Cấp phép lao động nước ngoài làm việc tại Bình Dương: Luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất

Thứ ba, ngày 01/10/2024

(BDO)  Đối thoại trực tiếp với hơn 200 đại diện doanh nghiệp (DN) Trung Quốc xoay quanh việc cấp phép cho các chuyên gia, kỹ sư, quản lý và người lao động (NLĐ) nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết sở và chính quyền địa phương luôn hỗ trợ hết mình để việc cấp phép, hoạt động theo đúng trình tự và nhanh nhất có thể.

 Sở LĐTB&XH luôn cầu thị, lắng nghe để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc cấp phép lao động cho người nước ngoài

 Vướng mắc được trả lời thỏa đáng

Sáng 30-9, tại trường Trung cấp nghề Nghiệp vụ Bình Dương, cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Sở LĐTB&XH với hơn 200 đại diện DN Trung Quốc xoay quanh vấn đề cấp phép cho quản lý, các chuyên gia, kỹ sư, lao động nước ngoài đã tháo gỡ nhiều vướng mắc. Hàng chục câu hỏi trực tiếp của đại diện DN đề ra và được cán bộ chuyên môn của sở trả lời thỏa đáng.

Bên cạnh thủ tục cấp phép, nhiều vấn đề xoay quanh việc tuyển dụng, chuyển đổi việc làm của lao động nước ngoài cũng được các DN đề cập.

Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó phòng Lao động chính sách xã hội, Sở LĐTB&XH, cho biết cuộc đối thoại nhằm trao đổi, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 70/2023/NĐ-CP năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP năm 2020 của Chính phủ quy định về NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý NLĐ Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. “Mặc dù đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên trong quá trình thực hiện thủ tục cấp phép, đại diện nhiều DN không nghiên cứu kỹ hồ sơ thủ tục theo đúng quy định, dẫn đến kéo dài thời gian cấp phép”, bà Quỳnh nói.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Nghị định 70/2023/NĐ-CP có nhiều điểm mới, tháo gỡ được nhiều khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho NLĐ nước ngoài trong việc cấp phép. Cụ thể như theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP, khi NLĐ xin cấp phép lao động cần phải chứng minh kinh nghiệm làm việc về chuyên môn đang làm, trong khi đó Nghị định 70/2023/NĐ-CP tạo điều kiện thuận lợi hơn, cho phép NLĐ nước ngoài sử dụng lại giấy phép kinh nghiệm đã được cấp để làm hồ sơ…

 Đại diện các doanh nghiệp Trung Quốc đưa câu hỏi xoay quanh vấn đề cấp phép lao động cho người nước ngoài tại buổi đối thoại

Tạo điều kiện thuận lợi

Nghị định 70/2023/NĐ-CP có nhiều điểm mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong việc cấp phép lao động cho người nước ngoài, nhưng bên cạnh đó quản lý chặt chẽ trong việc cấp phép.

Luôn hỗ trợ tốt nhất

Qua đối thoại với hơn 200 đại diện DN Trung Quốc trong việc cấp phép cho lao động người nước ngoài, ông Phạm Văn Tuyên cho rằng Sở LĐTB&XH hết sức cầu thị, ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các DN. Vấn đề nào chưa rõ, các DN có thể gọi về cán bộ chuyên môn của sở để được giải thích, hoặc đến bộ phận tiếp dân của sở yêu cầu hướng dẫn cụ thể hơn để được hỗ trợ tốt nhất.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết một trong những điểm thay đổi quan trọng trong Nghị định 70/2023/NĐ-CP được các DN quan tâm nhiều nhất là trước đây các DN đề nghị cấp giấy phép lao động với vị trí công việc có các chức danh công việc chung chung, chưa cụ thể. Ví dụ như nhân viên, kỹ thuật viên, quản lý… Điều này gây khó khăn cho việc kiểm tra, xem xét giải quyết các giải trình nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài khi DN nộp về sở tại các nội dung về vị trí công việc, chức danh công việc. Do đó, hiện nay các DN khi giải trình nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài đều phải ghi vị trí công việc có chức danh cụ thể, gắn với công việc thực tế đang làm.

“Trong quá trình làm hồ sơ cấp phép lao động, các DN phải xác định nhu cầu, vị trí, chức danh công việc của lao động người nước ngoài rõ ràng. Các giấy tờ làm thủ tục cấp phép phải còn thời gian theo đúng quy định pháp luật như giấy khám sức khỏe, bằng cấp, giấy phép nghề nghiệp... Để khi đối chiếu với hợp đồng lao động tại DN phải hợp lệ, tránh tình trạng đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính, mất thời gian của DN”, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, lưu ý.

 QUANG TÁM