Cáp quang ngầm - “gót chân Achilles” không chỉ của nước Mỹ
(BDO) Làm thế nào để đảm bảo an ninh cho các tuyến cáp dưới biển vốn chuyển hơn 99% dữ liệu và lưu lượng đàm thoại xuyên lục địa là một vấn đề mà Washington đang phải đối đầu.
Cáp liên lạc dưới biển - kênh chính truyền dữ liệu
Cáp thông tin liên lạc dưới biển là loại cáp được đặt dưới đáy biển nối các trạm trên đất liền để truyền tín hiệu viễn thông qua các vùng biển và đại dương. Các cáp thông tin liên lạc dưới biển đầu tiên được bắt đầu đặt từ những năm 1850 mang lưu lượng điện báo, thiết lập các liên kết viễn thông tức thời giữa các lục địa. Các thế hệ cáp tiếp theo mang lưu lượng điện thoại, và dữ liệu khổng lồ.
Tàu đang đặt cáp Marea nối nước Mỹ và lục địa châu Âu; Nguồn: edition.cnn.com
Hiện nay, người ta sử dụng công nghệ cáp quang để truyền dữ liệu kỹ thuật số, bao gồm điện thoại, Internet và lưu lượng dữ liệu riêng. Mặc dù cáp quang và vệ tinh truyền thông đều được phát triển vào những năm 1960, vệ tinh có hai vấn đề: độ trễ và mất bit. Gửi và nhận tín hiệu đến và đi từ không gian cần có thời gian. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu đã phát triển sợi quang học có thể truyền thông tin với tốc độ 99,7% tốc độ ánh sáng.
Khó biết chính xác lưu lượng truy cập quốc tế được thực hiện qua vệ tinh, nhưng theo thống kê do Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ, lưu lượng dữ liệu quốc tế truyền qua vệ tinh chỉ chiếm 0,37% tổng dung lượng quốc tế của Mỹ. Theo TeleGeography, ngày nay, hơn 99% thông tin liên lạc quốc tế được thực hiện qua cáp quang, hầu hết là dưới biển, bao gồm các giao dịch tài chính, email, mạng xã hội và cả liên lạc quân sự. Theo tài liệu do Snowden cung cấp, trong năm 2012, Trụ sở Truyền thông Chính phủ (Government Communications Headquarters - GCHQ) của Anh đã xử lý 600 triệu "cú điện thoại" mỗi ngày thông qua hơn 200 đường cáp quang.
Đặt cáp là một công việc chậm, kéo dài và tốn kém. Các dây cáp nói chung phải được chạy trên các bề mặt phẳng của đáy đại dương và cẩn thận để tránh các rạn san hô, tàu chìm, môi trường sinh thái và các vật cản nói chung. Có rất nhiều mối đe dọa dưới nước đối với cáp ngầm. Cá mập rất thích nhai cáp biển mà lý do chính xác có thể liên quan gì đó đến trường điện từ. Ngoài cá mập, Internet luôn có nguy cơ bị gián đoạn do thuyền neo, tàu đánh cá va chạm và thiên tai…Tính đến đầu năm 2020, có khoảng 406 tuyến với hơn 1,2 triệu km cáp ngầm đang được sử dụng trên toàn cầu. Một số tuyến cáp khá ngắn, như cáp CeltixConnect nối Ireland với Vương quốc Anh - dài 131km, những tuyến khác dài đến khó tin, chẳng hạn như cáp Asia America Gateway - 20.000km. Trong Chiến tranh Lạnh, người ta chú ý đến cáp thông tin quân sự và các mảng sonar được đặt dưới đáy biển. Ngày nay, “chiến tranh dưới đáy biển” đã được mở rộng bao gồm các cáp internet đi qua các đại dương.
