Câu lạc bộ trồng cây chuối lấy lá thay túi nylon: Vì một môi trường xanh
Ra đời với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) trong cộng đồng, Câu lạc bộ (CLB) Trồng cây chuối lấy lá thay túi nylon ở phường An Thạnh (TX.Thuận An) đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh góp phần BVMT, hiệu quả kinh tế đem lại từ cây chuối khá cao. Nhờ vậy, từ 68 thành viên ban đầu đến nay CLB đã tăng lên 98 thành viên.
Người trồng... vui!
Chị Đặng Thị Minh Thu, ở khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh nhiều năm trồng cây chuối nói, chuyện ngập lụt, ô nhiễm môi trường như hiện nay thì việc trồng cây chuối sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây măng cụt, sầu riêng và dâu... (những loại cây từng làm nên thương hiệu đặc sản trái cây Lái Thiêu). Bởi trồng cây chuối, người dân tận dụng hết từ lá, hoa, trái đến thân. Đặc biệt vào mùa nắng, mùa tết, lá chuối càng hiếm. Thấy được lợi ích của nó, nên khi Hội LHPN phường tuyên truyền thành lập CLB Trồng cây chuối lấy lá thay túi nylon, chị đã tích cực tham gia. Chị nói: “Với khoảng 200 - 300 cây chuối trồng xen trong vườn cây ăn trái thì sẽ đem về khoảng 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, cây chuối rất ít tốn công chăm sóc và thu hoạch.
Anh Võ Phước Linh sử dụng lá chuối thay thế túi nylon
Chị Trần Ngọc Thu, ở khu phố Thạnh Lộc, cho biết thêm trồng cây chuối, nông dân có thu nhập thường xuyên. Ngay từ vườn chuối của chị, cứ 10 ngày thu hoạch lá một lần, chưa tính đến việc thu hoạch từ trái chuối. Hiệu quả từ phát triển cây chuối cộng thêm sự hỗ trợ của CLB đã làm cho chị an tâm với cuộc sống.
Tiểu thương phấn khởi
Một trong những điển hình tiểu thương dùng lá chuối gói hàng là vợ chồng anh Võ Phước Linh ở khu phố Thạnh Bình. Anh Linh làm phép tính: “Trước đây, mỗi ngày, tôi sử dụng 2,5kg túi nylon để gói hàng. Nếu tính giá hiện tại 28.000 đồng/kg thì tốn hết 70.000 đồng/ngày. Bây giờ, tôi chuyển sang dùng lá chuối thay thế, chi phí ít hơn, chỉ khoảng 40.000 đồng. Ban đầu sử dụng, người tiêu dùng không thích sử dụng lá chuối gói hàng vì không thuận tiện như túi nylon (có tay cầm, không bị chảy nước...), nhưng giải thích mãi, người tiêu dùng hiểu và chấp nhận.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Từ Thiện, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường An Thạnh cho biết, CLB Trồng cây chuối lấy lá thay túi nylon được thành lập từ tháng 6-2011 với 68 thành viên. Bằng những việc làm thiết thực, CLB đã giúp người dân nâng cao ý thức BVMT trong cộng đồng. CLB sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần hoặc lồng ghép nội dung sinh hoạt trong các buổi họp của hội phụ nữ. Ban Chủ nhiệm CLB cũng đã tập trung tuyên truyền về công tác BVMT, khuyến khích các thành viên và hội viên phụ nữ trồng cây chuối lấy lá để hạn chế và thay thế sử dụng túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày. Nhờ vậy đến nay, CLB đã tăng lên 98 thành viên, đồng thời còn thành lập 2 tổ tuyên truyền tiểu thương sử dụng lá chuối thay túi nylon. Điều đáng mừng là từ 5 tiểu thương sử dụng lá chuối để gói hàng ban đầu nay đã tăng lên 30.
Đất đai An Thạnh phù hợp với cây chuối, vì vậy việc trồng cây chuối lấy lá sử dụng thay thế túi nylon là việc làm không khó. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả cần đẩy mạnh tuyên truyền để người trồng, tiểu thương và người tiêu dùng cùng ý thức để chung tay BVMT, vì một môi trường xanh.
Trồng cây chuối lấy lá thay túi nylon là một hoạt động nằm trong chương trình BVMT của Hội LHPN tỉnh do Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ. Theo đó, mỗi hộ gia đình tham gia mô hình trồng cây chuối lấy lá được hỗ trợ 300.000 đồng và đến nay, An Thạnh cũng đã hỗ trợ cho 40 hộ trồng chuyên một loại cây chuối.
THU THẢO