Cầu Phú Long làm mát lòng dân

Thứ năm, ngày 02/02/2012

Những ngày đầu năm mới này, không chỉ những cán bộ, kỹ sư, công nhân xây dựng công trình đường dẫn vào cầu Phú Long vui mừng phấn khởi vì hoàn thành nhiệm vụ khó khăn, quan trọng trước kế hoạch, mà bà con nhân dân sống dọc hai bên tuyến đường này cũng vui mừng vì được đón cái tết đầu tiên với cây cầu mới và đường sá khang trang sau hàng chục năm sống trong xóm nhỏ, đường đất.

Yêu cầu cao, kỹ thuật hiện đại

Cầu Phú Long là một trong ba cây cầu quan trọng bắc qua sông Sài Gòn nối liền Bình Dương với TP.HCM nên vừa mang tính giao thông nội vùng, vừa mang tính liên vùng, liên khu vực giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với miền Tây Nam bộ nhờ rút ngắn khoảng cách, thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực, giá trị cạnh tranh hàng hóa, nên được xếp vào nhóm công trình trọng điểm giao thông.   Lãnh đạo TP.HCM và Bình Dương tham quan cầu Phú Long

Ông Lê Văn Leo, Tổ trưởng tổ 2, khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An có nhà nằm trong vùng giải tỏa để xây dựng công trình, phấn khởi cho biết phương án ban đầu chọn đầu cầu phía trên thượng nguồn, gần cầu cũ, nhưng do vướng quá nhiều nhà ở và công trình nên cấp trên yêu cầu điều chỉnh về phía hạ lưu cho phù hợp với độ dốc của cầu và ít giải tỏa vì vùng này phần lớn người dân sống bằng nghề trồng hoa lài, cây kiểng. Được công trình lớn thế như thế này đi qua, gia đình ông phấn khởi vì vừa được ra mặt tiền sinh sống sau mấy chục năm nay sống trong xóm nhỏ, đi lại bằng đường đất khó khăn; vừa có cơ hội thay đổi nghề nghiệp”.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TX.Thuận An Nguyễn Thanh Tâm, cho biết trước yêu cầu về thời gian và chất lượng công trình, đơn vị tư vấn thiết kế phải chọn phương án thi công công nghệ cừ cát mới bảo đảm thời gian, tiến độ và chất lượng. Từ đó cũng đòi hỏi năng lực, kỹ thuật của nhà thầu và phải qua các khâu lựa chọn cẩn thận, đúng quy định. Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt Nguyễn Hữu Huynh, đơn vị thi công công trình, mô tả: “Mỗi cọc cừ cát phải khoan sâu từ 20 - 25m vào lòng đất để ép cát thành một khối vững chắc làm nền móng. Đó chỉ là phần móng, còn phần tôn cao mặt đường từ 2m trở lên cũng bằng cát. Nếu dùng phương tiện xe lu thông thường thì phải mất thời gian cả năm mới lu xong đoạn đường này vì phải lu theo từng lớp với độ dày tối đa từ 0,5 - 0,7m. Trong khi đó, thời gian thông xe kỹ thuật được lãnh đạo hai địa phương thống nhất chậm nhất là ngày 31-12-2011, nên chúng tôi phải dùng thiết bị hạng nặng, chuyên dùng là xe lu rung để xử lý mặt đường nhằm bảo đảm yêu cầu kỹ thuật trong thời gian rất ngắn”.

Công trình làm mát lòng dân

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TX.Thuận An Nguyễn Thanh Tâm, cho biết: “Toàn bộ công trình có 65 hộ giải tỏa một phần hoặc giải tỏa trắng, hầu hết bà con đều chấp hành chủ trương và hợp tác tốt với địa phương để bàn giao mặt bằng thực hiện công trình. Trong đó có 7/10 hộ bị ảnh hưởng nặng, nhưng bà con đều vui vẻ chấp nhận phương án di dời do địa phương đề ra nhằm bảo đảm công trình về đích đúng tiến độ”.

Hộ bà Huỳnh Thị Tuyết Nga là một trong hai hộ có nhà bị ảnh hưởng nặng nhất vẫn vui vẻ nói: “Trước đây mình ở nhà lớn nhưng nằm sâu trong đường nhỏ, đi lại khó khăn, ngập nước. Bây giờ có đường lớn, ra mặt tiền có cơ hội làm ăn thì thu nhỏ nhà lại chút ít cũng không ảnh hưởng gì mà còn góp phần cùng Nhà nước, chính quyền địa phương làm nên công trình to đẹp, tiện lợi này. Tôi và các con rất vui nên đã hợp tác tích cực với cán bộ chính quyền địa phương về phương án đền bù để công trình nhanh chóng hoàn thành. Chúng tôi rất phấn khởi vì công trình Cầu Phú Long là công trình lớn, mang tầm vóc khu vực, góp phần làm đẹp quê hương xứ sở mình nên hầu hết những người bị giải tỏa như gia đình chúng tôi đều rất mát lòng”.

Cùng vui với các hộ trong vùng giải tỏa để xây dựng công trình như hộ ông Leo, bà Nga là niềm vui chung của người dân hai bờ đầu cầu Phú Long vì giờ đây họ có thể đi lại dễ dàng. Hơn thế nữa, cầu Phú Long còn đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Bình Dương và TP.HCM, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, góp sức vào phát triển kinh tế vùng giữa miền Đông, miền Tây và khu vực Tây nguyên... kể từ mùa xuân này. Kết quả đó được ông Tâm đúc kết: “Công tác vận động giải tỏa đền bù là rất khó khăn, phức tạp nếu chúng ta không thấu hiểu, chia sẻ với bà con, cứng nhắc trong áp dụng, vận dụng chủ trương. Tuy nhiên, cũng sẽ rất thuận lợi nếu có sự phối hợp, hỗ trợ tốt giữa chính quyền các cấp để tạo nên sự đồng thuận, từ đó phía Nhà nước có công trình còn người dân thì mát lòng mát dạ vì được tái định cư và có cơ hội làm ăn mới”.

DUY CHÍ