Câu lạc bộ Nữ kháng chiến tỉnh Bình Dương: Một thời để nhớ
(BDO) Sau quá trình chuẩn bị chu đáo, sáng nay (22-12), Ban vận động (BVĐ) thành lập Câu lạc bộ Nữ kháng chiến (CLB NKC) tỉnh Bình Dương tổ chức Đại hội đại biểu Nữ kháng chiến tỉnh Bình Dương khóa I, nhiệm kỳ 2015-2020. Đây là nơi tập hợp những người phụ nữ đã từng tham gia kháng chiến trước ngày 30-4- 1975 để cùng nhau gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm của những năm tháng hào hùng đã qua, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay.
Những đội quân tóc dài
Chiến tranh đã lùi xa. Những nam thanh nữ tú ngày xưa giờ đây đã lên chức ông, chức bà và cũng có nhiều người đã đi về cõi vĩnh hằng. Với những người còn sống, ký ức năm tháng hào hùng trong chiến tranh vẫn còn sống mãi. Đó là những trận bom, trận càn, địch nhiều lần chà đi xát lại để tiêu diệt lực lượng của ta… Bà Huỳnh Kim Oanh, Trưởng BVĐ thành lập CLB NKC tỉnh Bình Dương cho biết, trong 2 cuộc chiến tranh chống xâm lược, Bình Dương có vị trí hết sức quan trọng về chiến lược quân sự nên cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều tập trung lực lượng khí tài để chiếm giữ vùng đất này. Giữa ta và địch luôn ở thế giằng co ác liệt... Trong tình hình đó, có biết bao chị em phụ nữ đã đứng lên chống giặc, ủng hộ kháng chiến, nuôi giấu bộ đội. Những đội nữ du kích Thanh Tuyền, nữ pháo binh Châu Thành, Tân Uyên... đã làm nên biết bao chiến công rực rỡ ở Dầu Tiếng, Bến Súc, Bàu Bàng... Nhiều chị em nội ứng cũng đã dũng cảm diệt chỉ huy ác ôn, hạ đồn, vận động binh sĩ mang vũ khí về với gia đình hoặc gia nhập hàng ngũ kháng chiến. Dù ở cương vị nào, tiền tuyến hay hậu phương, các chị cũng đều tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ban liên lạc Nữ kháng chiến tỉnh Bình Dương ra mắt tại buổi lễ họp mặt biểu dương nữ kháng chiến tiêu biểu năm 2015. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Và đặc biệt, trong chốn lao tù, các chị vẫn một lòng theo Đảng, từng phút giây đấu tranh với mọi thủ đoạn dã man của địch mà không hề khuất phục. Điển hình như bà Nguyễn Thị Hoa (phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một), người đã từng trải qua 16 năm trong chốn lao tù, từ khám đường Bình Dương, nhà tù Phú Lợi, đến Chí Hòa, Côn Đảo... Với bà, mỗi nhà tù đi qua là những trận đòn tra tấn vô cùng dã man của địch. Như lời bà Nguyễn Thị Hoa tâm sự: “Hơn 40 năm trôi qua mà cứ ngỡ như mới hôm qua. Bởi những vết thương chiến tranh, những trận đòn roi, tra tấn dã man vẫn thường xuyên nhức nhối”. Nhưng điều mà đến hôm nay, bà Nguyễn Thị Hoa vẫn tự hào nhất là: “Không có thứ cực hình nào mà tôi không từng nếm trải, từ cú đánh lên gối; máy điện giật chết đi sống lại; đánh bằng roi gân bò, chày vồ; đổ nước xà bông cho đến ngợp, khi tỉnh lại bị trói ngược hai tay rồi treo lơ lửng trên sàn nhà…”. Nhưng với ý chí kiên trung của một người cộng sản, bà đã chịu đựng, không hề khai ra một lời và còn tham gia nhiều cuộc biểu tình, phản đối chế độ trong nhà tù đế quốc.
Thời gian không chờ đợi
Bà Huỳnh Kim Oanh cho biết, trải qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, chúng ta đã giành thắng lợi, thống nhất nước nhà. Vinh quang là vậy, song đau thương, mất mát mà các mẹ, các dì, các chị đã trải qua không thể kể hết. Ngoài những trận đòn roi vô cùng dã man trong chốn lao tù, những vết thương hằn sâu trên thân thể thì còn những nỗi đau về tâm hồn không có gì diễn tả được. Đó là hình ảnh những người mẹ, người vợ đau đáu nhìn chồng, con ra đi không ngày trở về... Và đến lúc này, thì thời gian không còn chờ đợi. Vì vậy, BVĐ thành lập CLB NKC tỉnh Bình Dương đã ra đời nhằm tập trung những chị em kháng chiến vào tổ chức với mong muốn CLB là một mái nhà chung. Ở đó, các hội viên cùng an ủi, động viên, chăm lo vật chất lẫn tinh thần để cuộc sống của những ngày còn lại của cuộc đời mỗi người thêm ý nghĩa hơn.
Bà Huỳnh Kim Oanh cho biết: “Đến thời điểm này, BVĐ thành lập CLB NKC tỉnh Bình Dương đã thành lập được 8 Ban liên lạc ở 8 huyện, thị, thành phố (còn lại huyện Bàu Bàng vì số lượng nữ kháng chiến quá ít), đã vận động được gần 750 NKC tham gia. Và trong đại hội hôm nay, CLB NKC đề ra phương hướng là tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban liên lạc các huyện, thị, thành phố vững mạnh, làm nòng cốt trong các phong trào thi đua cho địa phương phát động; đồng thời tăng cường học tập chính trị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước để kịp thời nắm bắt tình hình, bảo đảm tham gia sinh hoạt chính trị tại địa phương, nhất là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các dì, các mẹ sẽ luôn là “cây cao bóng cả” che chở, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và cả ý chí vươn lên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
CLB NKC hoạt động theo tôn chỉ, mục đích là tổ chức được thành lập trên tinh thần tự nguyện của những người từng tham gia kháng chiến trước ngày 30-4-1975 nhằm tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn với tinh thần lạc quan, tin tưởng để tiếp tục cống hiến theo khả năng và phục vụ gia đình, xã hội. Hoạt động của CLB NKC nhằm phát huy những giá trị truyền thống, đức tính và phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
THU THẢO