Cậu học trò nghèo nuôi ước mơ đổi đời
(BDO) Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vừa qua, nhiều học sinh (HS) tỉnh nhà đạt được số điểm khá cao, song chúng tôi cố lục tìm những HS hiếu học có hoàn cảnh khó khăn để lần giở con đường chinh phục ước mơ của các em. Thật xúc động biết bao khi chúng tôi biết được trường hợp của cậu học trò nghèo Nguyễn Thành Kỳ, nguyên là HS trường THPT Võ Minh Đức (TP.Thủ Dầu Một) mất mẹ ngay khi em bắt đầu bước vào kỳ thi quan trọng. Vượt qua nỗi đau, em đã đạt 22,15 điểm ở khối xét tuyển đại học, có khả năng đậu vào trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh.
Ngoài giờ học ở trường, về nhà Kỳ còn phụ ba sửa, vá xe
Nén nỗi đau đến trường thi
Chúng tôi tìm đến nhà em Kỳ ở khu phố 4, phường Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một) khi mẹ em mất mới hơn 1 tháng. Trên bàn thờ khói hương vẫn còn nghi ngút. Người mẹ em rất mực kính yêu nay đã về trời, nhưng em có cảm nhận hương hồn mẹ vẫn còn quanh quẩn đâu đó và dõi theo bước tiến của đứa con trai hiếu thảo, ham học. Sự mất mát to lớn này của gia đình khiến cho ngôi nhà càng trở nên im ắng lạ thường. Với Kỳ, nỗi đau này không biết bao giờ mới nguôi ngoai, bởi mẹ em ra đi quá đột ngột vì cơn đột quỵ. Đau đớn hơn, mẹ của em mất ngay ngày thí sinh đến điểm thi làm thủ tục dự thi THPT quốc gia. Chịu tang mẹ trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời, thật không có nỗi đau nào sánh được.
Dù không muốn khơi gợi lại nỗi đau, nhưng Kỳ cũng kể cho chúng tôi nghe về thời khắc mẹ em… ra đi. “Đó là vào buổi sáng ngày 24-6, mẹ em kêu nhức đầu, thế là ba giục mẹ thay quần áo để ông chở đi bệnh viện. Nhưng ba chưa kịp đưa đi là mẹ đã đột quỵ. Cả em và ba như chết đứng bởi cái chết tức tưởi của mẹ. Cũng trong chiều ngày hôm ấy, các thí sinh đến trường làm thủ tục dự thi, nhưng trong tình thế này, em đã xin phép trưởng điểm thi được vắng mặt”, Kỳ kể lại.
Kỳ thay mẹ cùng cha chăm sóc đứa em bị bệnh bại não
Qua 12 năm đèn sách, kỳ thi THPT quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định bước ngoặt cuộc đời, vậy mà em bước vào kỳ thi với cú sốc lớn. Nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng nếu em bỏ thi thì con đường tương lai của em sẽ chậm lại. Ông Nguyễn Thành Sang, ba của Kỳ buồn buồn nói: “Cha con tôi đau đớn trước mất mát này, nhưng tôi và người thân động viên con nuốt nước mắt vào trong để tham gia kỳ thi THPT quốc gia”. Thương công lao khó nhọc của cha mẹ và để mẹ yên nghỉ nơi chín suối, Kỳ gạt nước mắt đi thi. Những cái ôm chầm động viên an ủi của thầy cô, bạn bè, là nguồn động viên to lớn để em gắng gượng vượt qua tổn thất khó nguôi ngoai này. Rời trường thi em lại trở về chịu tang mẹ. Cứ như vậy, Kỳ cố gắng hoàn thành các bài thi. Kết quả, ở khối xét tuyển đại học A00, em đạt tổng 3 môn là 22,15 điểm, trong đó môn toán 8,4 điểm, vật lý 7 điểm, hóa học là 6,75 điểm. Hóa học là môn sở trường của em, với điểm trung bình môn trong năm học trên 9 điểm. “Trong ngày thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên, hoàn thành môn vật lý, em bị đuối sức nên rất tiếc vì làm không tốt ở môn hóa học. Em chọn ngành kỹ thuật xây dựng của trường đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Năm 2018, điểm xét tuyển ngành này là 22 điểm, năm nay em đang hồi hộp chờ đợi điểm chuẩn. Nếu vuột cơ hội này, nguyện vọng 2 của em là trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh”, Kỳ kể.
