Cầu truyền hình tái hiện tinh thần quả cảm của quân, dân Thủ đô

Thứ tư, ngày 14/12/2022

(BDO)

Xác máy bay B-52 được trưng bày tại bảo tàng.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, ký ức về trận chiến 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời Hà Nội năm 1972 là ký ức hào hùng nhất.

Chiến thắng có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao, thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Với những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử - những người đã kiên cường, anh dũng bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm, Cầu truyền hình đặc biệt "Bản hùng ca chiến thắng" được phát sóng trực tiếp trên kênh H1, H2, trên sóng FM 90 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các nền tảng số vào 20 giờ ngày 17/12, sẽ đưa khán giả truyền hình trở về thời khắc hào hùng trong lịch sử của dân tộc, 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội của quân dân Thủ đô cách đây 50 năm.

Cầu truyền hình "Bản hùng ca chiến thắng" diễn ra tại 3 điểm cầu Cột cờ Hà Nội - điểm cầu chính; Đài tưởng niệm Khâm Thiên - chứng tích về tội ác trong 12 ngày đêm; Trận địa tên lửa Chèm thuộc xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội - địa danh lịch sử in đậm chiến công của những người lính canh giữ bầu trời Thủ đô. Đây cũng là nơi bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trong chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không.

Qua đó, khán giả có thể nhìn lại xuyên suốt, toàn diện từ tiến trình lịch sử "Sự kiện vịnh Bắc Bộ," đến những thời khắc đầy cam go tại Hội nghị Paris, quân và dân Hà Nội đã đứng lên quyết giành chiến thắng.

Không chỉ được kể lại bằng các phóng sự, tiểu phẩm, chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không còn được tái hiện một cách sống động bằng những câu chuyện đầy cảm xúc của 50 năm trước với những nhân chứng lịch sử, trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội. Đó là câu chuyện về những ngày quân và dân Hà Nội kiên cường, mưu trí, dũng cảm đánh trả cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ.

Câu chuyện của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân-Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng P-35, Đại đội 45, Trung đoàn 291, Sư đoàn Phòng không 365, người đầu tiên kịp thời xác định và thông báo sớm cho Hà Nội trước 35 phút để nhân dân sơ tán và các lực lượng phòng không không quân chuẩn bị đối phó với “pháo đài bay” B-52.

Hay câu chuyện của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Đinh Thế Văn chỉ huy Tiểu đoàn 77 đã bắn hạ 4 chiếc B52, nhiều nhất trong số các đơn vị tên lửa tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong 12 ngày đêm; câu chuyện của Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Tuân - người phi công đã bắn rơi pháo đài bay B52 bất khả chiến bại của đế quốc Mỹ...

Và còn rất nhiều câu chuyện của những con người đã làm nên Hà Nội 12 ngày đêm anh dũng, kiên cường bất khuất. Mỗi câu chuyện của những nhân chứng lịch sử càng cho thấy tinh thần quả cảm, sự mưu trí, dũng cảm, quyết tâm giành thắng lợi của quân và dân Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không chính là bản hùng ca chiến thắng, một kỳ tích của sức mạnh tổng hợp toàn dân, từ thế trận lòng dân, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Riêng với Thủ đô, chiến thắng này trở thành biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đan xen những câu chuyện kể, khán giả sẽ được lắng nghe các ca khúc như "Bản hùng ca một thời chiến thắng," "Hà Nội ngày trở về," "Bài ca Hà Nội," "Tiếng nói Hà Nội," "Hà Nội niềm tin hy vọng," "Hà Nội những đêm không ngủ," "Tên lửa ta đánh rất hay," "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không"... với sự tham gia của các ca sỹ nổi tiếng trong nước, như Nghệ sỹ Ưu tú Hoàng Tùng, Thu Lan, Đinh Trang, Đông Hùng, Quỳnh Lan, cùng Dàn hợp xướng Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Dàn nhạc Thính phòng Thăng Long và Vũ đoàn Hà Nội Trẻ./.

Theo TTXVN