Cắt giảm chi phí quân sự, Hội nghị NATO khó tìm tiếng nói chung

Chủ nhật, ngày 20/05/2012

Ngày 20-5, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc tại Chicago (Mỹ), với sự có mặt của gần 50 quốc gia, gồm cả thành viên và khách mời.

Chủ đề nổi bật trong chương trình nghị sự là vấn đề Afghanistan và việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của các nước thành viên do khủng hoảng tài chính toàn cầu.Tuy nhiên, trong bối cảnh NATO thiếu đoàn kết nội bộ, sa lầy ở chiến trường Afghanistan, các nước thành viên cắt giảm chi phí quân sự, Hội nghị được dự báo là khó tìm được tiếng nói chung.       

Theo các chuyên gia quân sự, vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của Hội nghị NATO sẽ là tình hình tại Afghanistan, nơi NATO quyết định rút lực lượng chiến đấu gồm 130.000 quân vào năm 2014.

 Lính NATO tại Afghanistan Nhiều chuyên gia quân sự trước đó cảnh báo, Afghanistan sẽ sụp đổ nếu NATO rút quân, vì Chính phủ Afghanistan hiện nay chưa thể đảm đương được việc đảm bảo an ninh. Việc NATO rút quân hiện nay có thể nói là do áp lực từ dư luận trong nước cũng như việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng ở các nước châu Âu đang gặp khủng hoảng kinh tế.

Trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại, ngoài việc đảm bảo an ninh, NATO cũng phải khẩn trương huấn luyện các lực lượng an ninh của Afghanistan đủ để họ có thể nhận hoàn toàn trách nhiệm đảm bảo an ninh sau khi NATO rút quân. Bởi việc rút quân này phải chuyển tải được thông điệp: Sứ mạng của NATO tại Afghanistan chính là thành công trong việc đánh bại mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, tăng cơ hội việc làm cho phụ nữ, tăng số trường học dành cho trẻ em và khả năng duy trì sự thống nhất của NATO, bất chấp những hy sinh.

Bà Clark, chuyên gia phân tích cấp cao về Afghanistan nhận định: “Tôi nghĩ rằng, Mỹ và các nhà lãnh đạo khác đang triển khai quân tại Afghanistan muốn miêu tả “Afghanistan như một câu chuyện thành công”. Họ muốn nói đến lực lượng quân đội, cảnh sát Afghanistan đã sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ an ninh. Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp chuyện với người Afghanistan thì họ lại rất lo ngại về những gì sắp xảy ra, đặc biệt là những gì sẽ xảy ra sau năm 2014”.

Điều này cũng là sự thừa nhận của đa số người dân Afghanistan. Một người dân thủ đô Kabul cho biết: “Afghanistan vẫn đang có nhu cầu về sự có mặt của quân đội nước ngoài, vì mối đe dọa từ các quốc gia láng giềng như Pakistan hay Iran. Thực tế cho thấy, những người “hàng xóm” của chúng tôi đã cung cấp chỗ trú ấn và đào tạo những kẻ khủng bố gây mất ổn định tại Afghanistan”.

Trong khi đó, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã khẳng định, việc Pháp rút 3.500 quân khỏi Afghanistan vào cuối năm nay là gần như chắc chắn. Việc Pháp rút quân sớm trước thời hạn 1 năm ít nhiều gây khó khăn cho NATO trong việc đảm bảo an ninh tại Afghanistan từ nay cho đến 2014. Tuy nhiên, theo ông Francois Hollande, thỏa thuận giữa Pháp và Afghanistan về việc Pháp huấn luyện quân đội và cảnh sát cho Afghanistan được ký kết đầu năm nay vẫn được thực hiện.

Một vấn đề nhạy cảm khác trong nghị trình hội nghị là chương trình phòng thủ tên lửa, một mầm mống gây bất hòa giữa NATO và Nga. Bất chấp những nỗ lực của cả hai phía, mối quan hệ này vẫn tồn đọng nhiều khúc mắc khó tháo gỡ. Các thành viên Đông Âu trong NATO vẫn nghi ngại Nga, trong khi hành động mạnh mẽ của Moscow đối với những quốc gia láng giềng từng là đồng minh càng không giúp ích cho việc xóa bỏ mối lo ngại mang tính lịch sử này. Xu hướng nghi kỵ thể hiện rõ nhất trong dự án phòng thủ tên lửa chung.

Phía Nga kiên quyết giữ lập trường về việc “dự án này phải mang tính chia sẻ thực sự và cả hai bên sẽ cùng phối hợp trong việc ra quyết định có hay không đánh chặn một tên lửa”. Trong khi đó, mặc dù ủng hộ hợp tác phòng thủ tên lửa với Nga, trên thực tế Mỹ không cho rằng Nga có thể là đối tác bình đẳng về quân sự và công nghệ. Vì vậy, nút thắt này sẽ khó được tháo gỡ tại Chicago. Bởi thực tế, các nước thành viên NATO không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, nhất là tỷ lệ đóng góp tài chính cho các hoạt động quân sự chung. Điều này càng cho thấy một NATO thiếu gắn kết.

Theo VOV