“Cầu nối” giúp người lao động không bị lừa khi tìm việc

Thứ sáu, ngày 25/03/2016

(BDO) Trong các số báo ra ngày 21 và 22-3, báo Bình Dương đăng tải loạt bài phóng sự điều tra “Tái diễn tình trạng lừa đảo người lao động (NLĐ)”, phản ánh tình trạng nhiều đối tượng dán các tờ rơi quảng cáo tuyển lao động phổ thông với tiền công “ảo” để lừa người tìm việc. Nhiều bạn đọc đã hoan nghênh loạt bài viết này, đồng thời mong muốn có một kênh tìm việc làm uy tín để họ liên lạc mà không còn nỗi lo bị “sập bẫy”.

P.V Báo Bình Dương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Bình Dương (gọi tắt là trung tâm) về những vấn đề liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng lao động cũng như công tác tuyên truyền đến người dân để NLĐ đề phòng những hành vi, thủ đoạn của các đối tượng tuyển dụng theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Để giúp các ứng viên hiểu rõ về nhu cầu của các công ty tuyển dụng, nhân viên ở Trung tâm DVVL Bình Dương luôn tận tụy giải thích, tư vấn giúp nhiều NLĐ tìm được việc làm phù hợp

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Bình Dương cho biết, trong nhiều năm nay, trung tâm được xem là “cầu nối” giữa NLĐ với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trung tâm đã tổ chức hàng trăm sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để giữa bên “cung” và bên “cầu” lao động được thỏa thuận và đi đến thống nhất, ký kết hợp đồng. Hiện nay, trung tâm điều hành hai trang website: www. vieclambinhduong.vn và www. vlbinhduong.vieclamvietnam. gov.vn để đăng tải những thông tin tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp cũng như lý lịch bản thân, nguyện vọng của người tìm việc. Đây được xem là kênh kết nối hữu ích để giải quyết việc làm cho NLĐ.

Một cán bộ Sở LĐ- TB&XH tỉnh cho biết, trung bình mỗi năm Bình Dương đã giải quyết việc làm mới cho gần 60.000 lao động. Cũng theo vị cán bộ này, nhằm ngăn ngừa tái diễn tình trạng lừa đảo NLĐ, Sở LĐ-TB&XH tỉnh sẽ chỉ đạo các Phòng LĐ- TB&XH huyện, thị, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý những trường hợp liên quan đến vấn đề này.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phương, trung bình mỗi năm có gần 60.000 lao động trên cả nước đến Bình Dương tìm việc làm thông qua dịch vụ giới thiệu việc làm của trung tâm. “Khi phát hiện những công ty “ma”, công ty đa cấp đăng tin tuyển dụng lao động trên 2 trang website của đơn vị, ngay lập tức chúng tôi vào cuộc điều tra. Nếu xác minh có sự dối trá, lừa đảo NLĐ thì chúng tôi nghiêm cấm những công ty, doanh nghiệp đó đăng tin trên 2 trang website này. Từ thực tế cho thấy, chiêu trò của những công ty, doanh nghiệp lừa đảo NLĐ là thông báo tuyển công việc nhẹ nhàng nhưng trả lương cao để NLĐ sập bẫy lừa. Song song với công tác này, nhiều năm qua đơn vị đã mở sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến cho hàng ngàn doanh nghiệp và NLĐ gặp nhau nhằm trao đổi thông tin về nhu cầu của các bên. Vì thế, đây được xem như “chợ việc làm” được trung tâm tổ chức 2 lần/tháng”, ông Nguyễn Thanh Phương cho biết.

Liên quan đến công tác ngăn ngừa, đấu tranh với những đối tượng xấu tự đặt tên công ty, đăng tin tuyển dụng rồi lừa đảo NLĐ phổ thông như P.V đã phản ánh trong phóng sự điều tra “Tái diễn tình trạng lừa đảo NLĐ”, ông Nguyễn Thanh Phương cho rằng: “Để NLĐ ngoại tỉnh khi đến Bình Dương tìm việc không bị sập bẫy của những đối tượng xấu giới thiệu việc làm theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, theo tôi ngành chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ với các đơn vị liên quan, nhất là chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc lừa đảo NLĐ để điều tra xử lý đối tượng”.

Đề cập đến vấn đề công tác tuyên truyền, nhằm đưa thông tin tuyển dụng lao động cũng như thông tin về các hành vi lừa đảo trong việc tuyển dụng thông qua 2 trang website, ông Nguyễn Thanh Phương cho biết, thời gian qua trung tâm thường xuyên đăng tin chỉ rõ những hành vi tuyển dụng lừa đảo của các đối tượng xấu. Song song với công tác này, trung tâm cũng phát trên hệ thống loa phát thanh ở các địa phương về các hành vi thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác phối hợp với các ban, ngành đoàn thể ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh để đưa thông tin về hành vi lừa đảo của các đối tượng xấu đến người ở trọ, giúp họ nâng cao tinh thần cảnh giác.

Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã mở 4 sàn giao dịch việc làm với sự tham gia của 400 công ty, doanh nghiệp. Qua 4 phiên giao dịch việc làm trực tiếp, đã có gần 10.000 NLĐ được giới thiệu việc làm đúng theo khả năng với mức lương trên 3,5 triệu đồng/tháng.

 Hiện nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Dương đang điều hành 2 trang website: www.vieclambinhduong. vn
www.vlbinhduong.vieclamvietnam.gov.vn để đăng tải những thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng như lý lịch bản thân, nguyện vọng của người tìm việc. Đây được xem là kênh kết nối hữu ích để giải quyết việc làm cho NLĐ.

 

THANH QUANG