Cậu học trò nghèo đạt giải Ba sáng tạo toàn quốc

Thứ sáu, ngày 22/03/2013

  Hoàng Đình Hoành (quàng khăn đỏ) trong buổi lễ trao Giải thưởng Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 8 năm 2012. Với sự đam mê môn Vật lý, cậu học trò lớp 9 đã nghiên cứu, tận dụng nhiều đồ vật bỏ đi để chế tạo mô hình “phương tiện biểu diễn áp suất phụ thuộc vào diện tích mặt ép” đoạt giải Ba sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Mô hình của em còn được nhà trường sử dụng trong công tác giảng dạy.

Thầy Vũ Thanh Sơn, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết em Hoàng Văn Hoành, học sinh lớp 9B, đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen vì có thành tích cao trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 8 năm 2012 vừa qua.

Hoàng Văn Hoành sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại thôn Cây Thị, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái).

Trước đây, bố của Hoành còn khỏe mạnh, ông làm nghề mộc trang trải cuộc sống cho gia đình. Nhưng không may, sức khỏe của ông dần giảm sút, ông thường xuyên bị đau ốm và không thể tiếp tục công việc làm nghề mộc được nữa.

Từ đó, cuộc sống của gia đình Hoàng muôn bề thiếu thốn. Cả gia đình với bốn nhân khẩu chỉ trông nhờ vào 8 sào ruộng, anh trai của Hoành hiện cũng là học sinh cuối cấp của một trường trung học phổ thông.

Hoành luôn ý thức được hoàn cảnh của gia đình mình nên thường xuyên giúp đỡ bố mẹ từ việc đồng áng nặng nhọc cho đến những việc không tên trong gia đình. Bên cạnh đó, cậu không quên nhiệm vụ chính của mình là học tập, luôn nỗ lực không ngừng để có những thành tích tốt nhất.

Trong tất cả các môn học, Hoành yêu thích nhất môn Vật lý. Những bài học thầy giáo giảng trên lớp, em luôn chăm chú nghe giảng, ghi nhớ, về nhà lại mày mò, rồi thử áp dụng những kiến thức đã học vào công việc hàng ngày. Cậu trò nhỏ hay bị bố mẹ mắng vì hay tháo các loại máy móc, đồ điện tử trong nhà để xem xét, nghiên cứu nguyên lý hoạt động.

Một lần, trong một tiết học về lực áp suất, Hoành nảy ra ý tưởng chế tạo ra một mô hình giúp cho việc học tập cũng như giảng dạy về vấn đề này trở nên dễ hiểu hơn.

Nghĩ là làm, về nhà em nghiên cứu thêm sách vở, tận dụng những vật dụng bỏ đi như các thanh gỗ, dây cao su cắt từ săm xe… rồi chế tạo ra một mô hình được em đặt tên là “phương tiện biểu diễn áp suất phụ thuộc vào diện tích mặt ép.”

Nhận thấy sự đam mê sáng tạo của Hoành, các thầy cô giáo trong trường, đặc biệt là thầy Lê Trí Dũng, giáo viên bộ môn công nghệ, đã giúp đỡ em hoàn thiện từ ý tưởng thành sản phẩm.

Mô hình được đánh giá cao về hiệu quả, độ chính xác, rõ ràng, thời gian sử dụng của mô hình này hơn hẳn so với mô hình thí nghiệm dùng bằng bột đá trước đây để tìm hiểu sự phụ thuộc của áp suất vào mặt diện tích bị ép trong chương trình học Vật lý lớp 8.

Tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 8 năm 2012, Hoàng Văn Hoành đã vinh dự được trao giải Ba cho sản phẩm của mình.

Trao đổi với chúng tôi, em Hoành cho biết: "Lúc đầu em chỉ suy nghĩ đơn giản là sáng tạo ra mô hình này để phục vụ cho việc học tập môn Vật lý được tốt hơn. Em rất vui mừng khi đạt được giải cao như vậy. Em xin hứa sẽ cố gắng học tập hơn nữa, không phụ lòng của thầy cô giáo, bố mẹ và các bạn."

Còn chị Mông Thị Hoan, mẹ của Hoành xúc động chia sẻ: "Khi nghe tin Hoành đạt giải Ba sáng tạo, tôi rất phấn khởi, tự hào. Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng nuôi các con ăn học để có ích cho gia đình và xã hội."

Hiện tại, trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái) đang sử dụng mô hình thí nghiệm “phương tiện biểu diễn áp suất phụ thuộc vào diện tích mặt ép” của học trò Hoàng Văn Hoành trong công tác giảng dạy môn Vật lý giúp các em học sinh tiếp thu bài nhanh hơn.

Anh Trần Tiến Hưng, Bí thư Huyện Đoàn Lục Yên (Yên Bái) cho biết: "Đây là lần đầu tiên huyện Lục Yên có một sản phẩm sáng tạo đạt giải cao như vậy. Từ tấm gương của em Hoành, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của huyện sẽ triển khai sâu rộng hơn nữa phong trào sáng tạo trong thanh thiếu niên và nhi đồng. Chúng tôi cũng mong muốn mô hình 'phương tiện biểu diễn áp suất phụ thuộc vào diện tích mặt ép' của em Hoành được áp dụng rộng rãi trong công tác giảng dạy môn Vật lý tại các trường trung học cơ sở.

Theo TTXVN