Nguy cơ hoạt động phá hoại
Sự phụ thuộc của Mỹ và phương Tây vào cáp internet dưới biển có thể là một lỗ hổng chiến lược - hệ quả của cả địa lý và sự trỗi dậy của nền kinh tế kỹ thuật số quốc tế. Theo báo chí Mỹ, chiếc tàu ngầm mới được tiết lộ gần đây của Hải quân Venezuela có kích thước nhỏ và tầm hoạt động ngắn, không trang bị vũ khí. Tuy nhiên, nó có thể gây ra một mối đe dọa bất đối xứng đối với lợi ích của Mỹ ở Caribe, vì đó là một loại tàu ngầm được thiết kế để vận chuyển những kẻ phá hoại dưới nước - có thể tấn công tàu bằng mìn limpet theo cách của người nhái trong Thế chiến II.Nhưng một mục tiêu hiện đại hơn của người nhái có thể là cáp internet hay thông tin liên lạc dưới biển. Bằng cách nào đó, tàu ngầm mini cùng người nhái sẽ phải được đưa đến khu vực mục tiêu, bằng tàu thường hoặc tàu ngầm. Việc sử dụng tàu chiến sẽ rất khó để giữ bí mật, nhưng các tàu dân sự có thể hoạt động với vai trò của tàu mẹ. Tàu ngầm mini có thể được kéo vào vị trí trong một sà lan nổi đặc biệt có một khe để tàu ngầm mini có thể hạ xuống nước.
Tàu ngầm mini VAS-525 do Ý thiết kế có khả năng lặn xuống độ sâu 200m, mang theo ba thợ lặn rời tàu ngầm, thực hiện nhiệm vụ và quay trở lại. Người nhái có thể mang theo thiết bị cắt hoặc vật liệu nổ nhỏ để phá hoại cáp. Để đạt hiệu quả cao nhất, cuộc tấn công thường được thực hiện ở vùng biển nước tương đối sâu, để khó sửa chữa hơn.
Theo các chuyên gia Mỹ, tấn công cáp internet trong thời bình có thể được sử dụng như một phương tiện chiến tranh lai (hybrid warfare). Hải quân Nga được cho đã phát triển các phương pháp tinh vi và có một đội tàu ngầm do thám được thiết kế để để can thiệp các tuyến cáp dưới đáy biển, làm dấy lên nhiều lo ngại trong những năm gần đây. Năm ngoái, tàu do thám Yantar được biết đến với việc lảng vảng quanh các tuyến cáp biển, đã ở vùng biển Caribe.
Đâu là mối lo lớn của nước Mỹ?
Theo Aaron Amick - một chuyên gia sonar, từng phục vụ trên các tàu ngầm của Hải quân Mỹ theo dõi các tàu ngầm Nga hoạt động trên các tuyến cáp của NATO ngoài khơi bờ biển Na Uy vào đầu những năm 1990 - sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga có một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Akula hoạt động trong khu vực - tuần tra giám sát và bao quanh khu vực mục tiêu để tạo ra một vòng vây phòng thủ chống lại các tàu ngầm NATO rình mò.
Để đến được tuyến cáp dưới đáy biển, người Nga có những chiếc tàu ngầm do thám mini lặn sâu chạy bằng năng lượng hạt nhân, được gọi là AGS. Ví dụ nổi tiếng nhất là tàu có tên Losharik, bị tai nạn chết người ngày 1/7/2019. Các tàu ngầm mini AGS được chở đến khu vực mục tiêu bằng một tàu ngầm mẹ. Tàu ngầm do thám lặn sâu của Nga có thể hoạt động ở độ sâu ít nhất 1.000m.
Nga hiện có hai chiếc, chiếc hiện đại nhất là BS-64 Podmoskovye, là một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Delta-IV với kích thước lớn hơn, mang theo tàu mini thay vì tên lửa. Nga đang bắt đầu thử nghiệm một tàu ngầm mẹ Belgorod mới hơn và lớn hơn. Tàu ngầm mẹ sẽ tuần tra theo hình ngôi sao phía trên tàu ngầm mini, thường xuyên liên lạc bằng giọng nói với nó. AGS có thể ở dưới đáy biển vài ngày hoặc có thể là một tuần tại một thời điểm, trước khi nổi lên để cập bến dưới bụng của tàu ngầm mẹ.
