Cầu sắt Lái Thiêu - cầu sắt Phú Long: Dấu xưa Bình Dương cần lưu giữ

Thứ tư, ngày 13/02/2019

(BDO) Khi được hỏi về dấu xưa Bình Dương, những hình ảnh như Tháp đồng hồ của nhà lồng chợ Phú Cường, đình Tân An, đình Phú Long, cầu sắt Lái Thiêu (cầu Phú Long) và nhiều, rất nhiều các công trình kiến trúc gợi nhớ những cột mốc phát triển của Bình Dương từng in đậm trong tâm trí mỗi người dân đất Thủ. Trong số đó, cầu sắt Lái Thiêu kết nối đôi bờ sông Sài Gòn là hình ảnh thân thuộc với nhiều người ở Lái Thiêu nói riêng và Bình Dương nói chung.


Trong chiến tranh, cầu sắt Phú Long bị đánh sập nhiều lần và được phục hồi lại kết cấu thép và 2 trụ bê tông mới để kết nối đôi bờ

Hoài niệm một thời

Cầu Phú Long được xây dựng vào năm 1913. Cùng với cầu Bình Lợi, đây là một trong 2 cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn và là một trong rất ít cây cầu dàn thép được Công ty Eiffel thi công. Đây là cây cầu huyết mạch của tuyến giao thông vang bóng một thời, tuyến đường sắt dài 141km Sài Gòn - Lộc Ninh, từng được người Pháp đặt tên là tuyến đường “vàng trắng”, “con đường cao su” dùng để vận chuyển mủ cao su từ vùng Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Đốp thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Phước) về Sài Gòn để xuất sang Pháp. Năm 1927, tuyến đường này được một công ty tư nhân là Công ty Xe điện Bến Cát - Kratie đứng ra đầu tư xây dựng những đoạn đầu tiên và đến năm 1937 thì hoàn thành, kết nối vào hệ thống hỏa xa Đông Dương. Quy mô của tuyến đường sắt này vào thời kỳ ấy là cực kỳ lớn, nên Pháp đã phải phát hành trái phiếu trên toàn nước Pháp và Đông Dương để có kinh phí xây dựng.

Tuyến đường sắt này có lộ trình khởi hành từ ga Sài Gòn đến ga Gò Vấp, Xóm Thơm (một ga nhỏ nằm ở khu vực mà nay được gọi là ngã tư Ga), rồi qua một vài cây cầu nhỏ trước khi vượt qua cầu sắt Lái Thiêu (bây giờ được gọi là cầu sắt Phú Long) để đến ga Lái Thiêu, tiếp đến là ga Phú Cường (ấp Bọng Dầu - khu vực công viên Phú Cường ngày nay) rồi đến ga Đồng Sổ và về đến ga cuối là ga Lộc Ninh. Nhờ tuyến đường sắt này bộ mặt tỉnh Thủ Dầu Một ngày ấy có nhiều thay đổi. Mỗi ngày, các đoàn hỏa xa đưa hàng trăm tấn cao su và lâm sản về Sài Gòn, đồng thời cũng đưa đi, đón về hàng ngàn lượt khách, dân công-tra (phu đồn điền cao su) qua các ga, làm sôi động thêm các thị tứ.

Từ năm 1949 tuyến đường sắt này không còn đi qua cầu Phú Long và đến năm 1960 thì chính thức ngừng hoạt động. Tuy tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh không còn, nhưng hình ảnh cầu sắt Phú Long vẫn là những kỷ niệm nhắc nhở chúng ta về một cung đường sắt chỉ còn trong ký ức…

Lưu giữ dấu xưa

Cầu sắt Phú Long qua trăm năm đã hằn lên những giá trị văn hóa, lưu giữ sâu đậm bao tình cảm của người dân đôi bờ sông Sài Gòn. Theo thời gian, chắc không còn lại nhiều người để kể cho chúng ta nghe về niềm vui sướng khi được đi trên đoàn xe lửa chạy qua cầu sắt Phú Long và những ai đã từng đi trên những thanh gỗ mặt cầu, ngước nhìn những dàn dầm thép, cái thì thẳng đứng, cái thì xiên xiên, đỡ lấy cây cầu sừng sững vắt qua sông sẽ còn mãi sự hoài niệm về cây cầu gắn với quá trình phát triển của một vùng đất.


Việc di dời cây cầu để đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông trên sông Sài Gòn là tất nhiên, nhưng hãy giữ lại một phần của cây cầu này ngay tại vị trí mà nó đã ra đời để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch

Cầu sắt Lái Thiêu - cầu sắt Phú Long bên cạnh gắn với quá trình phát triển của vùng đất Lái Thiêu còn gắn liền với nhiều địa danh của Bình Dương - Bình Phước. Do vậy, rất nhiều người dân Bình Dương - Bình Phước khi được hỏi đều mong muốn được lưu giữ cầu sắt Lái Thiêu - cầu sắt Phú Long như một vật chứng lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh Thủ Dầu Một xưa và Bình Dương - Bình Phước hôm nay. Việc di dời cây cầu để đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông trên sông Sài Gòn trong quá trình phát triển là tất nhiên, nhưng hãy giữ lại một phần của cây cầu này ngay tại vị trí mà nó đã ra đời để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch hoặc di dời để cây cầu này được tiếp tục bắc qua một con rạch ở Lái Thiêu hay hồ nước Công viên Trung tâm Thành phố mới Bình Dương… là nguyện vọng tha thiết của nhiều người.

Một khi cây cầu này được lưu giữ, tôn tạo gắn với những công trình mỹ thuật, khu trưng bày ngoài trời bên cạnh cây cầu sẽ tạo ra điểm nhấn văn hóa cho khu vực mà nó được lưu giữ. Hãy để cầu sắt Lái Thiêu - cầu sắt Phú Long tiếp tục sứ mệnh kết nối những ký ức của quá khứ với hiện tại và tương lai, gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương.

T.LIÊM - Q.CHIẾN