Cây đinh lăng: Cây sâm của người nghèo!

Thứ tư, ngày 29/12/2010

Từ lâu, cây đinh lăng (ĐL) lá nhỏ đã được người dân trồng phổ biến để làm cảnh, làm rau ăn kèm và làm thuốc. Do có những tính chất như nhân sâm nhưng lại là loại cây dễ trồng, dễ tìm, người dân có thể dễ dàng có được và sử dụng nên danh y Hải Thượng Lãn Ông đã gọi cây ĐL là “cây sâm của người nghèo”. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc những bài thuốc từ cây ĐL do bác sĩ chuyên khoa I Lương Tấn Thông (Chủ tịch Hội Đông y tỉnh) cung cấp:

ĐL là loại cây thảo tái sinh, dễ trồng, dễ uốn tỉa, thường trồng nơi đất ráo thoáng, màu xốp, đào hố to và sâu hạ cây trồng cho nảy nhiều gốc to. Cây ĐL được trồng phổ biến để làm rau gia vị, làm cây cảnh và làm thuốc. Lá ĐL hương thơm nhẹ, vị đậm hơi đắng, bùi, tính mát. Do tính chất này nên dân gian thường dùng làm rau gia vị, lá ĐLthường ăn kèm với mơ tam thể, diếp cá và các loại rau thơm khác trong các món nem chua, tái dê, gỏi cá (nên còn gọi là cây gỏi cá).

Tính chất và tác dụng:

Rễ ĐL vị ngọt có tác dụng bổ ngũ tạng, giải độc, bổ huyết, tăng sữa, tiêu thực, tiêu viêm, tiêu sưng, tăng lực, tăng sức khỏe dẻo dai, hồi phục cơ thể sau suy kiệt, ăn ngủ tốt.

Cách dùng:

Rễ ĐL làm sạch tẩm nước gừng, sấy khô, sau đó tẩm mật sao, thường dùng sao vàng tán bột hoặc ngâm rượu uống bồi bổ sức khỏe, trị suy nhược cơ thể, mất ngủ hay quên, người mỏi mệt, không thích hoạt động.

Rễ hoặc lá sắc cho phụ nữ sau sinh hoặc có thể hái lá tươi nấu canh, nấu cháo ăn tác dụng bồi bổ tăng sữa.

Liều dùng: Ngày 8 đến 12 gam rễ khô.

• Bài thuốc chữa mệt mỏi, biếng hoạt động (theo chuyên đề hướng dẫn và sử dụng thuốc nam của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bình Dương): Dùng rễ ĐL thái mỏng, phơi khô 0,50 gam, thêm 100ml nước đun sôi trong 15 phút, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.

• Bài thuốc thông tia sữa, vú bị căng: dùng rễ ĐL 30 - 40 gam thêm 100ml nước đun sôi trong 15 phút, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.

Một số kinh nghiệm sử dụng ĐL:

1. Chữa nhiệt độc, lở ngứa, mụn nhọt: Dùng lá đinh lăng 40 - 60 gam sắc uống.

2. Chữa đau đầu: ĐL và bạch chỉ sắc uống.

3. Lá ĐL tươi giã đắp chín mé sưng đau.

4. Chữa phong thấp đau, nhức mỏi: Cây ĐL (cả lá thân rễ), cây lá lốt, ké đầu ngựa lượng bằng nhau 30 - 40 gam dạng thuốc sắc uống.

ĐỨC LÊ (ghi)