Không có bằng chứng xác thực nào cho thấy quân đội Nga đang cố gắng làm tổn hại các tuyến cáp thông tin liên lạc qua Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu, nhưng không thể loại trừ khả năng này và Nga vẫn tiếp tục đầu tư ồ ạt cho mục đích đó. Đây là cách G. Sutton lập luận trong một bài báo được xuất bản bởi tạp chí Forbes của Mỹ, qua đó chỉ ra rằng sự phụ thuộc vào thông tin liên lạc dưới nước là “gót chân Achilles” các nước phương Tây.
Còn theo trang bloombergquint.com, phương Tây coi tham vọng hải quân của Trung Quốc là mối đe dọa, nên có xu hướng tập trung sự chú ý đến Biển Đông. Điều này có thể hiểu được là vì vùng biển này có một trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên khổng lồ, tuyến đường vận tải quốc tế qua Biển Đông được coi là nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới, vận chuyển tới 40% hàng hóa của thế giới. Một yếu tố quan trọng khác, khó xác định hơn nhiều, là ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc xây dựng và sửa chữa các tuyến cáp dưới biển.
Trong khi mọi người có xu hướng coi vệ tinh và tháp di động là trái tim của internet, thành phần quan trọng nhất là hàng trăm dây cáp chìm mang hơn 95% tổng dữ liệu và lưu lượng đàm thoại giữa các lục địa. Chúng phần lớn được xây dựng bởi Mỹ và các đồng minh. Những gã khổng lồ internet của Mỹ bao gồm Google, Facebook và Amazon đang cho thuê hoặc mua những tuyến cáp từ tập đoàn chủ yếu là tư nhân của các nhà khai thác viễn thông đã xây dựng chúng.
Nhưng hiện nay, tập đoàn Huawei Technologies của Trung Quốc - công ty hàng đầu đang làm việc để cung cấp mạng điện thoại 5G trên toàn cầu - đã vào cuộc. Theo Huawei Marine Networks, công ty này đang xây dựng hoặc cải tiến gần 100 tuyến cáp ngầm trên khắp thế giới. Năm ngoái, Huawei đã hoàn thành một tuyến cáp dài gần 6.000km từ Brazil đến Cameroon.
Các đối thủ về chuyên môn cho rằng các công ty Trung Quốc có thể hạ giá thầu vì họ nhận được trợ cấp từ Bắc Kinh, còn các chuyên gia an ninh lo ngại về việc Trung Nam Hải có thể do thám “cửa sau” qua công nghệ 5G của Huawei. Và “cửa sau” không phải là vấn đề duy nhất; báo chí chỉ ra rằng tàu ngầm của Trung Quốc có thể có khả năng "đụng" đến các dây cáp trên Biển Đông; hàng nghìn trạm chuyển tiếp trên mặt đất cũng sẽ là mục tiêu do thám của họ.
Việc bảo vệ hệ thống cáp điện dân dụng cũng như quân sự được coi là ngày càng quan trọng và cấp bách đối với NATO. Theo truyền thống, nhiệm vụ đặc biệt của hải quân là duy trì quyền kiểm soát các Đường liên lạc trên biển (Sea Lines of Communication - SLOC). Cho đến nay, điều này được hiểu là các tuyến đường vận chuyển, nhưng gần đây, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu-châu Phi lúc đó là Đô đốc James Foggo đã nhấn mạnh điều này bao gồm cả cáp ngầm.
Theo viên Đô đốc này, cáp dưới biển là một phần của cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ và cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu. Mỹ phải bảo vệ sự toàn vẹn và an ninh của chúng chắc chắn như đảm bảo quyền tự do hàng hải quốc tế. Vì vậy, bài báo kết luận, khi xem xét những thách thức mà Trung Quốc đặt ra trên bề mặt Biển Đông, thiết nghĩ cũng cần phải nhìn xuống độ sâu âm u của đáy biển./.
Theo VOV