh quản bình thường nhưng không nghe được thì trẻ vẫn không thể nói được. Không giao tiếp được sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ và trí tuệ không phát triển, dễ dẫn đến những thay đổi bất thường trong thần kinh tâm lý, trẻ rơi vào tình trạng cô lập, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết.
Cha mẹ cần quan sát phản ứng của trẻ sơ sinh Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, nguyên nhân dẫn đến trẻ bị điếc, ngoài yếu tố di truyền hoặc đột biến gene, quá trình thai kỳ, người mẹ bị nhiễm vi-rút hoặc sinh con không đủ tháng, nhiễm độc thai nghén, ngộ độc thuốc sẽ gây điếc ở trẻ. Để phát hiện trẻ bị điếc, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cha mẹ cần quan sát phản ứng của trẻ xem có chớp mắt, mở mắt, vặn mình, cử động chân tay, giật mình trước những tiếng động hay không. |
Hồi sinh giọng nói
Hiện nay, phẫu thuật cấy ốc tai điện tử đang là phương pháp tối ưu cho trẻ bị câm điếc bẩm sinh từ 1 tuổi trở lên. Đây là phương pháp cho trẻ bị điếc nặng, điếc sâu thường kèm theo câm do không tiếp nhận được âm thanh.
Theo PGS-TS-BS. Cao Minh Thành, Giám đốc Trung tâm Tai Mũi Họng - Phẫu thuật cấy ốc tai Bệnh viện Đại học Y Hà nội: Rào cản lớn nhất là chi phí một ca cấy ốc tai điện tử khoảng 200-600 triệu đồng/một bên tai. Nguyên nhân, những thiết bị cấy ốc tai quá đắt tiền, vượt quá khả năng của nhiều gia đình. Trường hợp em N.K.N., 30 tháng tuổi, rất may mắn được các nhà hảo tâm hỗ trợ toàn bộ chi phí ca mổ.
Bệnh nhi sau khi cấy ốc tai điện tử sẽ phải trải qua thời gian học phục hồi chức năng nghe nói, tỷ lệ nghe nói của trẻ sau cấy ốc tai điện tử là 100%. Trẻ sau cấy ốc tai có thể tái hòa nhập cộng đồng và đi học bình thường, phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.
Cấy ốc tai điện tử là phẫu thuật đưa một thiết bị điện tử vào trong vịnh nhĩ của ốc tai (1 bộ phận của tai trong). Thiết bị này có tác dụng dẫn truyền âm thanh từ môi trường bên ngoài vào, kích thích các đầu mút dây thần kinh thính giác, chuyển các tín hiệu điện âm thanh qua dây thần kinh thính giác để dẫn truyền vào trung tâm nghe ở vỏ não. Trẻ được cấy điện cực ốc tai càng sớm thì sự phát triển ngôn ngữ càng cao, tốt nhất trước 6 tuổi”. (PGS-TS-BS. Cao Minh Thành, Giám đốc Trung tâm Tai Mũi Họng - Phẫu thuật cấy ốc tai Bệnh viện Đại học Y Hà nội) |
KIM HÀ