Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân chết do tai nạn giao thông:

Cầu nguyện cho người đã khuất, cảnh tỉnh người ở lại

Thứ bảy, ngày 11/11/2017

(BDO) Phần lớn nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) được thống kê do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông khi điều khiển phương tiện không chấp hành các quy định, nguyên tắc an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn, nhất là tai nạn gây chết người nguyên nhân do những con đường xuống cấp, hư hỏng chưa kịp sửa chữa, khắc phục.


Lực lượng CSGT Công an tỉnh ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn trên quốc lộ 13 nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các tài xế “quá chén” gây nguy hiểm cho người đi đường.
Ảnh: M.DUY

Tai nạn giao thông, hậu quả đau lòng!

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết trong 10 tháng năm 2017, tuy số vụ tai nạn đều giảm trên 3 tiêu chí nhưng trên cả nước đã xảy ra 16.167 vụ tai nạn, làm 6.827 người tử vong và 13.281 người bị thương. Trong khi đó, theo ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương, cho biết trong 10 tháng năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 1.438 vụ tai nạn, làm chết 268 người và bị thương 1.468 người. Nguyên nhân các vụ TNGT được xác định do ý thức của người tham gia giao thông chưa chấp hành nghiêm các quy định, nguyên tắc ATGT để xảy ra các vụ TNGT đáng tiếc.

Đến giờ, vụ xe khách mất lái tông hàng loạt người trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn hồi đầu năm vẫn còn ám ảnh những người đi đường. Khoảng 17 giờ chiều 13-2- 2017, tài xế Trần Hữu Tài (30 tuổi, quê Hậu Giang) chạy ô tô khách 24 chỗ trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, hướng từ Đồng Nai về Bình Dương. Khi đến ngã tư Cây Da thuộc TX.Dĩ An, ô tô bất ngờ húc ô tô bán tải, sau đó tông hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ phía trước. 4 xe máy bị ô tô kéo lê hàng chục mét, hư hỏng nặng. Chiếc xe gây tai nạn chỉ dừng lại khi sau khi tông vào cột đèn bên đường. Trong số các nạn nhân có hai cháu Nguyễn Thị Kim L. (9 tuổi) và Nguyễn Thị Thanh N. (20 tháng tuổi) được mẹ đón về sau giờ tan học tử vong tại chỗ. Vụ việc sau đó đã được cơ quan chức năng khởi tố vụ án. Thế nhưng đến nay nỗi đau thương, mất mát của gia đình những nạn nhân không có gì bù đắp được.

TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu do ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, không ít vụ việc xảy ra do chính nạn nhân chủ quan tự gây nạn cho chính mình. Không kể những khu vực đô thị có mật độ dân cư, phương tiện qua lại đông đúc, ngay cả những vùng quê, những con đường vắng cũng xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Điển hình vào khoảng 17 giờ ngày 27-7, trên đường DH507, thuộc ấp 3, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo đã xảy ra một vụ TNGT do xe máy tông vào đầu xe tải, khiến 2 người tử vong. Ông Lê Văn Q. ngụ xã An Linh, huyện Phú Giáo điều khiển xe máy chở ông Nguyễn Văn T. lưu thông trên đường DH507, hướng từ UBND xã Tân Hiệp. Khi đi đến đoạn đường trên thì ông Q. điều khiển xe máy vượt một chiếc xe tải đang lưu thông cùng chiều. Do thiếu quan sát và không làm chủ được tốc độ, xe máy của ông Q. đã đâm trực diện vào đầu xe tải do tài xế Nguyễn Xuân Tiệp (SN 1990, ngụ quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) điều khiển theo hướng ngược lại. Hậu quả khiến cả hai nạn nhân đều tử vong sau đó.

Trong số các nguyên nhân xảy ra TNGT, theo thống kê của Ban ATGT Quốc gia, có hơn 80% các vụ TNGT là liên quan đến người điều khiển phương tiện có uống rượu, bia. Điều này cho thấy vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông chưa ý thức được việc gìn giữ, bảo vệ sự an toàn cho chính bản thân mình và cho người khác để dẫn đến những hậu quả gây đau thương, mất mát cho gia đình và cộng đồng xã hội.

Cầu nguyện cho người đã khuất, cảnh tỉnh người ở lại!

Năm nay, Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2017 sẽ được tổ chức tại chùa Hội An (thành phố mới Bình Dương). Đại lễ do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp cùng cùng sở, ban ngành và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương tổ chức tại Bình Dương. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, hoạt động này cũng có ý nghĩa thiết thực trong công tác tuyên truyền đến người dân Bình Dương để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cũng như từng bước hình thành nét văn hóa giao thông trong sinh hoạt hàng ngày nhằm góp phần cùng tỉnh nói riêng và cả nước nói chung kéo giảm số vụ TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, ngoài những yếu tố chủ quan của con người, trong đó nhiều người dân cho rằng, một số dự án giao thông tiến độ còn thậm, quy trình thủ tục xây dựng cơ bản kéo dài khiến nhiều tuyến đường hư hỏng là một phần nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT.

Phân tích về nguyên nhân các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua, tại buổi họp báo mới đây, ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết, Bình Dương là địa bàn có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua như QL13, QL1A, QL1K, do đó lượng phương tiện trung chuyển, đi qua địa bàn tỉnh với mật độ rất lớn, nhất là nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa về các khu công nghiệp, các bến cảng. Trong khi đó nhiều tuyến đường giao thông có dấu hiệu quá tải, xuống cấp, gây mất ATGT. Tuy nhiên, những yếu tố khách quan như đường hỏng, nhất là các con đường “đau khổ”, con đường “tử thần” mà báo chí nêu thường xảy ra các vụ TNGT gây chết như tuyến ĐT743, trước đây thuộc dự án BOT nay được tỉnh mua lại thì việc duy tu, sửa chữa hay nâng cấp đều phải tuân thủ đúng quy trình, thủ tục trong đầu tư xây dựng cơ bản.

“Ngay cả việc duy tu sửa chữa, dặm vá “hố voi”, “ổ gà” trên một tuyến đường cũng phải mất tiền tỷ. Chúng tôi cũng không thể bỏ qua các thủ tục theo quy định”, ông Trần Bá Luận chia sẻ về những khó khăn trong việc triển khai nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường.

Có thể nói, Đại lễ cầu siêu 2017 được tổ chức tại Bình Dương, ngoài ý nghĩa tâm linh, hoạt động này còn nhằm cảnh báo cho cộng đồng xã hội về những hậu quả đau thương do TNGT. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, các nguyên tắc an toàn khi tham gia giao thông. Từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng dân cư, góp phần đưa giao thông trên địa bàn đi vào nề nếp; giảm thiểu các vụ TNGT gây chết người. Hoạt động này còn cảnh tỉnh cho những người còn sống phải biết trân quý sức khoẻ, tính mạng của chính mình và cho người khác khi tham gia giao thông.

Theo Ban ATGT Quốc gia, trong 10 tháng năm 2017, tuy số vụ tai nạn đều giảm trên 3 tiêu chí nhưng cả nước đã xảy ra 16.167 vụ tai nạn, làm 6.827 người tử vong và làm 13.281 người bị thương. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra 1.438 vụ TNGT, làm chết 268 người và làm bị thương 1.468 người. Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân được tổ chức ngày 11-11 tại chùa Hội An (thành phố mới Bình Dương) dự kiến hơn 10.000 tín đồ, phật tử và người dân tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận sẽ đến tham gia cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do TNGT. Đây là năm thứ 6, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức Đại lễ cầu siêu hưởng ứng lời kêu gọi của Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT.

 

 MINH DUY