Hoàn thành một nửa ước mơ
Trong căn nhà nhỏ trên đường Lò Chén của gia đình em, vừa là nơi ở, vừa là chỗ mưu sinh của gia đình. Ba em làm nghề sửa xe, thu nhập không ổn định, mẹ em làm nội trợ. Kỳ còn có 2 đứa em, một em đã mất vào năm 2017 vì bị bệnh bại não, còn 1 em gái năm nay 10 tuổi cũng mắc căn bệnh này. Với 2 thành viên bị bệnh ngặt nghèo, cuộc sống của gia đình em vô cùng chật vật, nên địa phương đưa vào diện hộ nghèo của phường Chánh Nghĩa. Từ khi mẹ em qua đời, cuộc sống của mấy cha con có nhiều thay đổi, Kỳ thay mẹ chăm sóc em, nấu ăn cho gia đình. Kỳ kể, có lẽ linh tính mách bảo, trước đó mẹ em đã dạy em nấu một số món ăn, cùng với sự giúp đỡ của người thân nên cha con đỡ bị lúng túng trong mấy ngày qua.
Thấy cha mẹ chạy gạo từng bữa lo cho cả gia đình vẫn không thoát được cảnh nghèo, người con hiếu thảo ấy càng thương đấng sinh thành gấp bội. Cứ sau giờ học em lại phụ ba bơm, vá xe, làm việc nhà, chăm sóc em bị bệnh tật. Mơ về một tương lai tốt đẹp, Kỳ luôn cố gắng học tập thật tốt, trong 3 năm học cấp III em đạt học sinh khá, giỏi. Em nói, cứ mỗi đầu năm học, em tự xếp mình đứng ở cuối lớp và phấn đấu học tập để nâng dần thứ hạng. Em thú vị với trò chơi học tập này, giúp em đạt kết quả tốt ở các môn học.
Trên bước đường học tập của Kỳ luôn có sự giúp đỡ tận tình của thầy cô và bạn bè. Em tâm sự, thầy cô đã giúp đỡ em về vật chất, tinh thần trong suốt những năm học dưới mái trường Võ Minh Đức. Đó là cô Võ Thái An, dạy môn hóa học, cô nhiều lần không thu học phí ở lớp học thêm, còn thường xuyên cho em tiền, quà. Còn các bạn thì sẵn sàng chia sẻ với em tài liệu học tập, có bạn mua tài khoản online để học tập cho em cùng sử dụng. Trước tấm chân tình đầy ắp nghĩa thầy trò, tình bạn bè, Kỳ nỗ lực học để không phụ lòng tin yêu của những người xung quanh.
Ngoài sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè trong trường, em còn thường xuyên vào mạng xã hội tham gia các nhóm học tập là học sinh của nhiều tỉnh, thành khác nhau. Các bạn sưu tầm được những bài tập hay đều chia sẻ cho em, những kiến thức nào chưa rõ em cũng mạnh dạn hỏi các bạn. Nhờ kết hợp nhiều phương pháp học tập, kiến thức của Kỳ càng thêm phong phú. Em xúc động nói: “Em sẽ không bao giờ quên công lao của thầy cô, những người đã tận tụy đưa em cập bến tri thức. Những người bạn thân yêu luôn sát cánh, giúp đỡ em trong những tháng ngày học tập sẽ là những kỷ niệm đẹp của thời học trò chắc chắn sẽ theo em suốt đời”.
“Vào đại học là em đã hoàn thành được một nửa ước mơ, hoàn thành ước nguyện của mẹ. Em chỉ tiếc là chưa có cơ hội báo hiếu thì mẹ đã đi xa”, Kỳ nói và cho biết thêm, em còn có nỗi lo khác là sắp tới đây khi em về TP.Hồ Chí Minh học tập, một mình ba vừa lo mưu sinh, vừa chăm em bị tật nguyền, em thấy vô cùng xót xa. Để ba nhẹ đi gánh nặng gia đình, khi về thành phố em vừa học vừa tìm việc làm thêm.
“Em Nguyễn Thành Kỳ là một trong số những HS nghèo hiếu học của trường. Biết được hoàn cảnh gia đình em khó khăn, nhà trường tìm nhà tài trợ lo chi phí học tập cho em, cũng như hỗ trợ học bổng dành cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài nỗ lực học khá giỏi, Kỳ còn sống có trách nhiệm với xã hội. Những năm qua, Kỳ tích cực tham gia phong trào Đoàn, là thành viên của đội thanh niên tình nguyện của trường, tham gia các công tác xã hội và tổ chức sinh hoạt hè cho thanh thiếu nhi các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một”. (Cô Kim Anh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Võ Minh Đức) |
ÁNH SÁNG